Crimea reunification Russia
© Sputnik / Vladimir AstapkovichNgười dân Crimea kỷ niệm 3 năm ngày trở về với đất mẹ
Kỷ niệm 3 năm ngày bán đảo Crimea trưng cầu dân ý với số đông áp đảo xin thỉnh nguyện được sáp nhập vào Nga - ngày 16/3/2017, bán đảo này đã tổ chức các chương trình lễ hội ăn mừng lớn. Nhưng người Mỹ và Ukraine vẫn chưa nguôi nỗi đau chia cắt quyền lực này.

Ngày 17/3, Mỹ đã tiếp tục lên án việc Nga sáp nhập Crimea, cam kết sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt liên quan cho đến khi Nga trả lại bán đảo chiến lược trên Biển Đen này cho Ukraine.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói Mỹ không công nhận cuộc trưng cầu dân ý của Nga ngày 16/3/2014 cũng như việc Nga sáp nhập Crimea.

"Một lần nữa, chúng tôi tái khẳng định cam kết của mình đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" - ông Toner nhấn mạnh.

Ngoài ra, Mỹ cũng kêu gọi Nga ngừng các nỗ lực đàn áp tự do ngôn luận, hội họp hòa bình, đoàn thể, tôn giáo của người Tatar ở Crimea, người thiểu số Ukraine, các nhà hoạt động và nhà báo ủng hộ Ukraine.

Trong khi đó, Nghị viện châu Âu ngày 16/3 đã kêu gọi Nga và lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine trả tự do cho các tù nhân chính trị Ukraine. Điều này được thông qua trong Nghị quyết về "tù nhân người Ukraine ở Nga và tình hình ở Crimea".

"Nghị viện châu Âu kêu gọi Nga ngay lập tức thả các công dân Ukraine bị giam giữ bất hợp pháp ở Nga cũng như các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine và đảm bảo các tình trạng sức khỏe và tinh thần của họ" - Nghị quyết trên có đoạn.

Châu Âu cũng đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm đặc biệt của Nga trong chấm dứt các hoạt động quân sự trong Donbass, như thả và trao đổi con tin.

"Nghị viện châu Âu kêu gọi việc giới thiệu các biện pháp hạn chế hơn nữa, bao gồm cả việc phong tỏa tài sản trong các ngân hàng EU, đối với người chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền trắng trợn" - Ukrinform dẫn thông tin.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang có kế hoạch đến thăm Tổng thống Putin vào tháng 5 cũng cho biết các biện pháp trừng phạt đối với Nga vẫn sẽ được giữ nguyên cho đến khi lập trường của Nga về Ukraine thay đổi.

Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cũng tiếp tục lên án mạnh mẽ "đàn áp nghiêm trọng các quyền con người" bằng việc Tổng thống Nga ra lệnh chiếm đóng bán đảo Crimea.

Đúng ngày bán đảo Crimea kỷ niệm 3 năm ngày sáp nhập vào Nga, bà Freeland đã tuyên bố rằng Canada không dè dặt trong việc lên án cái gọi là "vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine" đồng thời kêu gọi các nước phương Tây duy trì trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Nga sẽ không khi nào nhân nhượng lãnh thổ

Đáp trả phía Mỹ về các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến bán đảo Crimea, ngày 16/3, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov khẳng định Moscow sẽ không ký giao ước với phía Mỹ. Ông Peskov nhấn mạnh rằng việc mặc cả với Mỹ về Crimea là điều không thể, cũng như sẽ không có chuyện Crimea tiến hành thêm một lần trưng cầu ý dân nữa.

Phản ứng lại chỉ trích thẳng thắn của Ngoại trưởng Canada, một phụ nữ gốc Ukraine, hiện đã bị cấm nhập cảnh vào Nga, phát ngôn viên Đại sứ quán Nga Kirill Kalinin tuyên bố với The Globe and Mail rằng: "Người dân Ukraine đã bày tỏ ý muốn của họ một cách rõ ràng và hợp pháp tại cuộc trưng cầu dân ý sau khi phương Tây hậu thuẫn cuộc đảo chính ở Kiev và kích hoạt nội chiến ở Ukraine. Bán đảo Crimea thực hiện quyền bất bất khả xâm phạm của họ bằng tự quyết theo Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố các thành viên của Nghị viện Châu Âu và các nhà lập pháp của các nước EU sẽ gặp mặt các nhà chức trách Crimea, các nhân vật cộng đồng và tôn giáo vào ngày 19-21/3.

Theo đó, các nghị sĩ châu Âu sẽ tham gia vào hội nghị quốc tế "Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga" do "Chỉ một nước Nga" (A Just Russia) tổ chức.

Theo ông Chepa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hạ viện, phái đoàn các nghị sĩ châu Âu sẽ bao gồm 4 nhà lập pháp của Nghị viện châu Âu và các thành viên của nghị viện quốc gia các nước thuộc EU cũng là đại diện của các đảng cánh tả trên toàn thế giới.

Chuyến thăm kéo dài ba ngày này dự kiến ​​một chương trình đầy tham vọng và nhiều cuộc họp với các nhà hoạt động của Hiệp hội Hợp tác Quốc tế Biển Đen và đại diện của công chúng tại một trong các trường đại học cùng các quan chức đại diện lãnh đạo bán đảo Crimea.

Còn Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga Natalia Poklonskaya, cựu Bộ trưởng Tư pháp của Crimea, quyền trưởng Công tố viên Crimea hôm 16/3 tuyên bố chắc chắn, nếu tổ chức cuộc trưng cầu lúc này thì 100% cư dân Crimea sẽ bỏ phiếu ủng hộ trở về Nga.

"Tôi tin chắc rằng, hôm nay, 100% người Crimea hôm nay sẽ bỏ phiếu thuận ủng hộ trở về nước Nga. Tất cả mọi người đều thấy được sự chăm sóc chưa từng có từ phía Nhà nước. Tất cả đều cảm thấy được rằng mình được trở về với quê hương"- cô Poklonskaya nói.

Nghị sĩ Nga cũng lưu ý, các lệnh trừng phạt kinh tế không làm người Crimea chùn bước.

"Biện pháp trừng phạt thôi thúc quan chức làm việc tích cực hơn, không ngừng tay trước mục tiêu chính- một Crimea thịnh vượng và có sức cạnh tranh"- cô Poklonskaya tự hào.

Theo nữ nghị sĩ, lập trường của Kiev về việc công nhận chủ quyền Nga ở Crimea đáng tiếc là không phụ thuộc vào thời gian mà phụ thuộc trí thức và lương tâm của họ.