Antartic ice core
Các nhà khoa học ở Nhật Bản phát hiện một lõi băng 720.000 năm tuổi có thể dự báo những thay đổi chi tiết của tình hình khí hậu trên Trái Đất trong hàng trăm nghìn năm tới.

Các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu vùng cực của Nhật Bản nhận định lõi băng "siêu già" có thể dự báo tiên đoán về những thay đổi chi tiết về nhiệt độ của Trái Đất, lượng mưa và gió, sự xuất hiện của bụi trong thời kỳ khô và nhiều gió qua thời gian hàng trăm nghìn năm, theo The Verge. Nó được nhóm nghiên cứu thu thập bằng cách khoan sâu xuống hàng kilomet bên dưới lớp băng ở một đỉnh núi Nam Cực năm 2005.

Lõi băng 720.000 tuổi dài 3,2 km và gồm nhiều lớp, giống hệt như các vòng vân gỗ xung quanh gốc cây. Dựa vào những đặc điểm này, các nhà khoa học phân tích lõi băng và nghiên cứu về điều kiện môi trường, nhiệt độ và các yếu tố thời tiết diễn ra khi từng lớp băng hình thành.

Theo nhóm nghiên cứu, lõi băng chứa đầy đủ thông tin về biến đổi khí hậu của Trái Đất trong lịch sử. Điều này có thể giúp các chuyên gia đưa ra nhiều dự đoán chính xác về tình hình biến đổi khí hậu trong tương lai.

Kết quả nghiên cứu công bố hôm 8/2 trên tạp chí Science Advances cho thấy có mối liên kết giữa khí hậu ở Nam Cực và Bắc Cực. Dữ liệu chỉ ra khi khi khí hậu ở Bắc Cực mát mẻ thì Nam Cực sẽ nóng. Nhóm nghiên cứu cho rằng mối quan hệ nghịch đảo giữa hai cực là do một dòng hải lưu có nhiệm vụ giữ cho châu Âu và Bắc Mỹ luôn ấm áp trong mùa đông.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng, nhóm nghiên cứu còn phát hiện giai đoạn ấm lên ở Nam Cực tương ứng với những biến động khí hậu được tìm thấy trong lõi băng tách ra ở Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới ở Đan Mạch.

Những biến động bắt đầu với một giai đoạn ngắn khi nhiệt độ ấm lên và kế tiếp là giai đoạn dài với nhiệt độ lạnh giá. Dựa trên những mô hình thời tiết, nhóm nghiên cứu kết luận nguồn nước ngọt tan chảy từ băng trên đảo Greenland có thể làm chậm dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương (AMOC).

Nó còn làm tăng lượng mưa, giảm sức gió ở Nam bán cầu, dẫn tới thay đổi là Nam bán cầu ấm lên và Bắc bán cầu đóng băng. AMOC là một phần vô cùng quan trọng đối với mô hình khí hậu Trái Đất, giúp vận chuyển, lưu thông nước ấm từ phía nam đến bắc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu sẽ làm băng tan ở Bắc cực và đảo Greenland, dẫn tới việc lượng nước ngọt tràn vào đại dương. Điều này kéo theo hệ quả là sự cân bằng giữa nước ngọt - nước biển của AMOC bị phá vỡ, khiến khu vực Bắc bán cầu về thời kỳ băng giá.

Theo Ayako Abe-Ouchi, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Tokyo kiêm thành viên nhóm nghiên cứu, vấn đề là chúng ta không biết chính xác về những tác động mà dòng đối lưu AMOC có thể gây ra trong thế kỷ tới.

"Chúng ta càng hiểu rõ những gì xảy ra đối với khí hậu trong quá khứ thì càng có tiền đề vững chắc để hoạch định và dự báo chính xác", Tom Delworth, một nhà địa vật lý tại Đại học Princeton, Mỹ, nói.

Theo dự báo của Pepijin Bakker, nhà khoa học Trái Đất tại Đại học Bremen, Đức, nếu Trái Đất tiếp tục ấm lên từ 4-5 độ C trong tương lai, khả năng dòng đối lưu AMOC bị phá vỡ có thể trở thành sự thực vào năm 2030.