Russia helicopters military syria
Máy bay trực thăng quân sự Nga
Nga thay thế nhập khẩu hoàn toàn động cơ máy bay nhập của Ukraine

Tập đoàn Chế tạo động cơ Thống nhất của Liên bang Nga đã đạt được mục tiêu thay thế nhập khẩu hoàn toàn các động cơ trong một loạt máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định. Đó là các loại động cơ trước đây Nga phải mua từ Ukraine và các nước phương Tây như Mỹ, Pháp.

Hiện nay, trong lĩnh vực chiến lược quan trọng của ngành công nghiệp hàng không, Liên bang Nga đã đạt được độc lập hoàn toàn khỏi hàng nhập khẩu. Điều này sẽ giúp Nga hạn chế sự phụ thuộc vào nước ngoài, tránh những hệ quả của các rắc rối về chính trị.

Ngoài ra, việc sử dụng 100% các linh kiện và cấu kiện sản xuất trong nước cũng giúp Nga hoàn toàn chủ động trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí, không phải chịu những sách nhiễu vô lý của các nhà cũng cấp linh kiện Ukraine và phương Tây.

Tờ Izvestia của Nga đưa tin, Tổng công ty Chế tạo động cơ Thống nhất đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các động cơ thế hệ mới mới TV7-117V. Loại động cơ này có thể được sử dụng trên máy bay trực thăng mới Mi-38, cũng như trên các máy bay Il-114 và Il-112B.

"Về mặt lực đẩy, mức độ tiêu tốn nhiên liệu, hiệu suất, độ tin cậy, các động cơ của Nga là một trong những mẫu có chất lượng hàng đầu trên thế giới trong phân khúc này" - đại diện chính thức của Tập đoàn Chế tạo động cơ Thống nhất Anastasia Denisova cho biết.

Bà Denisova lưu ý rằng, các động cơ mới có khả năng đảm bảo an toàn bay ngay cả trong điều kiện hoạt động nguy hiểm nhất và điều kiện bảo dưỡng, chăm sóc kỹ thuật thiếu thốn nhất.

Trước đó, trong triển lãm trực thăng quốc tế HeliRussia-2016 được tổ chức tại Nga, nhà sản xuất nước này đã giới thiệu cabin trực thăng Mi-38, được điều khiển không phải bằng cần lái truyền thống, mà dùng joystick điều khiển tương tự các trò chơi trên máy tính.

Được biết, sau khi bị Mỹ và EU áp đặt lệnh từng phạt về hợp tác kỹ thuật quân sự, do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, Nga buộc phải thay thế những linh kiện, thiết bị dùng trong các loại vũ khí, trang bị của mình, đặc biệt là về động cơ máy bay trực thăng và một số động cơ máy bay hạng nhẹ.

Trước đây, Nga phải nhập khẩu khá nhiều động cơ máy bay trực thăng của Ukraine và cả Mỹ, Pháp... Tuy nhiên, sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với nước này, đồng thời Ukraine cũng cắt đứt hợp tác kỹ thuật quân sự, ngành công nghiệp hàng không Nga đã lâm vào tình trạng khó khăn.

Các chuyên Nga khẳng định rằng, không có loại thiết bị nào Ukraine sản xuất được mà Nga không làm được, việc nước này nhập khẩu chủ yếu động cơ máy bay Ukraine là do tình hữu nghị và sự phân công lao động, được thừa kế từ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ.

Nếu chính quyền Kiev ngăn cấm các doanh nghiệp chế tạo hàng không nước này bán động cơ cho Nga thì Nga sẽ tự chế tạo, sản xuất và khi đó kẻ bị thiệt hại sẽ chính là Ukraine bởi họ sẽ không thể bán được chúng cho ai.

Nga đã cấp tốc triển khai kế hoạch thay thế hoàn toàn các thiết bị, linh kiện nhập khẩu của nước ngoài. Kế hoạch này đã bắt đầu triển khai toàn diện vào hồi giữa năm 2015 và lĩnh vực tiên phong là động cơ máy bay quân sự đã thu được thành quả lớn chỉ sau vẻn vẹn 1 năm.

Nga thay thế hàng loạt động cơ máy bay trực thăng quốc nội

Cuối tháng 5 vừa qua, truyền thông Nga cho biết, trong bốn năm tới, máy bay trực thăng hạng nhẹ Ka-226 và Ansat của Nga sẽ được lắp đặt động cơ trong nước sản xuất, thay thế cho động cơ tuốc bin trục (turboshaft) nhập của Mỹ và Pháp.

Trước đây, máy bay trực thăng hạng nhẹ Ansat của Hãng Kazan sử dụng động cơ Turboshaft PW207K của Công ty chế tạo động cơ lừng danh của Mỹ là Pratt & Whitney, với công suất 470 kW (630 hp).

Còn trực thăng Ka-226 có thể sử dụng 2 loại động cơ là Allison Model 250 (hiện là Rolls-Royce M250), do công ty động cơ Allison của Mỹ phát triển. Nó cũng có thể sử dụng động cơ Arrius 2G1, công suất 335 kW (450 hp) mỗi chiếc, do hãng Turbomeca của Pháp chế tạo.

Trong khuôn khổ chương trình thay thế nhập khẩu, công ty Technodynamica của Nga đã phát triển động cơ máy bay trực thăng hạng nhẹ TD-700. Theo đại diện của Technodynamica, hiện công ty đang hoàn tất thiết kế và sau bốn năm sẽ chế tạo 12 được chiếc động cơ.

TD-700 được thiết kế cho phép trực thăng có phạm vi hoạt động rất rộng, hiệu quả cao, có tính năng tương tự các sản phẩm của nước ngoài, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế và xuất khẩu ra thị trường thế giới với giá thành thấp hơn 15% so với động cơ tương đương của nước ngoài.

Ngoài việc phát triển động cơ cho 2 dòng trực thăng hạng nhẹ Ka-226 và Ansat, các máy bay trực thăng tấn công Mi-28N, trực thăng đa năng Mi-38 và trực thăng vận tải hạng nặng số 1 thế giới của Nga là Mi-26T2 cũng thay thế các động cơ nhập ngoại bằng các động cơ nội địa.

Hiện nay, Xí nghiệp chế tạo trực thăng Rostvertol thuộc Tập đoàn trực thăng Nga (Russian Helicopter) cũng đã thay động cơ TvZ-117VMA-SBM1V của Hãng chế tạo động cơ Motor Sich của Ukraine trên các máy bay Mi-28N, bằng động cơ VK-2500 do công ty Klimov của Nga sản xuất.

Người đứng đầu Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nhà nước Rostech cho biết rằng, trong năm 2016 các nhà sản xuất động cơ máy bay Nga sẽ sản xuất 200 động cơ máy bay trực thăng để thay thế toàn bộ các sản phẩm tương tự phải nhập từ Ukraine, trên máy bay Mi-28N của Nga.

Máy bay trực thăng siêu nặng số 1 thế giới của Nga là Mi-26T2 và các phiên bản xuất khẩu cũng sẽ thay thế hết các động cơ D-136 của hãng Motor Sich-Ukraine bằng động cơ nội địa PD-12V, có tính năng vượt trội, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến hơn.

Động cơ thế hệ mới PD-12V sử dụng trên Mi-26T2 được phát triển trên cơ sở động cơ PD-14 do Cục thiết kế động cơ Aviadvigatel thuộc Tập đoàn Động cơ Thống nhất của Nga, hiện đang lắp đặt trên máy bay phản lực hai động cơ cỡ nhỏ Irkut MC-21 (MS-21).

Ngoài ra, chương trình chế tạo hàng loạt loại máy bay trực thăng bay cao nhất thế giới là Mi-38, vốn ban đầu được thiết kế với 2 tùy chọn là sử dụng động cơ turboshaft Klimov TV7-117V của Nga hoặc PW127/TS của Pratt & Whitney của Mỹ cũng sẽ chỉ sử dụng động cơ nội địa.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp động cơ máy bay Nga sẽ mở rộng quy mô sản xuất để trong vòng 5 năm tới sẽ thay thế toàn bộ sản phẩm tương tự phải nhập khẩu từ Ukraine, Mỹ và châu Âu, độc lập hoàn toàn trong chế tạo và xuất khẩu các loại máy bay trực thăng của mình.