Iran nuclear deal Kerry
© AP Photo/ Kevin Lamarque/Pool PhotoĐàm phán hạt nhân giữa Iran và Hoa Kỳ hơn một năm trước
Sau thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, Mỹ tiếp tục gây nhiều khó khăn trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt như đã cam kết.

Mỹ có đang nuốt lời?

Ngày 13/7, với 249 phiếu thuận và 176 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nhằm cản trở thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) với Iran.

Dự luật này cấm chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama mua thêm nước nặng, thành tố chủ chốt trong một số lò phản ứng hạt nhân, từ Iran.

Động thái này chủ yếu mang tính biểu tượng, bởi Tổng thống Obama sẽ phủ quyết bất cứ dự luật nào phá hoại thỏa thuận hạt nhân nêu trên, song nó cho thấy rõ sự phản đối gay gắt của phe Cộng hòa đối với văn kiện này.

Chính quyền của Tổng thống Barack Obama gần đây đã mua 32 tấn nước nặng trị giá 8,6 triệu USD từ Iran nhằm hạn chế Tehran tiếp cận nguyên liệu có thể được sử dụng cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng số tiền mà Iran thu về có thể được sử dụng vào việc hậu thuẫn khủng bố hay chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Trước đó, hôm 8/7, Hạ viện Mỹ cũng đã phê chuẩn biện pháp ngăn cản việc bán máy bay cho Iran, kéo theo khả năng hủy bỏ một thương vụ giữa tập đoàn Boeing với Tehran trị giá lên tới 25 tỷ USD.

Trong một tuyên bố, các nghị sĩ Mỹ cho biết đã thông qua hai sửa đổi đối với một dự luật phân bổ do Hạ nghị sĩ Peter Roskam đệ trình, theo đó cấm các thương vụ của tập đoàn Boeing của Mỹ và đối thủ Airbus của châu Âu bán máy bay cho Iran do có những quan ngại rằng các máy bay này có thể được sử dụng vào mục đích quân sự.

Một sửa đổi sẽ cấm Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài sử dụng các quỹ để cấp phép bán máy bay cho Iran. Sửa đổi thứ hai sẽ cấm các định chế tài chính của Mỹ cho Iran vay tiền để mua máy bay có thể hoán cải sang sử dụng vào mục đích quân sự.

Động thái trên diễn ra vài tuần sau khi Boeing và hãng hàng không Iran Air thuộc sở hữu nhà nước xác nhận một thỏa thuận cung cấp máy bay chở khách với tổng trị giá lên tới 25 tỷ USD.

Nếu thành công thì đây là thương vụ lớn nhất giữa hai nước kể từ cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran vào năm 1979 và được mô tả là một dấu mốc trong việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Iran.

Đúng ngày 14/7/2015, hàng nghìn người Iran đã đổ xuống đường ở thủ đô Teheran để hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới. Nhưng giờ đây, sự hoài nghi đang dần thay thế sự hân hoan cách đây một năm mà một trong những nguyên nhân chính là rào cản từ phía Mỹ đang làm xói mòn niềm tin.

Với những tiềm năng của một đất nước 80 triệu dân giàu tài nguyên dầu khí, rất nhiều phái đoàn chính trị và kinh tế đến Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, song những kết quả thu được vẫn còn rất hạn chế.

Iran đã tăng xuất khẩu dầu và thu hút được đầu tư nước ngoài, nhưng những hợp đồng lớn nhất là trong lĩnh vực hàng không để làm mới đội bay đã cũ kỹ thì vẫn còn phải chờ đợi.

Những thỏa thuận về nguyên tắc đã đạt được với Boeing và Airbus để mua 200 máy bay nhưng để cụ thể hóa được thì còn phải chờ sự chấp thuận của chính quyền Mỹ, nước luôn cấm mọi sự giao dịch bằng USD với Iran và đe dọa trả đũa các ngân hàng quốc tế lớn có quan hệ làm ăn với những người hay doanh nghiệp Iran bị cáo buộc hỗ trợ cho khủng bố hay vi phạm nhân quyền.

Mỹ cũng áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của Iran.

Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ, hệ thống ngân hàng quốc tế vẫn gặp rất nhiều khó khăn để có thể giao dịch với Iran. Thỏa thuận đã mở ra khả năng kinh doanh với Iran khi nước này không còn bị trừng phạt, nhưng để thực hiện các hoạt động cụ thể là rất khó khăn vì vấn đề tài chính.

Ở trong nước, Tổng thống Iran Hassan Rouhani phải đối mặt với làn sóng chỉ trích vì đã đề cao một cách thái quá những lợi ích kinh tế mà thỏa thuận hạt nhân mang lại cũng như đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ phe bảo thủ luôn bác bỏ việc xích lại gần phương Tây.

Phe bảo thủ đối lập và các đồng minh nhấn mạnh đến sự vượt trội của doanh nghiệp trong nước so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc khôi phục nền kinh tế. Quan điểm này cũng được Đại Giáo chủ Ali Khamenei chia sẻ khi chỉ trích việc không đạt được những kết quả rõ rệt sau thỏa thuận trên và tiếp tục thường xuyên đả kích "kẻ thù" Mỹ chống phá sự phát triển và ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Lời đe dọa từ Iran

Không chỉ Iran mà dư luận quốc tế cũng đổ lỗi cho Washington gây ra những trở ngại trong thực thi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Hãng tin của Pháp dẫn lời một nhà ngoại giao phương Tây tại Teheran yêu cầu giấu tên nói rằng: "Iran đã làm tốt phần việc của mình. Những rào cản đến từ phía người Mỹ, người châu Âu hẳn đã gây áp lực lên họ. Có một số nhà lãnh đạo trong chính giới Mỹ vẫn còn coi Iran là ma quỷ và không nhận thức được mục tiêu của thỏa thuận này".

Amir Mohebbian, một chuyên gia chính trị của phe bảo thủ ở Iran, cho rằng Mỹ đã sử dụng thỏa thuận này để gây sức ép lên Iran, buộc Iran phải thay đổi thái độ tại Trung Đông hay từ bỏ quan hệ với Hezbollah, đồng thời nhấn mạnh Iran có thể lợi dụng sự xuất hiện của tỷ phú Donald Trump trong cuộc chạy đua giành ghế Tổng thống Mỹ và việc nước Anh bỏ phiếu rời khỏi EU.

Ông Mohebbian cho rằng phương Tây không còn khả năng liên kết để chống lại Iran như trước đây, nhất là vào thời điểm mà Iran cho thấy một bộ mặt mới, mềm dẻo hơn.

Được ký tại Thủ đô Vienna (Áo) vào ngày 14/7/2015 sau 2 năm đàm phán đầy khó khăn giữa Iran và nhóm các cường quốc P5+1, thỏa thuận lịch sử này đã giúp tháo gỡ một phần các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Teheran, đổi lại nước này cam kết từ bỏ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, dù bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1/2016, Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt quan trọng liên quan đến vấn đề nhân quyền của Iran và hoạt động thử tên lửa đạn đạo của nước này, đồng thời không cho Teheran thực hiện các giao dịch bằng đồng USD và khiến các ngân hàng quốc tế không khỏi lo ngại vì họ vẫn bị giám sát khi giao dịch với đất nước này, dù Washington đã nhiều lần đảm bảo sẽ không làm như vậy.

Sản lượng dầu mỏ gần như đã đạt mức trước khi bị trừng phạt, song hy vọng thu hút khoảng 30-50 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài mỗi năm của ông Rouhani ngày càng bị coi là sự mơ tưởng hão huyền.

Phản ứng trước thái độ của Mỹ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 13/7 tuyên bố nước này có thể khôi phục một phần chương trình hạt nhân của mình nếu các cường quốc thế giới không thực thi đến cùng thỏa thuận đã ký cách đây một năm.

Tổng thống Rouhani nhấn mạnh thỏa thuận hạt nhân này đem lại lợi ích to lớn vì nó giúp thúc đẩy hòa bình và ổn định, đồng thời cảnh báo rằng việc vi phạm thỏa thuận sẽ "gây tổn hại cho mọi người".

Ông Rouhani cũng thông báo với người dân Iran rằng nước này "hoàn toàn sẵn sàng" và có thể khôi phục chương trình hạt nhân của mình một cách nhanh chóng nếu các cường quốc thế giới vi phạm thỏa thuận.