Putin's ear
© www.cbc.ca
Nga bị tố can thiệp bầu cử Bulgaria


Mới đây, tờ Wall Street Journal dẫn lời một đại diện Chính phủ Bulgaria đã lên tiếng tố cáo Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống của quốc gia này vào năm ngoái. Theo nguồn tin, Nga đã bí mật chuẩn bị một tài liệu dài 30 trang và chuyển giao cho đảng Xã hội chủ nghĩa của Bulgaria (BSP).

Nội dung của tài liệu trên khuyến khích lãnh đạo đảng BSP tổ chức các cuộc thăm dò hàng ngày, thổi phồng sự ủng hộ Đảng BSP trong nhân dân đồng thời tiến hành đăng tải các nội dung tích cực về các ứng cử viên của đảng này trên phương tiện truyền thông thân Nga.

Ông Leonid Reshetnikov, cựu quan chức của Cục tình báo nước ngoài của Nga và hiện nay là giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược Nga được xác định đã bàn giao các tài liệu cho lãnh đạo đảng BSP.

"Tài liệu được Ủy ban An ninh quốc gia Bulgaria xử lý rồi sau đó chuyển cho một số thành viên chính phủ", nguồn tin cho hay.

Trao đổi với báo chí, ông Reshetnikov thừa nhận đã có gặp gỡ với lãnh đạo đảng BSP Kornelia Ninova vào tháng Tám năm ngoái. Tuy nhiên ông này phủ nhận việc chuyển giao các tài liệu cho đại diện đảng BSP .

"Ai đó đã dựng lên chuyện này. Kẻ đó đang tìm cách phá hủy và làm mối quan hệ giữa Bulgaria và Nga nguội lạnh", ông Reshetnikov nhấn mạnh.

Trong khi đó, đưa ra tuyên bố vào hôm 22/3, ông Radi Naydenov, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Bulgaria khẳng định, cơ quan này không có thông tin nào về việc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Bulgaria, kể cả trong quá trình bầu cử.

Trước đó, cựu Tổng thống Bulgaria Rosen Plevneliev cũng nhấn mạnh, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Moskva đang tài trợ cho các đảng phái và các phương tiện truyền thông cả ở Bulgaria và các nước thành viên EU nhằm chống lại châu Âu. Không chỉ thế, ông Plevneliev còn kêu gọi đương kim Tổng thống Rumen Radev cẩn trọng trong quan hệ với Nga.

Châu Âu bấn loạn vì Nga?

Đây không phải là lần đầu tiên phương Tây lên tiếng cáo buộc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử tại châu Âu. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, chưa có bất cứ bằng chứng cụ thể nào chứng minh cho việc này. Hơn nữa, bản thân điện Kremlin cũng nhiều lần lên tiếng phủ nhận những cáo buộc trên. Có thể thấy rằng nỗi sợ và ám ảnh Nga đã lan rộng ra các nước phương Tây và khó xóa mờ trong thời điểm hiện tại.

Tại cuộc điều trần ở Thượng viện Mỹ hồi tháng 1 vừa qua, Giám đốc tình báo Mỹ (CIA) James Clapper đã cáo buộc Nga gây ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử ở 24 quốc gia trong 4 năm qua.

"Rất có thể là 20 quốc gia", ông James Clapper đính chính.

Trước đó hồi cuối tháng 12/2016, Mỹ cũng quyết định trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì nghi ngờ can thiệp vào bầu cử tổng thống của nước này.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 29/12/2016 tuyên bố cho các nhà ngoại giao thuộc sứ quán Nga ở Washington và lãnh sự quán tại San Francisco 72 giờ để họ và gia đình rút khỏi Mỹ. Ngoài ra, phía Washington sẽ đóng cửa hai khu nhà được sử dụng để thu thập thông tin tình báo của Moskva ở New York và Maryland.

Thời điểm tháng 10/2016, Nhà trắng đã chính thức cáo buộc Nga tiến hành một chiến dịch tấn công mạng vào một số tổ chức chính trị của Mỹ trước bầu cử. Tổng thống Mỹ Obama vào thời điểm đó cho biết ông đã cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin về hậu quả của việc này và yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ xem xét lại.

Tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung cũng lên tiếng tố cáo Nga đứng đằng sau các cuộc tranh cử tại châu Âu và sẽ tìm mọi cách để gây thêm ảnh hưởng trong năm 2017.

"Không còn nghi ngờ rằng Nga sẽ ồ ạt gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử vào năm 2017", nguồn tin cho hay.

Cùng với đó, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung cũng bày tỏ lo ngại, các cuộc bầu cử của Đức cũng sẽ bị ảnh hưởng do có sự can thiệp của Moskva thông qua nhiều hình thức khác nhau.

"Chúng tôi đang nói về các cuộc tấn công không gian mạng và thông tin sai lệch mà Nga đứng đằng sau. Đức sẽ phải đối mặt với một chất lượng mới của chiến dịch tranh cử", tờ báo Đức lo ngại.

Thậm chí tờ "Spiegel" còn dẫn một bản báo cáo mới do giới tình báo Đức gửi tới chính phủ nước này, trong đó cáo buộc Nga phá hoại có hệ thống mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ.

Các tác giả bản báo cáo quy kết rằng Nga đã tác động vào Liên minh châu Âu trong nhiều năm liền, với mục tiêu làm những xung đột xã hội hiện có thêm trầm trọng, đặc biệt là ở phương Tây.

Chưa dừng lại, châu Âu còn tuyên bố sẵn sàng dùng vũ khí hạt nhân chặn sự hiện diện của Moskva ở khu vực Trung Đông và biển Đen. Thậm chí ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã kêu gọi EU thành lập một lực lượng quân đội châu Âu để đáp trả điện Kremlin.

"Chúng ta phải cảm ơn người Mỹ rất nhiều vì những gì họ đã làm nhưng họ sẽ không chăm lo cho nền an ninh châu Âu mãi mãi. Chúng ta phải tự bảo vệ mình, vì vậy chúng ta cần một cách thức mới để xây dựng một nền an ninh EU mà mục tiêu cuối cùng là thiết lập một lực lượng quân đội châu Âu", Jean-Claude Juncker nhấn mạnh.

Rõ ràng hội chứng sợ Nga đã không còn dừng lại ở việc chạy đua vũ trang, phương Tây đang dùng tất cả mọi cách để kiềm chế và hạ uy tín của Moskva bằng cách đưa ra cáo buộc can thiệp bầu cử ở các nước.