Syria chemical attack false flag Idlib
Một người được cho là đang lấy mẫu phân tích từ hiện trường vụ tấn công khí sarin tại Syria. Lưu ý anh ta hầu như không dùng chút đồ bảo hộ nào để tránh khí sarin tại hiện trường.
Washington đã nhận ra sai lầm?

Theo hãng thông tấn TASS, Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), ông Alexander Shulgin, cho rằng Mỹ và các quốc gia phương Tây không muốn điều tra thỏa đáng, để làm rõ trắng đen vụ việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib, Syria.

Ông Shulgin cho biết, trong cuộc họp Hội đồng điều hành của OPCW ngày 19/4, Nga và Iran đã đưa ra đề xuất bổ sung cho việc tiến hành cuộc điều tra vụ việc tại Idlib, trong đó có điều tra cả khu vực sân bay Shayrat bị Mỹ tấn công.

Tuy nhiên, Mỹ đã phản đối đưa phái bộ điều tra vũ khí hóa học Syria đến sân bay Shayrat với lý do phái bộ điều tra của OPCW "không có gì để làm trong tình huống này".

Nhà chính trị Nga cho rằng: "Sự liên quan giữa vụ việc ở Idlib với sân bay Shayrat là do chính người Mỹ tạo ra khi Washington tuyên bố các máy bay Syria đã xuất phát từ sân bay này tới tấn công Idlib, do đó việc xác định xem chất độc thần kinh sarin và các vũ khí hóa học khác có từng được lưu trữ tại sân bay Shayrat hay không là điều rất cần thiết".

Theo đại diện thường trực Nga tại OPCW : "Các nước phương Tây đang hành động cực kỳ mâu thuẫn...

Tôi cho rằng người Mỹ có thể đang che giấu điều gì đó khi họ kiên quyết muốn không đưa sân bay Shayrat vào cuộc điều tra này. Có thể ngay từ đầu họ đã biết rằng không có vũ khí hóa học nào ở đó và điều này chỉ được họ sử dụng như một cái cớ mà thôi".

Không những vậy, phía Washington còn phản đối việc cho phép bất cứ chuyên gia nhà nước nào tham gia công vào việc của phái bộ điều tra và cáo buộc Nga đẩy cuộc điều tra vào bế tắc.

Chính quyền Mỹ đã tin rằng vũ khí hoá học trong vụ không kích ở Idlib được mang từ căn cứ Shayrat tới, vì vậy hôm 7/4, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ không quân này của quân đội Syria.

Cũng nên nhắc lại rằng, sau khi xảy ra sự việc đau lòng tại Idlib, Moscow đã đưa ra kết luận ban đầu với nguyên nhân được tạm xác định là quân đội Syria không kích trúng vào kho vũ khí và nhà máy sản xuất vũ khí của phe đối lập và khí sarin đã phát tán ra, gây chết người.

Moscow kêu gọi cộng đồng quốc tế điều tra sự việc, trước khi có những hành động tiếp theo. Washington thì mặc định chính quyền Assad là thủ phạm và Trump quyết định cho Tomahawk Mỹ bay vào Syria để trừng phạt.

Khi nhìn thấy xác những quả Tomahawk nằm rải rác tại sân bay Shayrat thì Washington dường như đã nhận ra họ quá vội vã trong việc tấn công Syria, nhưng đã muộn.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 vừa qua, việc trừng phạt Nga và Syria đã không được quyết định, mà lý do chính là không xác định được chứng cứ tại "sự kiện Idlib". G7 quyết định cần phải điều tra nhưng không đưa ra cách thức, không có thời gian biểu.

Khi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học thực hiện việc điều tra, Moscow không tin việc điều tra khách quan và kết quả có thể bị làm sai lệch. Moscow có cơ sở để không tin bởi hành động của Washington đã được thực hiện và đã gây hậu quả.

Vì vậy, Moscow đã đề xuất bổ sung khu vực được điều tra là sân bay bị Mỹ không kích với lý do máy bay chở chất độc hoá học xuất phát từ đây tới Idlib và đề xuất có thêm chuyên gia kỹ thuật của cả Nga và Mỹ cùng tham gia vào việc điều tra. Washington và đồng minh đã bác bỏ.

Trước việc Washington và đồng minh "ngại" điều tra toàn diện "sự kiện Idlib", Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sự cố vũ khí hóa học tại Idlib, Syria chính là chiến dịch khiêu khích lớn, đã được lên kế hoạch và đã mang lại kết quả cho phía Mỹ, theo Sputnik ngày 19/4.

Nếu làm rõ trắng đen, Trump mang đại hoạ cho nước Mỹ?

Việc Trump vội vã cho "Tomahawk bay vào Syria" đã làm khó cho Washington, khó cho đồng minh và cho cả những nhà điều tra của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học. Đó là không thể làm rõ trắng đen "sự kiện Idlib", lý do để Mỹ tấn công quân sự Syria.

Đây chính là nguyên nhân khiến Washington gạt những đề xuất của Moscow và Tehran. Động thái đó cho thấy dường như Washington không muốn chứng minh sự thật, buộc đồng minh phải che giấu sự thật và có thể khiến OPCW phải làm sai lệch sự thật.

Bởi làm rõ trắng đen thì không loại trừ khả năng hành động Trump vội vã cho "Tomahawk bay vào Syria" mang đại hoạ cho nước Mỹ.

Việc "tiền trảm" luôn khiến cho việc "hậu tấu" mất tính khách quan và kém giá trị. Đối với nước Mỹ - danh dự của cường quốc số một thế giới - kết quả điều tra "việc đã rồi" của Washington sẽ càng thiếu thuyết phục.

Đặt trường hợp việc điều tra cho kết quả bất lợi với Mỹ, liệu OPCW có thể công bố sự thật? Có lẽ câu trả lời sẽ là không. Washington không muốn bất lợi cho mình là đương nhiên, mà cà đồng minh của Mỹ lẫn Moscow cũng có thể không ủng hộ OPCW công bố kết quả điều tra mà được xem là cơ sở chứng minh hành động của Trump tấn công Syria là sai lầm.

Bởi khi đó không chỉ nước Mỹ gặp đại hoạ, mà thế giới sẽ đại loạn.

Lúc đó bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ lực lượng nào cũng có thể thực hiện các cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền và đương nhiên là vào cả nước Mỹ hay lợi ích Mỹ ở ngoài biên giới nước Mỹ.

Rõ ràng cân nhắc lợi - hại thì những nhà điều tra quốc tế, Mỹ, đồng minh của Mỹ và cả đối thủ của Mỹ đều sẽ phải chọn công bố kết quả có lợi cho Mỹ để ngăn đại hoạ cho cả thế giới.

Nếu đúng cũng phải công bố sai, nghĩa là kết quả điều tra được báo trước, vậy đề xuất của Nga có cần thiết và mang ý nghĩa gì?

Thứ nhất, Moscow muốn rõ trắng đen, dù chỉ mang tính nội bộ, để Washington phải thừa nhận sai lầm, nếu kết quả điều tra bất lợi cho họ, từ đó ngăn chặn những hành động bất chấp chủ quyền quốc gia tiếp theo của Mỹ.

Thứ hai, cuộc điều tra rõ ràng, khách quan sẽ giúp cho Moscow khẳng định vai trò của mình, nếu kết quả điều tra thực tế bất lợi cho Mỹ, hoặc Moscow sẽ xác lập lại vị thế của mình trong một ván cờ mới của Syria, nếu kết quả điều tra thực tế có lợi cho Mỹ.

Thứ ba, cuộc điều tra khách quan, theo chuẩn mực quốc tế sẽ là cơ sở buộc Washington phải thay đổi cách hành xử của mình, vốn luôn xem nhẹ luật pháp quốc tế. Từ đó cuộc chiến tại Syria có thể nhìn thấy ngày "chung cuộc" và kết quả sẽ có hậu cho Moscow.

Thứ tư, việc Moscow đề nghị điều tra khách quan thoả đáng sự kiện Idlib sẽ là sự hiệu chỉnh tốt nhất việc điều tra Tổng thống Assad và chính quyền Damascus - được phương Tây "đặt hàng" - mà mục đích là khép nhà lãnh đạo Syria và những cộng sự thân cận vào tội chống lại loài người, từ đó sẽ tước quyền, lật đổ Assad.

Tóm lại, hành động vội vã của Trump khi cho "Tomahawk bay vào Syria" đúng là "chỉ trúng mục tiêu, nhưng chưa trúng mục đích", Trump sử dụng uy lực của Mỹ để hành xử nhưng lại làm mất uy tín của nước Mỹ.

Trump đã đưa chính quyền của mình vào thế tiến thoái lưỡng nan trong nhiều vấn đề quốc tế, mà việc không thể có đáp trả rõ ràng trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên là hậu quả rõ ràng nhất.