Hospital treatment
© Fotolia/ Edwardolive
Trong lúc chăm sóc bé, người mẹ thấy bé bị chảy máu vùng kín, chị ôm con đến bệnh viện và nói rằng bé bị xuất huyết âm đạo, chắc... bị xâm hại.

Chưa tự ăn được... đã dậy thì

Vì bé còn quá nhỏ nên người mẹ này không nghĩ con mình dậy thì và có kinh nguyệt, chị ôm con đi cầu cứu khắp các bệnh viện để khám bệnh. Các bác sĩ cũng nhầm lẫn bé bị xuất huyết âm đạo khiến cả gia đình hốt hoảng. Tuy nhiên, lần thứ 2 bé bị ra máu vùng kín, mẹ của bé để ý thấy gần với ngày của tháng trước nên 'bán tín, bán nghi', chị đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM để khám.

Khi bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thăm khám cho bé, bác sĩ phát hiện bé bị dậy thì sớm và có kinh nguyệt. Một lần nữa người mẹ bối rối vì bé còn quá nhỏ. Ngay cả những nhu cầu cá nhân bé còn chưa tự giải quyết được thì... không thể có kinh ngay lúc này.

Bên cạnh đó, BV Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận nhiều ca bé gái quá nhỏ như 2 - 4 tuổi,.. cũng đến đây cầu cứu vì có kinh nguyệt. Không chỉ riêng bé gái, khoa Thận-Nội tiết của bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận khá nhiều trẻ em nam dậy thì sớm.

Bác sĩ Loan cho biết: "Trẻ dậy thì sớm thì cơ thể trẻ phát triển theo giới tính điển hình, bé gái ngực to, bé trai tinh hoàn lớn. Khi một trẻ dậy thì sớm, tinh thần trẻ là trẻ con nhưng cơ thể đã phỏng phao sẽ thu hút nhiều ánh nhìn, bé có nhiều nguy cơ tổn thương. Với bé gái, dậy thì là lúc trứng cũng chín và có thể mang thai, gây nhiều hệ lụy nếu quan hệ sớm. Tâm lý của những trẻ dậy thì sớm cũng bị ảnh hưởng nặng nề, các bé sẽ mang một sự mặc cảm về tiếng nói (bé trai), ngực to (bé gái),... từ đó trở nên ít nói, thậm chí thu người lại không tiếp xúc với ai."

Trẻ dậy thì sớm... đang tăng nhiều

Về khoa học, dậy thì sớm ở trẻ em tùy thuộc vào đặc tính chủng dân và tiền sử gia đình (độ tuổi dậy thì của trẻ tương đương độ tuổi của cha mẹ). Ngoài ra, các chế độ dinh dưỡng, trẻ tiếp xúc với nhiều yếu tố tác động về tính dục, khối u vùng não... cũng là nguyên nhân dẫn đến dậy thì sớm của trẻ.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ em dậy thì sớm đang tăng dần so với những năm trước. Năm 2011, số lượng trẻ em đến khám và điều trị chỉ từ 6-7 ca. Hiện tại, bệnh viện tiếp nhận 200 ca đến khám bệnh, trong đó 120 ca đã là dậy thì sớm.


Nhận xét: Đây không phải chỉ là tăng dần mà là một sự bùng nổ.


Theo bác sĩ Loan, để phát hiện trẻ có phải bị dậy thì sớm hay không, cha mẹ nên quan sát những biểu hiện âm sàn ở trẻ. Nếu là bé gái 100% là ngực to, 30% là có kinh. Nam 100% dương vật lớn, 50% bể tiếng, vỡ giọng. Hay những thay đổi khác về tâm sinh lý thì cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để sớm có thể phát hiện dậy thì sớm ở trẻ và sử dụng phương pháp hợp lý để khắc phục.

90% trẻ em nữ không có nguyên nhân, trẻ nam 40% do những khối u lành tính nằm ở hạ đồi, khối u tiết ra chất để kích động các trục vì vậy các bé sẽ dậy thì. Tùy tính lành ác của khối u thì bệnh viện có thể phẫu thuật hay không.

"Đa số trẻ dậy thì sớm đến đây đều được điều trị bằng phương pháp tiêm thuốc kiềm hãm nội tiết tố để làm chậm quá trình dậy thì. Mỗi tháng trẻ sẽ được tiêm một lần, tiêm cho đến khi trẻ đến độ tuổi dậy thì thật sự thì mới dừng lại. Bé gái 18 tháng tuổi được điều trị đến nay là 6 năm, hiện tại chúng tôi có thể kiểm soát được căn bệnh này. Bé trai 3 tuổi hiện cũng đã 10 tuổi cũng đã lấy lại được giọng nói trẻ thơ của mình. Bé sắp đến độ tuổi dậy thì nên thời gian tới bé sẽ được ngưng tiêm thuốc để bé dậy thì tự nhiên.", bác sĩ Loan cho biết.

Thuốc tiêm cho trẻ là để ức chế nội tiết. Tiêm đến khi bệnh nhân đúng tuổi dậy thì sẽ ngưng điều trị. Trẻ phải được tiêm thuốc đều đặn nếu không sẽ bị tiếp tục dậy thì. Thuốc không ảnh hưởng đến sự phát triển, sức khỏe sinh sản của trẻ sau này.

Trẻ dậy thì ở độ 9-12 tuổi là bình thường, nếu trẻ dậy thì trước 9 tuổi trẻ có nguy cơ bị dậy thì sớm, sau 12 tuổi trẻ không dậy thì phụ huynh phải đưa trẻ đến các bệnh viện để thăm dò.


Nhận xét: Trước đây trong dân gian vẫn có câu "gái thập tam, nam thập lục" chỉ độ tuổi dậy thì bình thường của nữ là 13 và nam là 16. Bây giờ hạ xuống 9 - 12 tuổi là "bình thường" và số trẻ em dậy thì sớm, thậm chí từ 2 - 3 tuổi đang tăng mạnh. Tại sao?


Với trẻ em gái, nếu có kinh lúc 10 tuổi, thì nên xem lại về dậy thì của mẹ, còn với trẻ em nam thì so độ tuổi dậy thì của em với người cha. Vì độ tuổi dậy thì của trẻ em tương đương với độ tuổi dậy thì của cha mẹ mình. Khi trẻ đã dậy thì thì trục sinh dục đã hoạt động, trứng đã chín và đã có khả năng thụ tinh.

90% trẻ em gái bị dậy thì sớm rất khó để tìm ra nguyên nhân, 40% trẻ em nam có thể do những khối u lành tính nằm ở hạ đồi, khối u tiết ra chất để kích động các trục vì vậy các bé sẽ dậy thì. Tùy tính lành ác của khối u thì bệnh viện có thể phẫu thuật.

Trẻ dậy thì sớm không thể tự xoay sở được những đặc tính sinh lý của mình như kinh nguyệt, vệ sinh cá nhân, bị lùn vì xương chưa chính mùi. Có thể có khả năng khi bé tuổi còn nhỏ lại có hình thể của người lớn nên sẽ bị nhiều ánh mắt để ý. Nếu để thời gian dậy thì sớm càng kéo dài thì tâm lý trẻ bị ảnh hưởng nhiều.

Để hạn chế nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ, các bà mẹ nên chú ý đến đồ ăn hiện tại. Hầu như những thuốc tăng trọng trong gia súc là đều có nội tiết tố. Gần như 90% thực phẩm tăng trọng đều có nội tiết tố. Nhất là những con vật cần những sự vỗ béo nhanh, nhiều.

Sữa là thực phẩm dễ hấp thu, có nhiều chất dinh dưỡng, bé muốn lớn và cao cần tổng năng lượng và canxi tốt. Sữa là sản phẩm không thể thiếu với trẻ. Tuy nhiên, trẻ uống sữa quá mức dễ dẫn đến tăng cân, béo phì, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị dậy thì sớm.


Nhận xét: Sữa cũng có rất nhiều nội tiết tố cùng hàng loạt thứ tai hại khác. Để biết thêm về "sản phẩm không thể thiếu này", xem thêm bài viết sau: Tác hại của sữa: Một thông điệp gửi đến các bệnh nhân của tôi


Khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ bị dậy thì sớm, cha mẹ nên đưa con mình đến các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị (nếu bé bị mắc bệnh).