erdogan
© AFP 2016/ STR / TURKISH PRESIDENTIAL PRESS OFFICE
Thổ Nhĩ Kỳ hành động nóng sau đảo chính


Ngày 17/7, phát biểu trước đám đông ủng hộ sau khi tham dự lễ tang các nạn nhân thiệt mạng trong vụ đảo chính, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố nước này có thể sẽ lại sử dụng hình phạt tử hình sau vụ đảo chính bất thành đêm 15/7, đồng thời cho biết chính phủ nước này sẽ trao đổi vấn đề này với các đảng đối lập.

Nhà lãnh đạo Ankara cho rằng không thể trì hoãn việc tái sử dụng hình phạt tử hình bởi theo ông những kẻ tiến hành đảo chính phải trả giá cho hành động này.

Trước đó vào năm 2004, Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và nước này không xử tử ai kể từ năm 1984.


Nhận xét: Áp dụng lại án tử hình có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ không còn trông đợi vào việc gia nhập EU nữa.


Trong một động thái có liên quan, chính quyền Ankara cũng đang gia tăng chiến dịch truy quét những người bị cáo buộc dính dáng cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan.

Theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, có đến 6.000 người bị bắt giữ, trong đó có nhiều sĩ quan quân đội. Lệnh bắt 53 thẩm phán và công tố viên cùng 52 sĩ quan quân đội khác cũng đã được ban hành.

Nguồn tin cho biết thêm, 3 trong số các tướng lĩnh cấp cao nhất của Thổ Nhỹ Kỳ đã bị bắt cùng hàng trăm binh lính. Gần 3.000 thẩm phán và công tố viên bị bãi chức.

Các nhà điều tra đang chuẩn bị hồ sơ đưa những người lên kế hoạch đảo chính ra xét xử với tội danh âm mưu lật đổ chính phủ. Chính phủ nói rằng, ít nhất 104 người lên kế hoạch đảo chính đã bị tiêu diệt.


Nhận xét: Chúng ta cần nhớ rằng trong hàng chục năm nay, kể từ Chiến dịch Gladio của NATO vào những năm 1970, có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia bị thâm nhập, thao túng nhiều nhất bởi các lực lượng "nằm vùng" của NATO. Cuộc đảo chính thất bại là cơ hội vàng cho Erdogan giành lại sự kiểm soát và củng cố quyền lực tại Thổ Nhĩ Kỳ.


Ngoài việc siết chặt tình hình trong nước, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngần ngại chĩa những chỉ trích về phía Mỹ sau khi vụ đảo chính của binh lính nước này xảy ra.

Tổng thống Erdogan đã cáo buộc ông Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo sống lưu vong ở bang Pennsylvania đứng sau vụ đảo chính bất thành, và Mỹ đang cung cấp chỗ ẩn náu cho ông này.

"Tôi nói với người Mỹ là: Xét xử hoặc giao nộp người đàn ông đang sống ở khu vực rộng 400.000 m2 ở Pennsylvania. Tôi kêu gọi một lần nữa sau vụ đảo chính. Hãy giao ông ta về Thổ Nhĩ Kỳ", ông Erdogan tức giận nói.

Nhà lãnh đạo Ankara cũng tấn công vào quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ khi nói: "Nếu chúng ta là đối tác chiến lược thì hãy lắng nghe đối tác của mình và làm điều chúng tôi nói. Chúng tôi giao cho các ông bất kỳ tên khủng bố nào các ông yêu cầu. Giờ các ông hãy giao cho chúng tôi nhân vật nằm trong danh sách khủng bố của chúng tôi".

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Bekir Bozdag khi phát biểu trên truyền hình nhà nước cũng ngầm đưa ra những thông điệp cho Nhà Trắng.

"Mỹ sẽ tự làm yếu mình bằng cách bảo vệ ông ta, điều đó sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của Mỹ. Tại giờ phút này, tôi không nghĩ Mỹ sẽ bảo vệ người đã có hành động chống lại Thổ Nhĩ Kỳ", ông Bozdag nói.

Nga thuận lợi?

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu gia tăng sau khi giới chức Ankara không ngần ngại quy trách nhiệm về vụ việc cho phía Nhà Trắng.

Trước những phản ứng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng bác bỏ tất cả những lời lẽ bóng gió rằng Washington dính líu đến vụ đảo chính.

Trong một phát biểu được đưa ra cuối ngày 16/7, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kerby khi nhắc đến cuộc nói chuyện giữa Ngoại trưởng Kerry với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavosoglu đã khẳng định: "Ông ấy khẳng định rõ ràng rằng, Mỹ sẽ sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ điều tra, nhưng việc ám chỉ công khai về bất kỳ vai trò nào của Mỹ trong nỗ lực đảo chính đều hoàn toàn sai lầm và gây tổn hại cho quan hệ song phương".

Những lời đôi co qua lại giữa Washington và Ankara vẫn chưa chấm dứt nhưng có một thực tế là quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu ấm nồng trở lại. Giới phân tích cho rằng, dường như Moskva đang biết cách tận dụng những mâu thuẫn mới nảy sinh giữa Mỹ và Ankara.

Điều này cũng chẳng khó khăn gì. Từ trước đến nay, Mỹ đã không ít lần bội ước với Ankara. Đích thân ông Erdogan đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Nhà Trắng hỗ trợ lực lượng người Kurd nhằm gây bất lợi với nước này hay thể hiện sự thất vọng với Tổng thống Mỹ Obama trong các quyết sách tại Syria.

Ngày 13/6, phát biểu trước báo giới, Tổng thống Erodogan đã lên tiếng bày tỏ sự thất vọng của mình về tình trạng mối quan hệ giữa ông và người đồng cấp Mỹ Barack. Theo ông Erdogan, ông đã đặt nhiều hy vọng vào Tổng thống Mỹ Obama song điều đó không thành hiện thực.

"Chúng tôi đã rất hy vọng khi ông Obama chọn Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên tới thăm khi đảm nhiệm cương vị Tổng thống Mỹ (năm 2008), song thật không may, sự kỳ vọng của chúng tôi đã không trở thành hiện thực", Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.

Và đương nhiên, giữa lúc quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ đang rối như tơ vò thì Nga đã thể hiện sự khôn khéo của mình để vừa đổ thêm dầu vào lửa vừa giành lấy lợi thế cho chính mình.

Khi trả lời phỏng vấn với hãng tin RIA Novostim, ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) đã đưa ra 2 khả năng dẫn đến cuộc bạo động tại Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nguyên nhân đảo chính nằm trong tổng thể nhiều vấn đề, tuy nhiên không loại trừ khả năng lời xin lỗi Nga của Tổng thống Erdogan và việc thay đổi chính sách của Ankara trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố IS đã trở thành giọt nước tràn ly, khiến giới quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hết kiên nhẫn", ông Ozerov cho biết.

Song song với đó, hôm 17/7, điện Kremlin đã khởi xướng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Erdogan.

Trong buổi điện đàm, ngoài việc gửi lời chia buồn tới gia đình, người thân những nạn nhân thiệt mạng sau vụ đảo chính, đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo an toàn cho các du khách Nga đang có mặt tại nước này, ông chủ điện Kremlin còn khôn khéo thể hiện lập trường cứng rắn của Moskva.

Đó là Nga dứt khoát bác bỏ hành động chống hiến pháp và bạo lực cũng như mong muốn một sự phục hồi nhanh chóng của trật tự hiến pháp và ổn định bền vững ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ còn đạt được một thỏa thuận về kế hoạch tổ chức một cuộc gặp mặt cá nhân "trong tương lai gần nhất". Theo tiết lộ của truyền thông Ankara, ông Putin và Erdogan đồng ý gặp nhau trong tuần đầu tiên của tháng Tám năm nay.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cũng để ngỏ khả năng này.

Rõ ràng, nếu tận dụng thành công sự rạn nứt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, Nga hoàn toàn có thể lập ngược lại thế cờ, tái khởi động lại dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ đang bị đóng băng từ tháng 11/2015 hay nghĩ tới giấc mơ cùng kiểm soát eo biển Bosphorus.