Iraqi troops in Mosul
Lính Iraq đang tấn công Mosul
IS sử dụng vũ khí hóa học tại Mosul


Ngày 16/4, Sở chỉ huy các chiến dịch chung của Iraq (IJOP) tiết lộ với báo chí, lực lượng IS đã tiến hành định kì các vụ tấn công có sử dụng vũ khí hóa học tại Mosul.

Tuy nhiên đến thời điểm này con số thương vong cũng như tác động của những vụ tấn công này với chiến dịch quân sự của quân đội Iraq là rất hạn chế.

Theo IJOP, các phần tử IS đã tìm cách cản trở đà tiến công Mosul của các lực lượng an ninh Iraq bằng cách sử dụng đạn pháo có chứa khí độc hóa học.

Trước đó hồi tháng 3 năm nay, Hội Chữ thập đỏ Iraq cũng tuyên bố, các nạn nhân trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thành phố Mosul đều có những triệu chứng rất giống với việc bị nhiễm khí độc.

"IS có thể đã tiến hành 1 cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thành phố Mosul khiến ít nhất 12 người, trong đó có trẻ em phải nhập viện", nguồn tin nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Hội Chữ thập đỏ Iraq cũng cho biết, các nạn nhân đều có những triệu chứng rất giống với việc bị nhiễm khí độc như khó thở, chảy nước mắt và bỏng.

Chia sẻ với cơ quan này, các nhân chứng khẳng định, một quả rocket sau khi rơi trúng khu vực đã phát ra một loại khí lạ khiến người dân không thể thở được.

Bóc mẽ cáo buộc của Mỹ và phương Tây?

Tuyên bố của Sở chỉ huy các chiến dịch chung của Iraq về việc IS sở hữu vũ khí hóa học Mosul hoàn toàn trùng khớp với những nghi vấn trước đó mà phía Nga và Syria đưa ra.

Ngày 5/4, Moskva lên tiếng xác nhận, không quân Syria đã phát động một cuộc tấn công nhằm vào một kho chứa có các loại vũ khí hóa học của lực lượng phiến quân ở Idlib vào trưa 4/4.

Đáng chú ý, theo phát hiện của điện Kremlin, số vũ khí hóa học được nhồi trong các quả đạn pháo được các tay súng phiến quân sản xuất, tích trữ trước khi chuyển đến Iraq.

"Kho đạn hóa học bị trúng oanh kích nằm ở phía Đông thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib", điện Kremlin thông báo.

Như vậy với những chứng cớ mới từ phía quân đội Iraq, những cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc quân đội Syria sử dụng các loại vũ khí hóa học ở Idlib để tấn công phiến quân IS càng trở nên thiếu cơ sở.

Trước đó hôm 5/4, Mỹ đã cáo buộc quân đội Syria tấn công vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Idlib. 2 ngày sau đó, Hoa Kỳ đã bất ngờ dội 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs của Syria

Trong tuyên bố phát đi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định: "Mỹ không thể đứng yên trong khi Tổng thống Assad giết người vô tội bằng vũ khí hóa học, loại vũ khí bị cấm theo luật quốc tế và phải bị loại bỏ. Cuộc tấn công đã phá hủy hoặc làm hư hại các kho nhiên liệu, kho đạn dược và khoảng 20% phi đội chiến đấu cơ, làm giảm năng lực phòng không của Syria".

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Assad và Nga đã ngay lập tức lên tiếng bác bỏ cáo buộc này.

"Quân đội chính phủ Syria chưa bao giờ và trong mọi trường hợp không sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ của mình" Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tuyên bố.

Về phần mình, bà Maria Zakharova, đại diện Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Moskva tin rằng dự thảo nghị quyết được Mỹ, Pháp và các đối tác phương Tây đề xuất tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cáo buộc tấn công vũ khí hóa học gần Idlib là tài liệu giả.

"Các đại diện của quí vị vào những ngày này, họ đã đưa lên Hội đồng Bảo an một tài liệu hoàn toàn giả mạo, hoàn toàn dựa vào những thông tin giả", bà Zakharova nhấn mạnh.

Thậm chí để chứng minh bản thân vô can, chính quyền Damascus đã quyết định mời Hội đồng Bảo an tới Syria để điều tra vụ tấn công hóa học.

Phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 12/4, Đại diện thường trực của Syria tại Liên hợp quốc Bashar Jaafari nhấn mạnh Damascus đưa ra lời mời này vì bản thân họ cũng muốn biết ai là kẻ chủ mưu đứng sau vụ tấn công hóa học tại thị trấn Khan Sheikhoun vào tuần trước.