Trump und Putin
© Reuters/ Stevo Vasiljevic
Donald Trump cởi mở quan điểm với Nga


Trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal ngày 13/1, ông Trump tuyên bố ông có thể sẽ duy trì trong một năm một số biện biện pháp trừng phạt Nga của chính quyền Barack Obama nhưng sau đó sẽ dỡ bỏ chúng.

Ông Trump tuyên bố: "Nếu Nga thực sự giúp chúng ta thì tại sao lại trừng phạt nếu người ta đang làm những điều thật sự tuyệt vời?".

Ông cũng hé mở rằng, sẽ không cần đến các biện pháp trừng phạt do chính quyền Obama áp đặt hồi cuối tháng 12 vừa qua nhằm đáp trả các cuộc tấn công mạng được cho là do Moskva tiến hành, nếu phía Nga chứng tỏ họ sẽ giúp ích trong cuộc chiến chống khủng bố và hướng tới các mục tiêu quan trọng đối với Washington.

Wall Street Journal tiết lộ, ông Trump sẵn sàng gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thời điểm thích hợp sau khi nhậm chức.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh chính trường Mỹ vẫn đang tranh cãi xung quanh thông tin Nga có liên quan tới các cuộc tấn công mạng nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ vừa qua.

Ông Trump liên tục bày tỏ hoài nghi đối với các báo cáo của giới chức tình báo Mỹ về vấn đề này. Vị Tổng thống đắc cử cũng nhiều lần yêu cầu cơ quan tình báo trưng ra các bằng chứng cho thấy Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Trump bày tỏ sự tin tưởng vào những hiểu biết của mình trước đây và sự phi lý của chính quyền Tổng thống Barack Obama khi sớm kết luận và thực hiện các cấm vận với Nga.

Vị Tổng thống đắc cử Mỹ đã chịu không ít áp lực sau những cố gắng trong việc cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, gây dựng mối quan hệ nồng ấm với Tổng thống Putin.

Hạ nghị sĩ Mỹ thuộc Đảng Dân chủ, ông Adam Schiff từng cảnh báo, nếu ông Donald Trump quyết định dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà chính quyền Tổng thống Barack Obama áp đặt đối với Nga thì ông sẽ phải đối mặt với sự phản đối của Quốc hội Mỹ.

Theo Adam Schiff, nếu Tổng thống đắc cử Trump sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp đó, không chỉ đảng Dân chủ mà cả đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain, sẽ yêu cầu tăng cường các cơ chế trừng phạt.

Món quà từ Moscow

Giới phân tích nhận định, việc ông Trump tuyên bố có thể sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt Nga của chính quyền Barack Obama được coi là hành động ''hạ nhiệt'' trước sức ép từ chính quyền đương nhiệm cũng như chờ đợi quá trình chuyển giao quyền lực được hoàn tất.

Trên thực tế, những gì ông Trump thể hiện trong suốt quá trình tham gia vào chính trường đều chứng tỏ rằng ông vẫn kiên định với tư tưởng cởi mở với Nga của mình. Điều này không chỉ giúp ông có thể tránh được những cuộc đối đầu không đáng có với một đối thủ đáng gờm mà còn đem lại nhiều lợi ích cho bản thân ông và nước Mỹ. Điều gì có lợi thì người Mỹ làm!

Trái ngọt đầu tiên mà ông Trump nhận được chính là việc Nga sẽ mời chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đến tham dự các cuộc hòa đàm Syria tại Kazakhstan (nguồn tin từ AFP).

Tờ Washington Post cũng đưa tin, Đại sứ Nga tại Washington, Sergey Kislyak, đã gửi lời mời tham dự cuộc hòa đàm trên trong cuộc điện đàm ngày 28/12/2016 với ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia được ông Trump chỉ định.

Về việc này, phía Thổ Nhĩ Kỳ - nước đồng tổ chức hòa đàm với Nga xác nhận rằng, Washington sẽ được mời tham dự các cuộc hòa đàm, dự kiến diễn ra vào ngày 23/1.

Tại sao không phải là chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Barack Obama mà lại là ông Donald Trump? Người Nga rất sòng phẳng, những gì ông Trump thể hiện đã được Moscow ghi nhận, và đó được coi là món quà mừng quý giá mà Tổng thống Putin gửi tặng vị tỷ phú.

Và thực sự, nếu Tổng thống đắc cử Mỹ có được thành tựu ngay sau khi nhậm chức tại điểm nóng Syria - điều mà ông Obama không làm được, thì uy tín của ông Donald Trump sẽ được nâng lên rất nhiều, tạo tiền đề vững chắc trong những năm tháng cầm quyền tại Nhà Trắng.

Khi ấy, sẽ chẳng còn lý do gì có thể ngăn cản vị Tổng thống đắc cử Mỹ thắt chặt mối quan hệ với Nga, và việc tháo dỡ lệnh trừng phạt mà chính quyền Barack Obama áp đặt lên Nga chỉ còn là vấn đề thời gian.