French Elections 2017
© Getty
Hôm nay, 23-4, hơn 46 triệu cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 1 bầu tổng thống mới. Trong chiến dịch tranh cử, đã có nhiều diễn biến bất ngờ, vì thế, bầu không khí hồi hộp xen lẫn lo lắng về khả năng xảy ra một cú sốc lớn vẫn bao trùm cho tới trước giờ các điểm bỏ phiếu mở cửa.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra vào thời điểm kinh tế Pháp chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, xã hội có nhiều thay đổi phức tạp, tỷ lệ thất nghiệp cao, an ninh bất ổn và tình trạng nhập cư khó kiểm soát. Cử tri Pháp coi cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 11 của nền Cộng hòa thứ 5, là cuộc sát hạch quan trọng lựa chọn một trong số 11 ứng cử viên có đủ khả năng chèo lái nhằm mang lại sự thay đổi thật sự cho nền kinh tế lớn thứ 2 của khu vực Eurozone. Hàng loạt diễn biến khó lường đã xảy ra ngay từ vòng bầu cử sơ bộ của cánh tả và cánh hữu. Tiếp đó là cục diện tranh cử không ngừng thay đổi. Khả năng một ứng cử viên giành quá bán số phiếu bầu và đắc cử ngay từ vòng 1 khó xảy ra. Hiện, có bốn ứng cử viên với các quan điểm khác hẳn nhau, gồm Ma-rin Lơ Pen, Ê-ma-nuy-en Ma-crông, Phăng-xoa Phi-ông và Giăng Luých Mê-lăng-sông, đều có nhiều khả năng lọt vào vòng 2.

Sau những bất ngờ trong các cuộc bầu cử sơ bộ chọn ứng cử viên tổng thống, nước Pháp lại chứng kiến hàng loạt bê bối liên quan những ứng cử viên tiềm năng nhất. Ứng cử viên P.Phi-ông bị khởi tố về tội "biển thủ công quỹ", "lạm dụng công quỹ". Tham gia tranh cử với hình ảnh một chính trị gia liêm khiết và có chương trình tranh cử được đánh giá cao cả về vấn đề kinh tế-xã hội cho tới đối ngoại, ông Phi-ông đã khiến nhiều thành viên chủ chốt trong đảng và cử tri thất vọng. Từ lúc còn là gương mặt hàng đầu, ứng cử viên này giờ chỉ đứng ở vị trí thứ 3 trong các cuộc thăm dò dư luận, sau hai ứng cử viên là bà L.Pen và ông E.Ma-crông.

Khác với lần bầu cử năm 2012, đại diện của đảng Xã hội cầm quyền ít có cơ hội qua được vòng 1 do có sự phân hóa trầm trọng của đảng. Ứng cử viên Bơ-noa A-mông là người duy nhất muốn áp dụng chính sách thu nhập cơ bản phổ quát khoảng 600 ơ-rô nhằm tăng lương cơ bản cho tất cả những người lao động. Tuy nhiên cử tri đang quay lưng với đại diện của PS vì những kết quả đầy thất vọng về kinh tế, an ninh và một số nhân vật chủ chốt của đảng, trong đó có cựu Thủ tướng M.Van tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Ma-crông, khiến cho ông B.A-mông bị bỏ rơi.

Lần thứ hai tham gia cuộc bầu cử tổng thống, ông L.Mê-lăng-sông là đại diện của liên minh "Nước Pháp bất khuất" gồm đảng Cánh tả và đảng Cộng sản Pháp. Những ý tưởng của ông về bình đẳng xã hội, về quyền công dân với yếu tố người dân ở vị trí trung tâm đã tạo ra sức hút mạnh mẽ, nhất là sau cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.

Sau sự kiện Brexit và bầu cử ở Mỹ, dư luận ở cả Pháp và châu Âu đang hồi hộp chờ kết quả bầu cử. Trong suốt mấy tháng qua, các dự đoán hay thăm dò dư luận vẫn cho rằng, ứng cử viên L.Pen sẽ vào vòng 2 và sau đó sẽ bị cử tri các đảng phái khác dồn phiếu để loại bỏ khả năng có một Tổng thống cựu hữu. Đường lối tranh cử của ứng cử viên này làm nhiều người lo ngại vì chống người nhập cư, chống đạo Hồi, chống toàn cầu hóa, đưa nước Pháp ra khỏi Eurozone và rời EU. Đối với người dân Pháp, những khó khăn kinh tế kéo dài và các vụ khủng bố thời gian qua làm họ quá mệt mỏi, thất vọng nên đã quan tâm nhiều đến quyền lợi sát sườn, như cơ hội việc làm, giảm thuế, tăng sức mua, được bảo đảm về an ninh. Chính vì vậy, cuộc bầu cử lần này cũng được coi như một cuộc trưng cầu dân ý về quan điểm ủng hộ hay chống EU.

Có nhiều yếu tố chi phối cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này. Trước tiên là số người ủng hộ hay còn gọi là cử tri trung thành, với lợi thế đang thuộc về bà L.Pen và ông Phi-ông. Tiếp đó là những diễn biến bất ngờ, khó lường như vụ khủng bố tối 20-4 giữa trung tâm Pa-ri. Ngay lập tức vấn đề an ninh lại trở thành đề tài nóng hơn, có thể tác động đến quyết định bỏ phiếu của cử tri.

Hiện, hai ứng viên gồm bà L.Pen và ông Ma-crông được đánh giá là có khả năng cao nhất lọt vào vòng 2. Tuy nhiên, trong hai tuần vừa qua, hai ông Phi-ông và Mê-lăng-sông đã rút ngắn đáng kể khoảng cách với hai người dẫn đầu. Như vậy có đến bốn người cùng có cơ hội vào chung kết, một kịch bản chưa bao giờ xảy ra trong bầu cử Tổng thống Pháp.

Thời gian vừa qua, yếu tố bất ngờ, thậm chí là cú sốc trong bầu cử, đã xảy ra ở nhiều nơi và cả ở Pháp, vì vậy càng sát ngày bỏ phiếu, giới quan sát cũng như dư luận Pháp càng tỏ ra thận trọng khi nói về khả năng ai sẽ thắng cử. Nhiều cử tri vẫn còn thái độ do dự là đi bầu hay không vì tâm lý thất vọng với chính giới, không biết đặt niềm tin vào ứng cử viên nào. Bên cạnh đó, các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu khó có thể nắm bắt hay theo kịp những diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay ở Pháp. Mọi khả năng đều có thể xảy ra trong hôm nay.