ASEAN
© Reuters / Erik De Castro
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 đã khai mạc vào ngày 26 tháng 4 tại Philippines.

Trong vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN của Philippines Tổng thống Duterte đã chọn chủ đề "Hợp tác vì sự đổi mới, thiết lập hòa bình." Tuy là nhân vật mới trên chính trường thế giới nhưng ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ tổng thống nhà lãnh đạo Philippines đã gây chú ý bởi những phát ngôn về các vấn đề trong nước và quốc tế. Giờ đây là nước chủ nhà Hội nghị thượng đỉnh 10 quốc gia Đông Nam Á, ông Duterte có cơ hội tăng uy tín nhờ những đóng góp cho sự củng cố thống nhất của ASEAN.

"Trải qua 50 năm đồng hành, sự thống nhất và đoàn kết vẫn đang là thách thức đối với một ASEAN năng động, — The Jakarta Post viết. Nguyên nhân chính ở đây là bài toán Biển Đông, mối đe dọa lớn nhất cho sự đoàn kết, hòa bình và ổn định của tổ chức. Nhiệm vụ hàng đầu của ông Duterte trong vai trò chủ tịch ASEAN — tạo những điều kiện thuận lợi để sớm ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tài liệu mà chúng ta hy vọng sẽ mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực. Đối với Trung Quốc, việc ký kết COC là cơ hội nhận thêm sự tôn trọng quốc tế vì góp phần làm giảm căng thẳng. Bởi như Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang đã nói, trong mọi cuộc xung đột vũ trang tranh chấp ở Biển Đông sẽ không có người chiến thắng mà chỉ có những kẻ thua cuộc."

Hội nghị thượng đỉnh ASEAN diễn ra trong bối cảnh quốc tế mới mà Hiệp hội buộc phải thích ứng và tìm kiếm những giải pháp tối ưu cho sự phát triển của mình.

"Hoa Kỳ đã thừa nhận họ không thể cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á, — ông Dmitry Mosyakov, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu các nước Đông Nam Á Viện Nghiên cứu phương Đông Nga nêu nhận xét. — Họ tụt xuống vị trí thứ 4 trong thương mại với ASEAN, việc Mỹ rút khỏi dự án TPP là bất ngờ khó chịu cho các nước Đông Nam Á tham gia thỏa thuận. Mỹ không còn hứng thú với vùng Biển Đông và lúc này họ tập trung đối đầu với Bắc Triều Tiên."

Thất bại cũng đến với những nỗ lực của Mỹ tạo vành đai chống Trung Quốc bằng các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Miến Điện.

"Người Mỹ hành động thô lỗ, không đếm xỉa tới lợi ích và truyền thống của dân tộc khác, — chuyên gia phương Đông Elena Fomicheva phân tích. — Họ tẩy chay chính phủ quân sự Thái Lan, chỉ trích luật về tội khi quân. Người Thái đã đa dạng hóa quan hệ quốc tế của mình, tăng cường hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt là tăng mua vũ khí của Trung Quốc."

Sự đột ngột thay đổi phát ngôn và xích lại gần Trung Quốc cũng diễn ra với Philippines — một thành viên chính cùng với Việt Nam trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của các nước Đông Nam Á với thặng dư lớn. Hơn nữa, để bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng dân số của chính mình, các nước trong khu vực cần nguồn đầu tư rất lớn cho năng lượng, giao thông, viễn thông, nước và vệ sinh.

Chính phủ các nước Đông Nam Á ngày càng nhận thức sự khủng hoảng cơ sở hạ tầng đang nổi lên, Deutsche Welle viết. Trung Quốc sẵn sàng cung cấp khối lượng kinh phí cần thiết và đã lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á để phục vụ mục đích này, Trung Quốc kỳ vọng thực hiện dự án Con đường tơ lụa mới. Bắc Kinh muốn mở rộng quan hệ với châu Âu, Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á thông qua đất liền và trên biển.

Chính bởi những lý do này, theo Reuters, mà nội dung bản tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Manila vào hôm thứ Bảy sẽ mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc, căn cứ vào trích lục dự thảo tuyên bố. Sẽ không có nhưng tài liệu tham khảo, thậm chí sự ám chỉ việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và triển khai ở đó thiết bị quân sự. Dù cho cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario có đưa ra đề xuất tổ chức thảo luận mở về quyết định của Hội đồng trọng tài tại Hague và tuyên bố, là chủ tịch luân phiên của ASEAN Philippines phải ngăn chặn Trung Quốc lợi dụng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông để duy trì những yêu sách bất hợp pháp.