Vietnam Facecar startup
FaceCar startup
Thông tin ứng dụng gọi xe Facecar vừa được một tập đoàn đầu tư Đức công bố khoản đầu tư 1 tỉ USD đang gây xôn xao tron giới startup trong và ngoài nước.

Ứng dụng gọi xe này, do một nhóm lập trình viên Việt Nam phát triển, trở thành một trong những ứng dụng được tìm kiếm và tải xuống nhiều nhất trong thời gian gần đây trên các kho ứng dụng.

Nhà sáng lập Facecar Trần Thanh Nam hiện tại đang là cái tên được gây tò mò trong giới doanh nhân khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ. Là người đến sau trong cuộc chơi "ứng dụng gọi xe" đang bị chiếm lĩnh bởi các đối thủ nước ngoài như Uber hay Grab, Thanh Nam và nhóm nhà đồng sáng lập có thể xếp vào nhóm "những người khởi nghiệp ngang tàng" trên thế giới. Thời điểm nhóm này quyết tâm theo đuổi ý tưởng Facecar là lúc Uber đã kêu gọi vốn được 16 tỉ USD từ các nhà đầu tư quốc tế.

"Gia tài xuất phát điểm khởi nghiệp của Facecar cũng giống phần đông 1.500 startup Việt Nam là ý tưởng độc đáo và lòng đam mê", Thanh Nam cho biết. Tuy nhiên, giới công nghệ đánh giá khá cao ứng dụng Facecar với nhiều tính năng mới lạ. Khoảng 90% những tính năng của FaceCar hoàn toàn khác biệt và không có ở trên các sản phẩm cùng loại có trên thị trường như: gọi được xe bất kỳ và tài xế bất kỳ mình thích, tính năng "Nhờ chở hàng", theo dõi lộ trình xe bus, tính năng "đi chung", hệ thống mở cho phép các công ty vận tải hoặc các hãng tác xi tự quản lý xe...

FaceCar app
Ứng dụng FaceCar
Tuy nhiên, những người dùng Facecar cho biết, điểm quan trọng nhất trong lợi thế cạch tranh của Facecar là cho phép người dùng trả giá ở mọi thời điểm. Cải tiến nhìn sơ qua tưởng đơn giản nhưng thực chất đã tạo sự thay đổi căn bản trong chiến lược kinh doanh vì đảo lộn vị thế người dùng và người cung cấp dịch vụ. Trong khi các đối thủ khác của Facecar áp dụng "luật chơi" tăng giá thành dịch vụ từ 2-3 lần, tức bản chất quyền quyết định giá vẫn nằm trong tay nhà cung cấp dịch vụ. Còn "chiến binh mới Facecar" đưa quyền quyết định giá dịch vụ về tay người tiêu dùng thông qua tính năng "thương lượng giá trực tiếp".

Điều này đồng nghĩa đưa mô hình kinh doanh này tiến về đúng bản chất "quy luật cung- cầu". Tại một thị trường dịch vụ lành mạnh, khi nhu cầu sử dụng xe tại giờ cao điểm tăng lên thì quyền kiểm soát nằm trong tay người dùng chứ không phải nhà cung cấp. Như vậy, chỉ xét trên góc nhìn này có thể thấy nhà sáng lập Facecar thuộc nhóm nhà khởi nghiệp nhiều tiềm năng với những ý tưởng đột phá. Rõ ràng, ngoài người dùng là người được hưởng lợi trực tiếp thì các tài xế cũng đang được lợi ích lớn. Bởi lẽ, các bác tài giữa được 100% tiền doanh thu vì Facecar đang hoàn toàn miễn phí.

Ông Thanh Nam tự tin cho rằng: "Facecar theo sẽ đuổi chính sách giá thành cạnh tranh nhất thị trường trước khi có những bước mở rộng thị trường thần tốc". Thực tế, khảo sát cho thấy Facecar có mức giá rẻ hơn các đối thủ từ 7-10%. Tuy nhiên, cuộc đối đầu giữa một ứng dụng của Việt Nam và các đối thủ khổng lồ không đơn giản. Mặc dù vậy, kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, điều này không phải là "nhiệm vụ bất khả thi" nếu Facecar nhận được khoản đầu tư lớn, cùng các nhà đầu tư có kinh nghiệm. Tại hai thị trường lớn là Trung Quốc và Indonesia, Uber cũng bị đánh bật khi người dùng nội địa yêu thích sử dụng ứng dụng trong nước. Trong bối cảnh Uber đã chính thức bị Bộ Giao thông Vận tải liệt vào danh sách kinh doanh trái phép thì ứng dụng gọi xe do người Việt phát triển này có thể "tạo nên nhiều bất ngờ".

Một số nhà đầu tư nhận định, không ngoại trừ khả năng đây chính là lý do quan trọng Facecar nhận được khoản vốn rất lớn, dù mới chỉ công bố bước đầu, từ nhà đầu tư nước ngoài. Được biết, theo cam kết của nhà đầu tư, khoản đầu tư lớn cho Facecar không chỉ giúp ứng dụng Việt này chiếm lĩnh thị trường trong nước, mà còn có tham vọng chinh phục thị trường nước ngoài.