Putin and Erdogan sat together
© Sputnik
Theo thông báo của Điện Kremlin, ngày 29/6, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ sau vụ Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái.

Cuộc điện đàm kéo dài 40 phút này được cho là khá tích cực. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại hợp tác và sẵn sàng họp mặt trong thời gian tới. Hai bên cũng nhất trí hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

"Tổng thống Putin nói rằng sẽ chỉ đạo chính phủ bắt đầu đàm phán với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ để khôi phục quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh cực kinh tế, thương mại và các lĩnh vực khác", Điện Kremlin cho biết.

Hiện ông Putin đã chỉ thị chính phủ Nga dỡ bỏ hạn chế đối với ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng hy vọng rằng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thêm các biện pháp để đảm bảo sự an toàn của công dân Nga tại nước này.

Trước đó, Tổng thống Erdogan được cho là đã gửi thư xin lỗi tới Tổng thống Nga Putin về vụ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga gần biên giới Syria cuối tháng 11 năm ngoái. Ông Putin cho rằng, lá thư của ông Erdogan đã tạo điều kiện tiên quyết mở đường cho quá trình khôi phục quan hệ giữa hai nước sau khủng hoảng.

Những động thái trên cho thấy quan hệ hai quốc gia sắp bước sang một chương mới sau một giai đoạn xấu đi trầm trọng.

Còn nhớ, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga vào tháng 11/2015, Tổng thống Puti đã yêu cầu một lời xin lỗi từ Ankara và đòi bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, Tổng thống Erdogan lại khăng khăng đòi Nga xin lỗi vì xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả hai bên cáo buộc lẫn nhau chống lưng cho khủng bố tại Syria và mâu thuẫn gia tăng đến mức ông Putin ra lệnh cấm các công ty du lịch bán tour đến Thổ Nhĩ Kỳ, cấm các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Nga và cấm nhập khẩu hàng hoá, thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng việc Tổng thống Erdogan bất ngờ thay đổi thái độ cho thấy chính quyền của ông đang đánh giá lại chính sách đối ngoại. Điểm đáng lưu ý là thời gian qua Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có mối quan hệ căng thẳng với Israel, Nga mà cả với Mỹ và Liên minh châu Âu.

Ác mộng thực sự cũng xảy đến với Ankara tại Syria khi sự ủng hộ của Nga giúp Tổng thống Bashar al-Assad, kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ, giữ nguyên quyền lực. Trong khi đó, lực lượng vũ trang người Kurd cũng hưởng lợi nhờ Mỹ trong cuộc chiến chống IS, gia tăng vị thế trong các vùng lãnh thổ giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Bởi vậy ngay sau khi nhậm chức thủ tướng hồi tháng 5, ông Binali Yildirim tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần thêm nhiều bạn và bớt thù. Điều này được coi là sự thừa nhận ngầm rằng những chính sách của ông Ahmet Davutoglu, từ chức thủ tướng hồi tháng 5, đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập.

Xét về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rất cần Nga. Theo Bloomberg, lượng khách du lịch Nga đến thành phố Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đến... 95% trong năm 2016. Nhiều năm trước, nơi đây là địa điểm nghỉ mát ven biển ưa thích của các du khách Nga.

Tác động này sẽ không quá ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ vì số du khách châu Âu đến nước này nhiều gấp 5 lần số du khách Nga. Tuy nhiên trong năm 2016, khách du lịch từ các nước châu Âu như Anh và Đức lại thờ ơ với Thổ Nhĩ Kỳ vì những mối đe doạ an ninh. Vì vậy mà số lượng du khách năm 2016 đến Thổ Nhĩ Kỳ giảm đến 45% so với năm ngoái, một tác động nặng ký đủ khiến cho chính quyền Erdogan phải suy nghĩ lại.

Ngoài ra, nếu dự án đường dẫn khí đốt của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ xuống phía nam châu Âu được xây dựng, đó sẽ là nguồn lợi lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi thế, giữ mối quan hệ với Nga vô cùng quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ.