Libya slaves
© ReutersMột người di cư cầu nguyện sau khi được giải cứu ngoài khơi Libya tháng 6/2016. Tổ chức Di cư Quốc tế nói người di cư đang được bán làm nô lệ một cách công khai ở Libya.
Biến Libya thành "đất sống" và "đất diễn" cho khủng bố, thành thị trường nô lệ là những thành quả của phương Tây khi "xoá độc tài, xây dân chủ" cho Libya...

Libya trở thành thị trường mua bán nô lệ trong thế kỷ 21 nhờ bom đạn của NATO

Reuters ngày 11/4 đưa tin về một báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tình hình người tị nạn tại Libya và làn sóng di cư từ châu Phi tràn vào châu Âu.

Theo đó, ngày càng có nhiều người di cư từ châu Phi đi qua Libya đang bị mua bán trên thị trường nô lệ, trước khi bị bắt giữ để đòi tiền chuộc, bị cưỡng bức lao động hoặc bóc lột bằng lao động tình dục.

Thông tin từ Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), dẫn lời những người di cư đến từ Tây Phi kể lại, việc mua và bán nô lệ diễn ra tại các nhà để xe và bãi đậu xe của thành phố Sabha năm ở phía Nam đất nước Libya, nơi đã trở thành một trong những trung tâm mà hoạt động buôn lậu người nhập cư rầm rộ nhất tại Libya, thời hậu Gaddafi.

"Những người di cư - nhiều người từ Nigeria, Senegal và Gambia - bị bắt khi họ tiến về phía bắc tới bờ Địa Trung Hải trong phần lãnh hải của Libya. Sau đó người nhập cư được mua bán trên thị trường như một mặt hàng.

Một người di cư được mua bán với giá từ 200USD đến 500 USD và được giữ lại khoảng 2 hoặc 3 tháng, sau đó sẽ được đưa tới châu Âu qua ngả Italy", ông Othman Belbeisi, người đứng đầu sứ mệnh của IOM ở Libya cho biết.

Một người người nhập cư đến từ Senegal cho đại diện của IOM biết, ông ta bị giam tại một căn nhà riêng ở Sabha, Libya với khoảng 100 người khác. Ông cùng những người bạn đồng cảnh ngộ bị đánh đập và bị buộc phải gọi về gia đình yêu cầu mang tiền trả cho những kẻ đã bắt cóc họ. Ông ta đã được một người Libya mua lại với ra mức giá bọn bắt cóc đòi chuộc ông.

"Những người di cư không thể trả tiền cho những kẻ bắt cóc thì hoặc đã bị giết hoặc bỏ đói cho đến chết. Khi có người di cư chết hoặc được chuộc ra hay bán được, thì những người khác lại được mua về để thế chỗ.

Có nhiều người di cư bị chôn vùi mà không tìm được xác, gia đình cũng không biết được số phận của họ ra sao", đại diện IOM cho biết.

Hầu hết những người di cư được mua bán trên thị trường nô lệ sẽ được sử dụng làm lao động trong ngành xây dựng hoặc nông nghiệp. Chỉ rất ít được trả lương, còn hầu hết là buộc phải làm việc không công. Riêng với lao động là phụ nữ thì bị hãm hiếp hay bị ép buộc làm trong những động mại dâm, Reuters dẫn lời ông Belbeisi.

Sau khi bị ép lao động như nô lệ, người di cư được đưa lên những chuyến tàu lênh đênh trên Địa Trung Hải hương về miền đất hứa.

Trên đường đi, họ là con mồi của cướp biển hoặc tiếp tục được trao đổi trong các mạng lưới buôn người và vòng đời luẩn quẩn của người di cư cứ như vậy không xác định được ngày về, không xác định được nơi đến.

Ông Mohammed Abdiker, Giám đốc điều hành Các hoạt động và Trường hợp Khẩn cấp của IOM lên tiếng: "Điều chúng tôi biết là những người nhập cư rơi vào tay bọn buôn người luôn ở trong tình trạng suy dinh dưỡng, bị lạm dụng tình dục và thậm chí bị giết. Chúng tôi được nghe nhiều về các ngôi mộ tập thể trên sa mạc Libya".

Theo Reuters, Libya là cửa ngõ chính cho những người nhập cư cố gắng tìm đến châu Âu bằng đường biển, với hơn 150.000 người chuyển tiếp/năm, từ năm 2014 đến nay.

Uớc tính trong 3 tháng đầu năm 2017 có 26.888 người di cư đã vào Italy, tăng hơn 7.000 người so với năm 2016. Hơn 600 người đã chết trên biển, nhiều người không biết còn sống hay đã chết trên sa mạc.

Có lẽ không có gì để bình luận thêm về đất nước Libya sau 6 năm Gaddafi bị lật đổ. Đây chính là thành quả mà phải nhờ đến bom đạn của NATO thì đất nước Libya có được.

Bởi lẽ, với thực lực của lực lượng nổi dậy thì "chế độ độc tài Gaddafi" chưa thể bị lật đổ và đất nước Libya không thể rơi vào cảnh hỗn loạn như hiện nay.

Như vậy, cùng với việc biến đất nước Libya trở thành "đất sống" và "đất diễn" cho lực lượng khủng bố, việc biến đất nước Bắc Phi này thành thị trường buôn bán nô lệ của thế kỷ 21, là những thành quả đáng tự hào và không thể chối bỏ được của Mỹ và các nước đồng minh khi "xoá độc tài, xây dân chủ" cho Libya.

Tại sao người Libya và nhiều người châu Phi nuối tiếc "chế độ độc tài Gaddafi"?
libya before after
Libya trước và sau "dân chủ"
"Ở Libya trước đây, tất cả mọi người đều hạnh phúc. Ở Mỹ, có những người ngủ dưới gầm cầu, trong khi ở Libya không có điều ấy.

Không có sự phân biệt đối xử, không có vấn đề gì cả. Công việc rất tốt và do đó có tiền. Cuộc sống của tôi tất cả là nhờ vào Gaddafi - Đấng Cứu thế của châu Phi", BBC dẫn lời ông Karim Mohamed, làm nghề thợ may tại Libya.

Ông Eliyas Yahya một lãnh tụ Hồi giáo địa phương thì nhận định: "Gaddafi có thể là một nhà độc tài tàn nhẫn, nhưng trong nhiều năm ông ta đã mang đến sự sung túc cho cuộc sống của người dân và luật lệ trong chế độ của ông đã tạo ra sự ổn định cho xã hội.

Đặc biệt, người di cư không phải tuyệt trong vọng để tìm công việc ở Libya trong sự may rủi".

Ông Eliyas Yahya cho biết thêm: "Những người bạn của tôi là nhiều người trong số hàng chục ngàn người châu Phi đã sử dụng tiền kiếm được ở Libya để thoát khỏi cảnh nghèo đói ở quê nhà".

Nhà báo Jake Wallis Simons đã đi thực tế và tường thuật chi tiết cho BBC về cuộc sống của người nhập cư tại Libya trước và sau khi Gaddafi bị lật đổ. Đó là câu chuyện về một huyện nhỏ ở thành phố Accra, phía bắc Libya, nơi có một cộng đồng người Ghana đã từng làm việc dưới chế độ Gaddafi.

Những ngôi nhà xiêu vẹo đặc trưng cho cuộc sống nhiều bộ phận dân cư của Accra không được nhìn thấy ở đây. Thay vào đó là nhưng căn hộ rộng rãi, hiện đại chạy dọc theo con đường đất màu cam.

"Theo những cư dân tại đây cho biết, nếu không có Gaddafi thì những căn hộ khang trang đó sẽ không bao giờ được xây dựng.

Điều đó đã được chứng minh bằng những ngôi nhà đang được xây dựng dở dang và khi Gaddafi bị lật đổ thì việc xây dựng đã bị dừng lại, khu phố trở nên lạnh lẽo, buồn tẻ", BBC tường thuật.

Như vậy, không chỉ người dân Libya rơi vào cảnh cùng quẫn mới nuối tiếc về chế độ Gaddafi bị lật đổ, mà người dân ở nhiều nước châu Phi khác có công ăn việc làm tại Libya trước đây cũng có cùng cảm giác bởi cuộc sống của họ đã từng sung túc dưới thời Gaddafi.

Chính vì vậy, "nhà độc tài" đã cảnh báo với EU là khi chế độ của ông ta bị NATO lật đổ thì sẽ có hàng triệu người châu Phi, chứ không chỉ là người Libya, tràn vào châu Âu, gây nên cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất trong lịch sử tại lục địa già. Và lời nguyền đó đang ngày càng ứng nghiệm.