Life purpose
Một ngày, khi em trai tôi 18 tuổi, nó bước vào phòng khách một cách hùng hổ và tự hào thông báo với mẹ tôi và tôi là một ngày nào đó nó sẽ trở thành thượng nghị sĩ.

Mẹ tôi nói với nó " Được lắm, con trai yêu". Còn tôi chắc chắn là đang bị phân tâm bởi một đĩa snack hay một cái gì đó.

Nhưng suốt 15 năm sau, câu nói đó đã ảnh hưởng đến tất cả những quyết định trong cuộc đời của em trai tôi: Những môn học ở trường, chọn nơi để sống, chọn người làm bạn và thậm chí là làm gì trong những kì nghỉ và cuối tuần.

Và bây giờ, sau một thời gian dài làm việc, nó đã là chủ tịch một đảng chính trị lớn của thành phố và là thẩm phán trẻ nhất của bang. Trong thời gian tới, em trai tôi hi vọng sẽ ra vận động tranh cử lần đầu tiên.

Hầu hết chúng ta không biết chúng ta muốn làm gì trong đời. Thậm chí sau khi tốt nghiệp, có việc làm, kiếm được tiền. Khi ở độ tuổi từ 18 đến 25, tôi đã thay đổi sở thích nghề nghiệp của mình còn nhiều hơn thay đồ lót. Và thậm chí sau khi tôi quản lý việc kinh doanh của riêng mình, chỉ khi đến năm 28 tuổi tôi mới thực sự tìm ra tôi muốn làm gì trong cuộc đời mình.

Tôi nghĩ rất nhiều người có thể giống tôi không biết mục đích cuộc sống của mình là gì. Đó là một quá trình trăn trở mà hầu hết những người trưởng thành đều trải qua. "Tôi muốn làm gì trong đời?" "Đam mê của tôi là gì?" "Tôi làm tốt những thứ gì?" Tôi thường nhận được email của những người từ 40 đến 50 tuổi kể rằng họ vẫn không biết mình sống để làm gì.

Một phần vấn đề nằm chính trong từ "mục đích sống". Chúng ta thường nghĩ rằng mỗi người sinh ra đều có một mục đích cao cả và nhiệm vụ của mỗi người là tìm ra mục đích đó. Kiểu lý luận này cũng giống như niềm tin rằng con số may mắn của bạn là 34 (nhưng chỉ vào ngày thứ ba hoặc ngày trăng tròn chẳng hạn).

Sự thật là thế này, chúng ta tồn tại trên trái đất trong một thời gian nhất định. Trong thời gian đó, chúng ta làm một số việc quan trọng và không quan trọng. Những việc quan trọng mang lại cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa và hạnh phúc. Những việc không quan trọng đơn giản chỉ là để giết thời gian.

Vì vậy, khi ai đó nói "Tôi nên làm gì với cuộc sống của mình?" hoặc "Mục đích sống của tôi là gì?", cái mà họ hỏi thực ra là "Tôi có thể làm việc quan trọng gì với thời gian của tôi?"

Đấy là một câu hỏi tốt hơn rất nhiều. Nó dễ trả lời hơn và không mang kèm với nó những khái niệm vô nghĩa lý như câu hỏi "mục đích sống". Không có lý do gì để bạn suy ngẫm về mục đích của cuộc đời mình trong khi bạn nằm dài trên ghế salon ăn bim bim suốt ngày. Thay vào đó, bạn nên đứng dậy và khám phá cái gì là quan trọng đối với bạn.

Một trong những câu hỏi tôi thường nhận được nhất qua email là mọi người hỏi họ nên làm gì với cuộc sống của họ, "mục đích sống" của họ là gì. Đây là một câu hỏi tôi không thể trả lời được. Tôi không biết. Tôi là cái quái gì mà quyết định cái gì họ nên làm hay cái gì quan trọng đối với họ?

Nhưng sau một thời gian nghiên cứu, tôi đã xây dựng nên loạt câu hỏi dưới đây để giúp bạn tự tìm ra cái gì là quan trọng với bạn và cái gì mang lại nhiều ý nghĩa hơn cho cuộc sống của bạn.

Những câu hỏi này không phải là toàn diện hay có câu trả lời dứt khoát. Trên thực tế, chúng nghe có vẻ hơi phi lý, buồn cười một chút. Nhưng tôi cố ý làm như vậy bởi vì khám phá mục đích sống của chúng ta nên là một việc thú vị và vui nhộn chứ không phải nhàm chán, tẻ nhạt.

1. Bạn sẽ chọn bánh mì kẹp phân (đúng, kẹp PHÂN) vị gì, và có cho sốt chua ngọt vào không?

Turd sandwich
À, câu hỏi này hoá ra lại là câu hỏi quan trọng nhất. Cái vị bánh mì kẹp phân mà bạn thích ăn là gì? Bởi vì, đây là một sự thật nho nhỏ, khó chịu về cuộc đời mà người ta không dạy bạn ở phổ thông:

Tất cả mọi thứ đều sẽ có những lúc rất tồi tệ.

Nghe có vẻ cực kỳ bi quan. Và bạn có thể nghĩ: "Này Mark, tươi lên nào, đừng có nhăn như thế." Nhưng tôi lại nghĩ đây là một ý tưởng rất khoáng đạt.

Mọi thứ đều cần sự hi sinh, mọi thứ đều có giá của nó. Không phải thứ gì cũng xảy ra như ý mình. Cho nên câu hỏi đặt ra là: Bạn sẵn lòng chịu đựng sự hi sinh đến mức nào? Suy cho cùng, cái quyết định việc chúng ta có thể bám chặt lấy thứ mà chúng ta đam mê hay không là khả năng đối mặt với những thời kỳ khó khăn và vượt qua những ngày vất vả không thể tránh khỏi.

Nếu bạn mơ thành một doanh nhân tài ba, nhưng không thể chấp nhận thất bại, bạn sẽ chẳng đi được xa đâu. Nếu bạn muốn là một họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng bạn không sẵn sàng nhìn tác phẩm của mình bị hắt hủi hàng trăm, nếu không muốn nói hàng ngàn lần, thì bạn đã kết thúc từ trước khi bắt đầu. Nếu bạn khát khao thành luật sư giỏi nhất, nhưng không thể làm việc 80 tiếng đồng hồ một tuần, thì tôi có tin xấu cho bạn.

Bạn có thể chịu đựng những trải nghiệm khó khăn nào? Bạn có thể thức suốt đêm để lập trình không? Bạn có thể trì hoãn lập gia đình thêm 10 năm nữa không? Bạn có thể chấp nhận để người ta đuổi bạn khỏi sân khấu hết lần này đến lần khác cho đến khi bạn làm đúng không?

Cái vị bánh mì kẹp phân mà bạn thích ăn là gì? Bởi vì cuối cùng tất cả chúng ta đều nhận một cái.

Chi bằng chọn cái có sốt chua ngọt.

2. Cái gì đúng với bạn hôm nay mà sẽ làm cho bạn lúc 8 tuổi khóc sướt mướt?

Khi còn nhỏ, tôi thích viết truyện. Tôi thường ngồi lì trong phòng mình viết đủ thứ, từ người ngoài hành tinh, anh hùng, về những chiến sĩ vĩ đại, về bạn bè và gia đình. Tôi viết không phải vì muốn ai đọc nó, không phải vì muốn tạo ấn tượng với ba mẹ hay thầy cô giáo. Tôi viết chỉ vì niềm vui lớn lao mà nó mang lại.

Nhưng rồi, vì một lí do nào đó, tôi không viết nữa và tôi cũng không nhớ tại sao.

Chúng ta thường có xu hướng quên đi những gì ta thích làm lúc còn nhỏ. Có cái gì đó trong áp lực xã hội và công việc đã vắt kiệt niềm đam mê ra khỏi chúng ta. Chúng ta được dạy rằng lý do duy nhất để làm một việc gì đó là vì chúng ta được trả công bằng cách nào đó.

Mãi đến khoảng 25 tuổi tôi mới phát hiện ra lại là mình thích viết đến thế nào. Và mãi đến khi bắt đầu kinh doanh tôi mới nhớ lại mình thích làm website đến mức nào, điều mà tôi từng làm ở tuổi thiếu niên chỉ cho vui.

Buồn cười là nếu tôi lúc 8 tuổi hỏi tôi lúc 20 rằng "Tại sao anh không viết nữa?", và tôi trả lời "Bởi vì tôi viết không giỏi" hay "Không ai muốn đọc những thứ tôi viết cả" hay "Tôi không thể kiếm tiền bằng nghề đó", không những các câu trả lời đó sai hoàn toàn mà có lẽ chúng sẽ làm tôi lúc 8 tuổi òa lên khóc.

3. Cái gì khiến bạn quên ăn, quên đi "toilet"?

Chắc hẳn bạn đã từng trải qua việc quá tập trung vào một thứ gì đó hàng giờ liền và "Khỉ thật, mình quên cả ăn tối".

Nghe nói rằng khi Isaac Newton tập trung làm việc, mẹ ông phải vào phòng nhắc nhở ông ăn uống vì cả ngày ông quá tập trung vào công việc đến nỗi quên ăn.

Tôi cũng từng như thế khi chơi game. Điều này chắc hẳn là không tốt. Trên thực tế, trong nhiều năm, nó là một vấn đề. Tôi chỉ muốn ngồi chơi game hơn là làm những thứ quan trọng khác như học bài cho kì thi, tắm rửa hay nói chuyện với bạn bè.

Chỉ đến khi từ bỏ được game, tôi mới nhận ra đam mê của mình không phải là bản thân game (Mặc dù tôi thích chơi game). Đam mê của tôi là sự tiến bộ, làm thật giỏi một cái gì đó và làm sao để đạt kết quả tốt hơn nữa. Bản thân các game, hình ảnh và những câu chuyện, chúng rất thú vị, nhưng tôi không bị ảnh hưởng gì khi sống thiếu chúng. Chính cuộc cạnh tranh với những người khác, đặc biệt với chính bản thân tôi là điều làm tôi đam mê.

Và khi tôi hướng niềm đam mê tiến bộ cũng như cuộc chiến với bản thân mình vào việc kinh doanh Internet và viết lách thì nó đã đem lại thành công vang dội.

Có lẽ với bạn, nó là thứ khác. Có thể nó là việc tổ chức, sắp xếp công việc tốt, hay là việc lạc vào một thế giới ảo tưởng, hay là dạy ai một thứ gì đó, hay giải quyết những vấn đề kỹ thuật. Dù nó là thứ gì, đừng chỉ nhìn vào những việc làm bạn thức cả đêm, hãy nhìn vào các nguyên tắc nhận thức đằng sau những việc làm bạn say mê. Bởi vì nó có thể dễ dàng áp dụng ở những nơi khác.

4. Làm cách nào bạn tự làm xấu mặt mình một cách tốt hơn?

head in the sand
Sống lảng tránh sự xấu hổ ngượng ngùng thì cũng giống như sống vùi đầu trong cát vậy
Trước khi bạn làm tốt một vấn đề gì quan trọng, lúc đầu bạn sẽ rất lúng túng khi làm nó và không biết phải làm như thế nào, đó là điều hiển nhiên. Và trong khi lúng túng và không biết làm gì, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ ngượng ngùng, thường là rất nhiều lần.Hầu hết mọi người không muốn mình bị xấu mặt, đơn giản chỉ vì điều đó thật khó chịu.

Do đó, nếu bạn tránh làm những thứ có thể gây rắc rối cho bạn, bạn sẽ không bao giờ hoàn thành một thứ gì quan trọng.

Có lẽ một lần nữa chúng ta lại quay lại vấn đề này: Đó là sự dễ bị tổn thương.

Ngay bây giờ, có một thứ bạn muốn làm, một thứ bạn nghĩ về nó, về nó, nhưng bạn vẫn không làm nó. Bạn có lý do của bạn, chắc chắn rồi. Và bạn đã lặp đi lặp lại lý do này với bản thân hàng trăm hàng ngàn lần.

Nhưng cuối cùng những lý do này là gì? Bởi vì tôi có thể nói với bạn là nếu những lý do này là do bạn sợ những gì người khác nghĩ, thì bạn đã tự làm hại mình.

Nếu lí do của bạn là "Tôi không thể bắt đầu kinh doanh vì dành thời gian cho con tôi quan trọng hơn", hay " Chơi Starcraft cả ngày sẽ ảnh hưởng tới âm nhạc của tôi, mà âm nhạc thì đối với tôi quan trọng hơn", thì được thôi, nghe có vẻ ổn.

Nhưng nếu lí do của bạn là " Ba mẹ tôi sẽ không thích điều đó" hay " Bạn tôi sẽ chọc quê tôi", hay " Nếu tôi thất bại, tôi sẽ trông như thằng ngốc", thì bạn đang trốn tránh những gì bạn thực sự đam mê bởi vì chính đam mê những thứ đó làm bạn sợ, không phải là mẹ bạn nghĩ gì hay thằng hàng xóm Timmy nói gì.

Những điều tuyệt vời, về bản chất, là sự độc đáo và sáng tạo. Do đó, để đạt được chúng, chúng ta phải đi ngược lại tâm lý đám đông.Và chính điều đó thật đáng sợ.

Hãy đón nhận sự xấu hổ. Cảm thấy bản thân ngu ngốc là một phần của quá trình đạt được những gì quan trọng và ý nghĩa. Một quyết định lớn trong đời càng tỏ ra đáng sợ bao nhiêu thì nhiều khả năng là bạn càng cần thực hiện nó bấy nhiêu.

5. Làm thế nào để cứu thế giới?

Nếu bạn không coi thời sự trong thời gian gần đây thì bạn nên biết thế giới đang xảy ra một vài chuyện. Và một vài chuyện mà tôi muốn nói có nghĩa là mọi thứ đang đảo lộn và tất cả chúng ta có thể sẽ chết.

Tôi đã nói về điều này và một số nghiên cứu cũng chứng minh điều đó. Nhưng để sống một cuộc sống hạnh phúc và lành mạnh, chúng ta phải hướng tới những giá trị lớn hơn thỏa mãn và khoái lạc của bản thân.

Vậy hãy chọn một vấn đề và bắt đầu cứu thế giới đi. Có rất nhiều thứ để bạn chọn. Hệ thống giáo dục của chúng ta, phát triển kinh tế, bạo lực trong nước, sức khỏe tinh thần, tham nhũng trong chính phủ. Ôi, tôi vừa thấy một bài báo sáng nay về mua bán mại dâm ở Mỹ, nó làm tôi bực mình quá và tôi ước tôi có thể làm một cái gì đó. Đồng thời nó cũng làm hỏng bữa ăn sáng của tôi.

Hãy tìm một vấn đề bạn quan tâm và bắt đầu giải quyết nó. Dĩ nhiên, bạn không thể giải quyết vấn đề của cả thế giới một mình. Nhưng bạn hoàn toàn có thể đóng góp công sức của mình để tạo nên sự khác biệt. Và cái cảm giác tạo nên một sự khác biệt chính là điều quan trọng nhất cho sự hạnh phúc và thỏa mãn của bạn.

Bây giờ, tôi biết bạn đang nghĩ gì "Gee Mark, tôi đã đọc gần hết cái đống kinh khủng này và cũng cảm thấy rất bực mình, nhưng điều đó không biến thành hành động, hay một sự nghiệp mới." Tôi rất vui vì bạn đã hỏi.

6. Hãy buộc bạn nghĩ như thế này, nếu bạn phải rời nhà cả ngày, mỗi ngày, bạn sẽ đi đâu và bạn sẽ làm gì?

Đối với nhiều người chúng ta, kẻ thù chính là sự tự thỏa mãn với những gì đã có. Chúng ta quen với những thói quen hàng ngày, chúng ta tự làm sao lãng bản thân mình. Cái ghế salon thì rất thoải mái, ăn snack thì thú vị và không có gì mới xảy ra cả.

Đấy chính là vấn đề.

Cái hầu hết mọi người không hiểu là niềm đam mê là kết quả của hành động, chứ không phải là nguyên nhân.

Khám phá ra thứ bạn đam mê trong cuộc sống và điều gì làm bạn quan tâm là một quá trình vật lộn lâu dài, thử đi thử lại. Không ai trong chúng ta có thể biết chính xác mình sẽ cảm nhận thế nào về một cái gì đó cho đến khi ta thực sự bắt tay vào làm nó.

Vì thế hãy hỏi bản thân bạn thế này, nếu ai đó dí súng vào đầu bạn và buộc bạn phải rời khỏi nhà vài giờ mỗi ngày để làm việc gì đó trừ ngủ, bạn sẽ chọn làm gì? Không, bạn không được vào quán café và lướt Facebook. Bạn hiển nhiên đã làm điều đó rồi. Hãy giả vờ như không có website vô tích sự nào truy cập được, không chơi game và không TV. Bạn phải ra khỏi nhà cả ngày cho đến khi đến giờ ngủ- Bạn sẽ đi đâu và làm gì?

Đăng kí một lớp học nhảy? Tham gia câu lạc bộ sách? Học một văn bằng khác? Xây dựng một hệ thống cung cấp nước mới có thể cứu hàng ngàn trẻ em ở vùng quê châu Phi? Hay học nhảy dù lượn?

Bạn sẽ làm gì với tất cả thời gian đó?

Hãy viết ra một số câu trả lời, sau đó thực sự ra ngoài và thực hiện chúng. Điểm thưởng nếu việc đó làm bạn ngại ngùng.

7. Nếu bạn biết bạn sẽ chết sau một năm kể từ hôm nay, bạn sẽ làm gì và bạn muốn mọi người nhớ đến mình như thế nào?

Television
Trên bia mộ người đàn ông này sẽ viết: "Dưới đây yên nghỉ Greg. Anh đã xem tất cả các tập phim truyền hình... hai lần."
Hầu hết chúng ta không muốn nghĩ về cái chết, nó làm chúng ta sợ. Nhưng nghĩ về cái chết của chính mình thực ra có nhiều cái lợi. Một trong số đó là nó buộc chúng ta nghĩ về điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống và cái gì chỉ là ngớ ngẩn và làm phiền ta.

Khi tôi học đại học, tôi thường đi xung quanh và hỏi mọi người "Nếu bạn còn 1 năm để sống, bạn sẽ làm gì ?" Như bạn có thể tưởng tượng, tôi rất được mọi người chú ý tại các buổi tiệc. Nhiều người có những câu trả lời rất mơ hồ và nhàm chán. Một vài người xíu nữa là phì nước uống lên người tôi. Nhưng nó thực sự làm cho mọi người suy nghĩ về cuộc sống của họ theo một cách khác và đánh giá lại những gì là quan trọng đối với họ.

Bạn sẽ để lại gì cho đời? Mọi người sẽ kể những câu chuyện gì về bạn khi bạn ra đi? Cáo phó của bạn sẽ nói về cái gì? Có gì để nói trên đó không? Nếu không, bạn thích nó sẽ nói về điều gì? Làm sao bạn có thể bắt đầu làm việc hướng tới điều đó ngay từ hôm nay?

Nếu bạn tưởng tượng cáo phó của bạn sẽ nói về những điều "bá đạo" đã gây ấn tượng với một vài người ngẫu nhiên nào đó thì bạn đã thất bại.

Khi con người ta cảm thấy mất phương hướng, không có mục đích sống, đó là bởi vì họ không biết cái gì quan trọng với mình và không biết các giá trị của họ là gì.

Khi bạn không biết các giá trị quan trọng của mình, thì về cơ bản bạn đang mượn những giá trị của người khác và sống hộ cuộc sống của họ. Đó là tấm vé một chiều đến những mối quan hệ không lành mạnh và cuối cùng là sự đau khổ.

Tìm ra "mục đích" của cuộc sống chính là tìm ra một hay hai thứ lớn hơn bản thân bạn, lớn hơn những cái xung quanh bạn. Và để tìm được điều đó bạn phải đứng dậy khỏi chiếc ghế salon và hành động, dành thời gian để suy nghĩ vượt qua chính bản thân mình, nghĩ về những cái lớn hơn bản thân bạn, và nghịch lý hơn, hãy tưởng tượng một thế giới không có bạn.

Tham khảo

Sagiv, L., & Schwartz, S. H. (2000). Value priorities and subjective well-being: direct relations and congruity effects.European Journal of Social Psychology, 30(2), 177 - 198.

Wrzesniewski, A., McCauley, C., Rozin, P., & Schwartz, B. (1997). Jobs, careers, and callings: People's relations to their work. Journal of Research in Personality, 31(1), 21 - 33.

Newport, C. (2012). So Good They Can't Ignore You: Why Skills Trump Passion in the Quest for Work You Love. Business Plus.

Nguồn dịch: OhayTV