Russia and Japan: Necessary Rapprochement
Hơn 60 năm kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 đã trôi qua, nhưng những bất đồng quan điểm giữa Nga và Nhật về tranh chấp lãnh thổ chưa có hồi kết. Các cuộc đàm phán để đạt được giải pháp dung hòa cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ mà Nga gọi là Nam Kuril, Nhật gọi là vùng lãnh thổ phía Bắc để góp phần xây dựng sự ổn định ở Châu Á - Thái Bình Dương gặp rất nhiều trở ngại. Con đường dẫn đến Hiệp ước hòa bình giữa Nga và Nhật dường như mới bắt đầu.

Trở lại với lịch sử, với hai hiệp ước Yalta (02/1945), Potsdam (7/1945) và điều 107 trong Hiến chương Liên Hợp Quốc đã công nhận chủ quyền của Liên Xô với quần đảo Kuril. Trong hiệp ước hòa bình San Francisco năm 1951, Nhật từ bỏ chủ quyền của mình đối với Nam Sakhalin và quần đảo Kuril - Liên Xô không ký hiệp ước này. Mặc dù là một trong các thành viên đã ký hiệp ước Yalta, Potsdam nhưng sau năm 1951 Mỹ đã ủng hộ Chính phủ Nhật Bản bác bỏ quyền sở hữu của Liên Xô đối với bốn hòn đảo phần phía nam của dãy Kuril. Chính quyền Đảng Cộng hòa và bản thân Nguyên Ngoại trưởng Mỹ J.F. Dulles ra sức ủng hộ yêu sách của Nhật Bản. Trong cuộc đàm phán hòa bình năm 1956 giữa Nhật và Liên Xô, ở các vòng cuối cùng của cuộc đàm phán, phía Nhật thừa nhận những yếu thế về chủ quyền của mình tại Etorofu và Kunashiri và đồng ý theo đề nghị của phía Liên Xô là Liên Xô trả lại Shitokan và Habomai để đạt được Hiệp ước Hòa bình. Tuy nhiên, người Mỹ đã can thiệp vào và ngăn chặn thỏa thuận. J.F. Dulles tuyên bố rằng, nếu Nhật nhân nhượng thỏa hiệp với Liên Xô về các đảo Kuril thì Mỹ sẽ coi mình là bên có quyền chiếm đóng quần đảo Riukiu (Okinawa) của Nhật lâu dài, không hạn chế, mà sự hiện diện quân sự có thời hạn của Mỹ trên hòn đảo đó đã được ghi nhận trong Hiệp ước hòa bình San Francisco. Tokyo mong muốn cải thiện quan hệ với Moskva nhưng lại sợ trả giá bằng việc gây tổn hại quan hệ với Washington và có nguy cơ mất đi cơ hội lấy lại Okinawa, cuối cùng Tokyo đã chọn ngả về phía Washington.

Đầu những năm 1960, Liên Xô vẫn hy vọng rằng, Nhật Bản sẽ dần từ bỏ định hướng liên minh quân sự, chính trị với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Xô Viết cho rằng, nhờ những quan điểm chống Mỹ và dân tộc chủ nghĩa của một bộ phận tinh hoa chính trị Nhật Bản, Tokyo sẽ quay sang lập trường trung lập sau khi hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ ký kết năm 1951 có thời hạn 10 năm hết hiệu lực. Tuy nhiên, 19/01/1960, Chính phủ Nhật đã ký với Mỹ hiệp định an ninh mới và kéo dài liên minh Nhật - Mỹ thêm hai thập niên nữa. Trong tình hình đó, theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Xô Viết, sự nhượng bộ mà Liên Xô đã hứa với Nhật năm 1956 về việc trao trả cho Nhật hai quần đảo phía Nam Kuril sau khi ký kết hiệp ước hòa bình Xô - Nhật trở nên vô nghĩa. Chính phủ Liên Xô đã gửi thông báo cho Chính phủ Nhật rằng, họ từ bỏ lời hứa chuyển giao cho Nhật các quần đảo Habomai và Shitokan. Kể từ đó, tình trạng giữa hai bên đã không thay đổi đáng kể, Hiệp ước hòa bình giữa Nhật và Liên Xô (Nga) vẫn chưa được ký kết.

Tranh chấp lãnh thổ là vấn đề tương đối phổ biến trong quan hệ giữa các nước. Tuy nhiên, ít có mối quan hệ nào mà sự khai thông và phát triển của nó lại phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề tranh chấp một vùng lãnh thổ biển như giữa Nhật và Nga. Sẽ là vô nghĩa nếu tiếp tục đối đầu với Nga. Một nước Nga thù địch, quan hệ bất ổn sẽ tước mất đi những lợi ích chính đáng, lợi ích dân tộc mà đáng ra sẽ thuộc về nước Nhật. Trong các vấn đề đàm phán về vùng lãnh thổ tranh chấp với Nga (hoặc cả Trung Quốc), Nhật Bản luôn bị phụ thuộc vào Mỹ và chưa bao giờ độc lập trước Mỹ, nhưng thời điểm này là bước ngoặc quan trọng đối với Nhật vì sự thay đổi chính trường Mỹ. Nếu chính quyền của Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump không thay đổi kế hoạch rút Mỹ ra khỏi hiệp định TPP thì Nhật Bản sẽ có không gian nhất định để cơ động.

Nếu Hiệp ước hòa bình được ký kết, Nhật có lợi ích an ninh trực tiếp đối với nước Nga láng giềng, hữu nghị, ổn định và phát triển. Nước Nga với những nguồn tài nguyên thiên nhiên bất tận và một thị trường lớn sẽ tạo ra những cơ hội không thể bỏ qua cho kinh tế Nhật Bản. Dầu lửa, khí đốt thiên nhiên của vùng Viễn Đông có ý nghĩa chiến lược đối với nước Nhật nghèo tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt khi tính đến sự cần thiết đa dạng hóa nguồn cung cấp nhiên liệu của Nhật. Ngoài ra, Nhật cũng rất cần sự ủng hộ của Nga đối với nỗ lực trở thành thành viên thường trực HĐBA LHQ, và cải thiện quan hệ với Nga nằm trong điều chỉnh chính sách chung của Nhật theo hướng cân bằng quan hệ với các nước lớn thay vì dựa hẳn vào Mỹ như trước đây, qua đó tăng cường vai trò chính trị của mình trên thế giới.

Đối với Nga, Hiệp ước hòa bình được ký kết cũng phù hợp với lợi ích của mình. Mục tiêu của ngoại giao Nga là góp phần tạo dựng một trật tự thế giới đa cực, điều này bảo vệ vị trí nước lớn của Nga và hạn chế vai trò áp đảo của Mỹ, ngăn ngừa sự lũng đoạn các công việc quốc tế. Đối với cả Nhật và Nga, nhóm đảo này không có tầm quan trọng sống còn cả về mặt chiến lược lẫn lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, một giải pháp cho Hiệp ước hòa bình đứng trước những trở ngại nội bộ và bên ngoài không dễ vượt qua.

06/5/2016, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có chuyến thăm không chính thức đến Nga. Các phát ngôn dao động, mâu thuẫn của Thủ tướng Shinzo Abe trước, trong và sau chuyến thăm Nga về vấn đề Kuril đã phản ánh phần nào sự thay đổi quan điểm chính trị ở Washington. Trong thời gian gần đây, trên lãnh thổ của Nhật, chính quyền Barack Obama đã tăng cường lực lượng quân sự và cả những hệ thống vũ khí tấn công mới, rõ ràng tất cả những điều này đều nhắm vào nước Nga. Bộ quốc phòng Nga đã đưa các hệ thống tên lửa phòng thủ bờ "Bal" và "Bastion" đến bố trí ở hai hòn đảo Iturub và Kunashir để ngăn chặn những hậu quả rất nghiêm trọng có thể xảy ra đối với nước Nga. Càng tự cột chặt số phận dân tộc mình vào Mỹ, Nhật càng chịu nhiều rủi ro hơn trong quan hệ hòa bình hữu nghị với các nước láng giềng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản trong chuyến công du giữa tháng 12/2016, vì lợi ích chính đáng của nhau, vì hòa bình hữu nghị của khu vực và thế giới; các hiệp định có được ký kết hay không phụ thuộc vào phía Nhật Bản.

Chiến tranh thế giới, "chiến tranh lạnh" đã kết thúc nhưng chiến tranh vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức như chiến tranh kinh tế, tiền tệ; chiến tranh xâm lăng văn hóa - lịch sử, chiến tranh thông tin,... ngày càng mở rộng. Các đối tác chính trị phương Tây luôn tìm kiếm, tạo dựng kẻ thù bên ngoài hoặc gây bất ổn, trở ngại quan hệ song phương giữa các nước để duy trì trật tự chính trong nước họ. Các đối tác này sẵn sàng dẫm đạp lên những giá trị pháp lý hợp hiến mà chính họ đã tham gia ký kết. Về quan hệ Nga - Nhật, bộ máy truyền thông của Mỹ và Phương Tây luôn ra rả "Kuril của Nhật bị Nga chiếm đóng", dù nó đã được HĐBA LHQ chuẩn y. Đây cũng là một trong những bài học cho những đảng cầm quyền ảo tưởng vào sự bảo kê của Mỹ mà bỏ qua cơ hội hợp tác hữu nghị với các nước khác, rước hiểm họa vào cho chính đất nước mình.

"Không có gì quý hơn độc lập, tự do".