Vietnam government press conference on halting nuclear power plant project
Trả lời các câu hỏi đặt ra tại cuộc họp báo Chính phủ về quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, người phát ngôn Chính phủ, đại diện Bộ Công thương phân tích, đây là quyết định "hết sức khó khăn" với các cơ quan, nhưng là quyết định đúng đắn trong thời điểm hiện nay.

Chính phủ Nga, Nhật cảm thông với quyết định của Việt Nam

Mở đầu cuộc họp báo, trao đổi về lý do dừng dự án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - người phát ngôn Chính phủ cho biết, công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật dự kiến sử dụng cho các nhà máy điện hạt nhân đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm. Việc dừng dự án, được khẳng định, không phải với lý do công nghệ mà là do điều kiện kinh tế Việt Nam hiện nay.

Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định chủ trương đầu tư dự án, dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng (như Lào, Trung Quốc) dự kiến sẽ tăng trong thời gian tới. Đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua.

Mặt khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước (như sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt tốc độ cao, đường ven biển...) đồng thời dồn sức để ngăn chặn những hiện tượng do biến đổi khí hậu như hạn hán ở ĐBSCL, Tây Nguyên, lũ lụt ở khu vực miền Trung...

"Tôi xin tin rằng quyết định này sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận cả nước cũng như sự thông cảm của các đối tác từ Liên bang Nga, Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng phải nói về việc quyết định này sẽ ảnh hưởng thế nào đến vấn đề an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai" - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Cụ thể về các giải pháp xử lý về đảm bảo cung cấp điện, ông Mai Tiến Dũng trình bày, dự kiến đến năm 2030, nếu hoàn thành, dự án sẽ đóng góp khoảng 3,6% công suất, 5,7% sản lượng điện trong hệ thống điện quốc gia. Như vậy, việc dừng dự án không làm ảnh hưởng nhiều do có thể bổ sung bằng các loại hình nguồn điện khác như nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nguồn diện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng cũng như biện pháp tăng cường mua điện từ các nước láng giềng.

Trong giai đoạn tới, phương án thay thế, đến năm 2030 là thay thế việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường là các nhà máy sử dụng khí LNG với tổng công suất khoảng 6.000MW. Sản lượng điện này được khẳng định sẽ đảm bảo lượng điện dự kiến từ các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2.

Giai đoạn sau 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn điện than và LNG nhập khẩu, xem xét đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, tăng cường mua bán điện để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Nói sâu hơn về vấn đề quan hệ với các đối tác, người phát ngôn Chính phủ quả quyết, dù các đối tác Nga đều bày tỏ sự nuối tiếc khi Việt Nam quyết định dừng dự án sau những bước triển khai có hiệu quả nhưng đều thể hiện sự chia sẻ do điều kiện kinh tế của Việt Nam. Đồng thời Chính phủ Nga, Nhật Bản đều tán thành việc dành nguồn lực cùng đầu tư một số dự án hạ tầng của Việt Nam để thay thế.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phân tích, quan hệ Việt Nam - Nga ở tầm đối tác chiến lược, với Nhật , quan hệ cũng ở mức đối tác toàn diện, sâu rộng và lâu dài. Khi Chính phủ bàn về chủ trương này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp sang Nga, Nhật, gặp phía Chính phủ Nga cũng như Nhật Bản để thông báo trước và phía nước bạn đều thể hiện sự cảm thông với điều kiện diễn biến mới tại Việt Nam.

Ông Dũng cho biết: "Trong bối cảnh cần thu xếp vốn đầu tư nhiều dự án hạ tầng quan trọng như dự án cao tốc Bắc Nam nối dài từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau thì việc đi vay thêm tiền để làm điện hạt nhân cũng sẽ không có tiền trả. Chúng ta phải dồn tiền cho nhưng việc lớn. Mà nếu thiếu điện thì là việc khác nhưng giờ chúng ta vẫn cân đối được điện nên cần dồn lực cho những dự án cấp thiết, mang lại sức lan tỏa lớn. Khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu lý do chính đáng đó thì phía Nga, Nhật Bản cũng rất cảm thông".

Thẳng thắn xác nhận, việc dừng "dứt khoát là có ảnh hưởng tới những thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác" nhưng người phát ngôn Chính phủ cũng thông tin, thực tế Nga, Nhật cũng đang có rất nhiều dự án đang triển khai ở các nước khác, phía bạn hoàn toàn chia sẻ.

"Việc này không ảnh hưởng đến quan hệ sâu rộng giữa Việt Nam với Nga, Nhật Bản" - ông Dũng quả quyết.

Không lãng phí những hạng mục đã đầu tư

Về việc giải quyết hệ quả của việc dừng dự án giữa chừng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng xác nhận những việc đã triển khai, đang dở dang như giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng tại khu vực chuẩn bị xây nhà máy điện, cử nhiều học sinh sang Nga, sang Nhật để đào tạo về vận hành quản lý điện hạt nhân...

Nay, khi Quốc hội quyết định việc dừng dự án, ông Vượng cho biết, hệ thống điện phục vụ cho thi công, Tập đoàn Điện lực sẽ giao cho Tổng Cty Điện lực II, cụ thể là Cty điện lực Ninh Thuận. Tòa nhà của Ban Quản lý dự án thì được bàn giao cho Ban Quản lý dự án điện Bắc Ái.

Còn về số gần 400 học sinh, sinh viên theo học tại Nga, Nhật các chương trình về năng lượng nguyên tử, hạt nhân, ông Vượng cho biết, phần lớn số nhân lực này vẫn được đào tạo tiếp vì đây là nguồn lao động không chỉ cần cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân mà những kỹ sư, những tài năng về vật lý hạt nhân, nguyên tử thì cũng vẫn rất cần cho quá trình phát triển đất nước. Nguồn nhân lực này đào tạo về xong, theo ông Vượng, vẫn có thể tham gia trong việc vận hành các nhà máy nhiệt điện.

Ông Vượng cũng nhấn mạnh thêm, sau việc này thì phía Việt Nam cũng tiếp tục làm việc với các đối tác Nga Nhật Bản để giải quyết vấn đề trên tinh thần hợp tác sâu rộng, thực chất giữa Việt Nam với các nước.

Trả lời câu hỏi về bài học rút ra, Thứ trưởng Công Thương phân trần, công tác dự báo, quy hoạch luôn là một việc khó khi buộc phải đưa ra một chiến lược tầm nhìn dài hạn. Đây không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Ông Vượng phân tích, riêng thị trường năng lượng, 4-5 năm trước thì không ai có thể nghĩ giá dầu giảm mạnh và giảm sâu như hiện nay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Công Thương cũng xác nhận: "Qua việc này cũng phải thấy bài học sâu sắc với đội ngũ những nhà hoạch định chính sách, dự báo để đề ra những chiến lược quan trọng, dài hơi".

"Quan điểm của Chính phủ cũng như quyết định của Quốc hội về việc dừng dự án quả là khó khăn vì kể từ Nghị quyết 41 của Quốc hội (năm 2009) đến nay cũng đã 7 năm, các cơ quan đã triển khai những bước quan trọng để thực hiện dự án. Tuy nhiên, việc dừng được xác định là để ưu tiên cho các dự án cấp thiết, hiệu quả hơn. Tôi tin đây là quyết định đúng đắn của Chính phủ, Quốc hội để sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực vốn dĩ không phải dồi dào hiện nay của Việt Nam" - ông Vượng nói.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc phân tích thêm, kể từ khi nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của thế giới hòa lưới điện tại Nga, hiện tại công nghệ điện hạt nhân đã có rất nhiều thay đổi. Dù Ninh Thuận 1, 2 chưa quyết định chọn công nghệ nhưng nếu thực hiện sẽ là 1 trong 2 loại là ATMEA 1 hoặc AP1000, đều thuộc thế hệ 3+ mới nhất hiện nay.

Nga, Nhật cũng được xác định là 2 cường quốc điện hạt nhân hàng đầu thế giới. Nga đã mang công nghệ của mình đi khắp thế giới xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại hàng loạt nước như Đức, Ucraina, mới nhất là Trung Quốc.

Thứ trưởng KH-CN cho biết thêm, nếu theo đúng kế hoạch thì tổ máy đầu tiên của dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận sẽ đi vào vận hành vào 2018 và khi cả 4 tổ máy đi vào vận hành thì có thêm 4.000MW điện vào năm 2030, chỉ bằng 5,7%, không lớn so với tổng cơ cấu các nguồn năng lượng sử dụng vào năm 2030. Bối cảnh năng lượng hiện tại đã khác nhiều so với thời điểm 2008-2009 khi Quốc hội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Từ nay đến đó, còn 14-15 năm nữa để phát triển thêm các nhà máy điện năng lượng tái tạo, nhiệt điện triển khai thêm với những công nghệ hiện đại hơn (có thể giải quyết vấn đề môi trường, hiệu quả)... để đảm bảo an ninh năng lượng.