South Ossetia
© www.britannica.comBản đồ Nam Ossetia và các vùng xung quanh
Nga sáp nhập lực lượng Nam Ossetia vào quân đội


Ngày 14/3, Tổng thống Nga Putin đã ra chỉ thị sáp nhập lực lượng Nam Ossetia vào quân đội Nga. Chỉ đạo này của ông Putin được đăng tải trên trang web thông tin pháp lý chính thức của chính phủ Nga.

"Tổng thống Putin chấp thuận đề xuất của Chính phủ Nga về việc ký Hiệp định giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Nam Ossetia về trình tự sáp nhập một số đơn vị thuộc Lực lượng vũ trang Cộng hòa Nam Osetia vào thành phần Lực lượng vũ trang Liên Bang Nga", chỉ thị nêu rõ.

Cùng với đó, Tổng thống Putin cũng đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga tiến hành đàm phán với phía Nam Ossetia để tiến tới ký kết Hiệp định nói trên.

Hiệp định trên là văn kiện bổ sung trong khuôn khổ Hiệp ước về quan hệ đồng minh và hội nhập, được Tổng thống Putin và người đứng đầu Nam Ossetia từng ký kết hồi tháng 3/2015.

Tổng thống Putin và người đồng cấp Nam Ossetia Leonid Tibilov đã ký kết thỏa thuận hợp tác và liên minh giữa hai nước sau khi thảo luận về mối quan hệ song phương và hợp tác trong lĩnh vực an ninh và ổn định tại khu vực Caucasus.

Theo thỏa thuận được ký kết, Moskva sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho nước cộng hòa này, nơi mà quân đội Nga từng đưa quân vào giải phóng trong cuộc chiến ngắn ngày với Gruzia năm 2008.

Kế hoạch đặt ra là sẽ thành lập một khu vực phòng thủ và an ninh thống nhất, tự do đi lại giữa hai nước, hợp nhất các cơ quan hải quan, mở rộng hợp tác giữa bộ nội vụ của hai nước, và một số vấn đề xã hội khác.

Con bài mặc cả của Nga?

Nam Ossetia và khu vực ly khai nằm bên bờ Biển Đen Abkhazia, đã từng là nguyên nhân gây ra "Cuộc chiến tranh 5 ngày" giữa Nga với Gruzia vào năm 2008, mở đầu bằng việc Tbilisi xua quân đánh vào thủ phủ Tkhinvali của Nam Ossetia vào ngày 7/8/2008.

Việc Tổng thống Putin quyết định sáp nhập lực lượng Nam Ossetia vào quân đội Nga trong thời điểm này được coi là một tin vui đối với chính quyền của Tổng thống Leonid Tibilov. Bởi lẽ từ lâu Nam Ossetia đã bày tỏ hy vọng có thể gia nhập và trở thành một phần của Nga.

"Nam Ossetia hy vọng rằng ý tưởng gia nhập Nga sẽ sớm được thực hiện", ông Leonid Tibiliov khẳng định với giới truyền thông sau khi ký kết Hiệp ước Liên minh với Nga hồi tháng 3/2015.

Tuy nhiên động thái trên của điện Kremlin được dự báo sẽ đẩy mối quan hệ giữa Moskva và phương Tây tiếp tục rơi vào bế tắc.

Hồi tháng 3/2015, trong một tuyên bố phát đi, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng cáo buộc Hiệp ước liên minh mới giữa Nga và Nam Ossetia, khu vực ly khai của Gruzia, vi phạm luật pháp quốc tế và cản trở các nỗ lực tăng cường an ninh trong khu vực.

"Hiệp ước này vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia, rõ ràng trái với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và những cam kết quốc tế của Nga", ông Stoltenberg khẳng định.

Ngoài ra, ông Stoltenberg còn nhấn mạnh, thỏa thuận giữa Moskva và Nam Ossetia là một động thái nữa của Liên bang Nga cản trở những nỗ lực hiện nay của quốc tế nhằm tăng cường an ninh và ổn định trong khu vực.

"NATO không công nhận Hiệp ước này", ông Stoltenberg tuyên bố.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng khẳng định không công nhận tính hợp pháp của hiệp ước liên minh Nga-Nam Ossetia.

"Các khu vực bị chiếm đóng Nam Ossetia và Abkhazia là một phần của Gruzia và chúng tôi tiếp tục ủng hộ nền độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia", đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ nêu quan điểm.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang có những biến động phức tạp, nhất là cuộc chiến tại Syria hay khủng hoảng tại khu vực miền Đông Ukraine, việc ông Putin đồng ý sát nhập lực lượng Nam Ossetia vào quân đội Nga được coi là một cú sốc với phương Tây.

Đây dường như là lời cảnh cáo chính thức của Nga với Mỹ và NATO xung quanh các vấn đề quốc tế. Nếu phương Tây còn gây rối xung quanh Nga như vụ Nagorno-Karabakh, Moskva có thể sẽ sáp nhập các vùng này vào lãnh thổ của mình.

Khi đó, phương Tây sẽ không còn khả năng can thiệp được vào các vấn đề nội bộ của các nước ly khai, nhằm gây rối loạn cho Nga, đồng thời hàng loạt chính quyền thân phương Tây hiện nay như Ukraine, Gruzia, Moldova... cũng sẽ lâm vào tình trạng hỗn loạn.

Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của chuyên gia Mark Galeotti từng đưa ra vào thời điểm năm 2015.

"Việc để ngỏ khả năng sáp nhập các vùng đất ly khai là một toan tính không đơn giản của Nga. Đó là con bài để mặc cả với phương Tây trong trường hợp Moskva bị o ép", ông Mark Galeotti khẳng định.