Putin and Hun Sen
Hun Sen và Vladimir Putin tay bắt mặt mừng bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga tại Sochi (Nga) hồi tháng 5 vừa qua
Qua bài viết mang nhan đề "Campuchia: Cửa ngõ đưa Nga đến với ASEAN" đăng trên tạp chí The Diplomat, học giả Samuel Ramani đã chỉ ra những chuyển biến trong quan hệ Nga-Campuchia.

Hôm 17/5 vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã hội đàm song phương với mục tiêu đẩy mạnh hợp tác kinh tế Phnom Penh-Moscow. Kết quả thu được từ buổi hội đàm là một thỏa thuận mang tính lịch sử giữa hai nước trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga tổ chức tại Sochi, Campuchia và nước chủ nhà tiếp tục tuyên bố kí kết các hiệp ước hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đánh dấu những cột mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng một quan hệ đối tác kinh tế bền vững giữa hai nước.

Theo học giả Ramani, người đang nghiên cứu chuyên ngành Địa chính trị Nga từ 1991 đến nay, thì việc đẩy mạnh hợp tác với Campuchia là một nước đi cốt lõi trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Moscow trong khối ASEAN.

Chuyến thăm mang tính lịch sử của ông Medvedev tới Phnom Penh hồi tháng 11/2015 cũng thêm phần khẳng định tầm quan trọng của Campuchia trong chính sách đối ngoại của điện Kremlin.

Sự xuất hiện của ông Medvedev tại Phnom Penh đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của lãnh đạo Nga tới Campuchia kể từ khi Ngoại trưởng Liên Xô bấy giờ Eduard Shevardnadze đặt chân tới thủ đô Nam Vang năm 1987.

Thay đổi trong hợp tác kinh tế

Khác hẳn với quan hệ nồng ấm hiện nay, hợp tác kinh tế giữa Phnom Penh và Moscow gần như không tồn tại trong những năm sau khi Liên Xô tan rã.

Tuy những thỏa thuận song phương như Hiệp định liên Chính phủ trong Giao thương và Hợp tác Kinh tế năm 1995 cũng như việc thiết lập Ủy ban liên Chính phủ trong Hợp tác Giao thương, Kinh tế, Khoa học, và Công nghệ đã góp phần chính thức hóa quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, song thực tế hợp tác mới chỉ ở mức giấy tờ.

Phải đến năm 2005 trở đi, kim ngạch song phương mới tăng đáng kể. Trong một bài phát biểu năm 2014, Đại sứ Nga tại Campuchia, ông Dmitry Tsvetkov, cho biết kim ngạch giao thương giữa hai nước đã tăng từ 10,8 triệu USD năm 2006 lên tới 133,2 triệu USD năm 2013.

Hợp tác kinh tế hai nước cũng chuyển từ chỉ giữa các doanh nghiệp với nhau lên tầm hợp tác liên chính phủ, trong đó thể hiện rõ nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Từ trước đến nay, Campuchia vẫn chỉ xuất khẩu gạo tới Nga và Đông Âu qua các công ty tư nhân như Mekong Oryza. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh song phương Nga-Campuchia hồi tháng 5 mới đây đã mở đường cho chính phủ Campuchia trực tiếp giám sát việc xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp.

Đây là một bước tiến được cho là cực kì quan trọng trong mối quan hệ Phnom Penh-Moscow.

Giao thương tăng vọt trong ngành nông nghiệp đã tạo tiền đề để Nga đầu tư sâu hơn vào các nhà máy năng lượng, trang thiết bị hầm mỏ, và ngành công nghiệp viễn thông tại Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen trong bài phát biểu hôm 20/5 vừa qua cũng đã ghi nhận sự đa dạng trong hợp tác với Nga, đồng thời hồ hởi khẳng định đầu tư từ các công ty tư nhân của Nga sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Campuchia.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov gợi ý rằng Campuchia, Singapore, Indonesia, và Thái Lan có thể cùng tạo ra một khu vực mậu dịch tự do liên kết với Tổ chức Kinh tế Á-Âu (EEU) do Nga đứng đầu. Nếu điều đó xảy ra, vị thế kinh tế của Nga tại thị trường Đông Nam Á sẽ tăng vọt, hoàn toàn có thể cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.

Một số rào cản

Theo học giả Ramani, một trong những rào cản lớn nhất tác động tiêu cực tới hợp tác kinh tế Nga-Campuchia, là việc Phnom Penh tập trung phát triển độc lập hợp tác kinh tế giữa hai chính phủ và hợp tác kinh tế trong các doanh nghiệp tư nhân, thay vì kết hợp cả hai.

Bên cạnh đó, dù chính phủ Campuchia đã áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm giá điện, thuế, và đơn giản hóa thủ tục hành chính, song ngành xuất khẩu gạo của Campuchia vẫn có chi phí sản xuất cao hơn nhiều so với Việt Nam, Thái Lan, hay Lào, những nước xuất khẩu gạo khác trong khối ASEAN.

Thứ hai, các thế mạnh kinh tế của Nga và Campuchia không thực sự giao thoa với nhau. Điểm yếu này được thể hiện rõ trong năm 2015, khi kim ngạch giao thương giữa hai nước giảm 16%.

Nhận thấy vấn đề này, Phnom Penh và Moscow đã mở rộng hợp tác thông qua một số hiệp định được kí hồi tháng trước, như đã nói ở phần đầu bài viết. Các hiệp định này có hiệu lực tới năm 2020.

Một rào cản khác mà ông Ramani nhắc đến là mối quan hệ của Campuchia với Trung Quốc. Thực chất, đây vừa có thể coi là rào cản, đồng thời cũng là cơ hội.

Phnom Penh có thể "xoay trục" vừa đủ sang Nga để chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Campuchia không chỉ là một "vệ tinh" của Bắc Kinh, đặc biệt là trong làn sóng chỉ trích hiện nay về quan điểm của của nước này trong vấn đề Biển Đông.

Mặt khác, với 131.000 lượt người Nga tới Campuchia du lịch tránh rét hàng năm, cùng 8.000 học sinh sinh viên Campuchia đang học tập tại Nga, ông Putin cũng có thể qua đó thể hiện cho người dân Campuchia thấy rằng, Nga là một đối tác đáng tin cậy. Những người từng học tại Nga cũng đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ Phnom Penh.

Tóm lại, có thể khẳng định Campuchia là một đối tác cực kì quan trọng đối với tham vọng khẳng định vị thế tại ASEAN nói riêng và châu Á nói chung của Nga. Tuy vẫn tồn tại một số rào cản, song triển vọng hợp tác giữa hai nước hoàn toàn có thể biến Campuchia trở thành "cửa ngõ" đưa Nga đến với thị trường Đông Nam Á.