EU flag protesters
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Frankfurter Allgemeine hồi tháng 9/2016, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz đã thừa nhận rằng, Liên minh châu Âu (EU) đang lâm nguy: "Khi tôi được bầu vào Nghị viện châu Âu 22 năm trước, không bao giời tôi có thể tưởng tượng ra được EU có thể lâm vào tình trạng như hiện nay. EU đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Nếu chúng ta không cẩn thận, nó sẽ vỡ ra từng mảnh".

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Donald Tusk cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đánh giá thành thật và tỉnh táo các vấn đề khó khăn của EU. Tại cuộc họp ở Bratislava (Slovakia), lần đầu tiên không có nước Anh, các nhà lãnh đạo EU đã phải thảo luận về cách lấy lại lòng tin của người dân các nước thành viên vào cơ chế của EU thời hậu Brexit.

Ngày 17/11 Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã thể hiện sự lo lắng : "EU có nguy cơ sụp đổ, vì vập Pháp và Đức phải có trách nhiệm lớn hơn". Trong khi trước đó ngày 14/11, trả lời báo giới cho biết quan điểm về việc EU thành lập quân đội riêng, cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng quân đội EU chỉ là hổ giấy.

BBC ngày 15/11 bình luận rằng chiến thắng của ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng chính trị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, có thể gây phân rã EU. Qua đó cho thấy sự liên kết trong EU đang rất mong manh. Tại sao một liên minh kinh tế hùng mạnh lại rơi vào tình thế nguy hiểm như vậy?

Lãnh đạo EU đang phải trả giá cho tham vọng quá lớn của mình

Ngược dòng lịch sử, ngay sau khi Thế chiến thứ I kết thúc vào năm 1916, Ngoại trưởng Pháp lúc đó là ông Aristide Briand đã đề xuất ý tưởng thành lập một liên hiệp Châu Âu giống như một thể chế liên bang, kiểu như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đây được xem là tầm nhìn vượt thời gian của nhà ngoại giao Pháp và cũng là nền tảng tinh thần cho việc liên kết tại Châu Âu.

Năm 1951, hai chính khách người Pháp là Jean Monnet và Robert Schumann đã xây dựng và thúc đẩy việc ký kết Hiệp ước Paris, cho ra đời Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) - tiền thân của Liên minh Châu Âu (EU) ngày nay. Theo Hiệp ước Paris, sự liên kết của ECSC dựa trên nguyên tắc: "Tiến trình gắn kết châu Âu phải thông qua phát triển các quan hệ kinh tế".

Hiệp ước Rome năm 1958 lập ra Cộng đồng Kinh tế châu Âu và Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu. Hiệp ước hợp nhất năm 1967 cho ra đời Cộng đồng châu Âu (EC) trên cơ sở hợp nhất ba cộng đồng trước đó của các nước Châu Âu, với tôn chỉ hoạt động tập trung vào phát triển kinh tế và nông nghiệp. Và với Hiệp ước Maastricht năm 1991, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ra đời.

Có thể thấy rằng, các kiến trúc sư cho việc thành lập ECSC - tiền thân của EU - đã nhận ra mối liên kết nên tảng cho việc liên hiệp các quốc gia hình thành nên EU chỉ có thể là quyền lợi kinh tế và chỉ yếu tố kinh tế mới đảm bảo sự tồn tại của EU. Qua đó có thể nhận thấy Jean Monnet và Robert Schumann đã tìm ra nguyên tắc nền tảng cho việc liên minh tại Châu Âu.

Tuy nhiên, từ khi Hiệp ước Maastricht năm 1991 được ký kết, cho ra đời EU thì nguyên tắc nền tảng ấy đã bị phá vỡ. Tiêu chí liên kết giữa các thành viên EU đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới, như chính sách đối ngoại và an ninh chung, đồng thời tiến tới chính sách điều phối EU về người tị nạn chính trị, dân nhập cư và chống khủng bố.

Đặc biệt, khái niệm công dân EU đã hình thành và quy định về quyền công dân EU, cho phép người dân các nước trong EU được đi lại tự do giữa các quốc gia thành viên là một bước tiến mạnh mẽ. Song cũng từ đây bắt đầu phôi thai sự phân rã, rạn nứt trong EU, bởi lẽ nguyên tắc đồng thuận trong cơ chế liên minh đã là rào cản đối với việc mở rộng các tiêu chí ấy.

Có thể thấy giới lãnh đạo EU đã mâu thuẫn trong tham vọng của mình, bởi mở rộng tiêu chí liên kết đồng nghĩa với xa dần nguyên tắc nền tảng ban đầu khiến EU sẽ đối diện với ngày càng nhiều phức tạp phát sinh và từ đó xuất hiện ý tưởng phân rã EU khi sự phức tạp không thể hoá giải bằng sự đồng thuận. Và đó được xem là nguyên nhân quan trọng nhất khiến nước Anh rời bỏ EU - Brexit

Theo lãnh đạo EU, hiện nay các nước EU đang chia rẽ sâu sắc về cách thức thúc đẩy nền kinh tế của nước mình lẫn kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), cách thức bảo vệ an ninh châu Âu cũng như cách thức phản ứng với dòng người nhập cư đổ vào châu lục này. Điều đó cho thấy giới lãnh đạo EU đang trả giá cho tham vọng quá lớn của mình.

Nếu không nhìn nhận Brexit là tất yếu và cần thiết, EU sẽ tan vỡ

Có thế thấy rằng, dù người dân nước Anh có sự chia rẽ sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016 với kết quả là Brexit, tuy nhiên mục đích của họ trong việc dựng xây đất nước vẫn là một nước Anh hùng cường và người dân Anh hạnh phúc. Nghĩa là chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc luôn là động lực cho người dân nước Anh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Người dân nước Anh, dù ở chiến tuyến nào cũng đều có thể xem sự thiêng liêng của Tổ quốc là sự hiệu chỉnh tốt nhất cho mục đích sống và mục làm việc của họ. Song khi nước Anh còn trong EU thì điều đó không là duy nhất, bởi lẽ vì nước Anh hùng mạnh hay vì EU giàu mạnh khiến cho người dân Anh bị rối trong việc xác định mục đích hành động của mình.

Điều đó cho thấy nước Anh thời "hậu Brexit" sẽ đoàn kết hơn thời "tiền Brexit". Thà một lần đau để rồi vết thương sẽ lành chứ cứ như cái ung nhọt mãi mưng mủ không tới ngày vỡ mủ thì sự vật vã sẽ luôn khiến cho cơ thể đau đớn rồi sẽ tới lúc kiệt sức và buông xuôi. Cựu Thủ tướng David Cameron đã đưa dao mổ cho người dân nước Anh tự rạch cái ung nhọt cho mình.

Từ đó cho thấy vấn đề quan trọng nhất khiến cho nước Anh phải có một cuộc trung cầu dân ý về việc ra đi hay ở lại EU chính là tổ chức này đã làm cho chủ quyền quốc gian đã bị nhạt nhoà trong cơ chế liên minh. Mà nguyên nhân chính là nguyên tắc nền tảng của EU từ khi ra đời không được nhất quán trong suốt quá trình phát triển của liên minh.

Vậy nhưng lãnh đạo EU lại không thay đổi quan điểm cho phù hợp với thực tế của EU thời hậu Brexit. Phải thấy rằng, khi thay đổi tiêu chí, tiêu chuẩn thì sẽ có vào và cũng sẽ có ra, nhưng lãnh đạo EU luôn nhìn nhận vào EU là tích cực, còn rời EU là tiêu cực. Từ đó lãnh đạo EU luôn lo ngại một hoặc một vài thành viên có ý định rời EU sau sự kiện Brexit là có thể đưa liên minh đến chỗ tan rã.

Nhận thức đó sẽ tạo ra cơ hội giúp cho những lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh và thách thức sự tồn vong của EU. Như vậy, sự nguy hại của EU nằm ngay trong sự lo lắng về tham vọng của lãnh đạo EU, chứ không phải từ một thế lực nào khác. Theo cá nhân người viết thì Brexit như một cái vặn mình của EU mà lâu ngày chỉ có một chiều nên dễ mơ hồ về sự bền chặt. Và Brexit có thể được xem như một khúc xương gãy khi EU vặn mình về phía ngược lại với chiều hướng phát triển bấy lâu nay.

Như vậy, Brexit là cần thiết vì nó cho biết EU mạnh hay yếu, bền chặt hay lỏng lẻo và quan trọng là qua Brexit lãnh đạo EU sẽ tìm ra "điểm chết người" trong cơ chế vận hành bấy lâu nay tưởng chừng như ổn thoả và hoàn thiện, trong đó khái niệm công dân EU chưa hẳn là biểu hiện của sự liên thông bền chặt. Hiệu ứng tiêu cực của Brexir với EU ngày càng chứng minh chính xác điều đó.

Có thể thấy rằng, điều quan trọng nhất với EU thời hậu Brexit không phải là nhanh nhanh đẩy nước Anh ra đi khỏi EU mà phải là việc xây dựng lại cơ chế vận hành cho liên minh. Việc đóng - mở, vào - ra phải được xem là bình thường như nhau và Brexit phải được nhìn nhận là tất yếu và cần thiết với EU. Tuy nhiên, cho đến lúc này dường như lãnh đạo EU chưa thay đổi quan điểm và tham vọng của mình, điều đó khiến cho EU ngày càng mong manh, dễ vỡ.