official French presidential election posters
© Reuters/Pascal Rossignol
Tung đòn phối hợp

Ngày 26/4, nhóm vận động tranh cử của ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron xác nhận nhóm này đã trở thành mục tiêu của ít nhất 5 vụ tấn công mạng kể từ tháng 1/2017.

Nhóm vận động phong trào "Tiến bước" của ông Macron nêu rõ ông Macron là ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp trở thành mục tiêu tấn công và không có gì là ngẫu nhiêu nếu ông Macron, ứng cử viên triển vọng cuối cùng còn lại trong cuộc bầu cử này, là mục tiêu ưu tiên.

Nhóm vận động tranh cử của ông Macron viện dẫn các kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu an ninh mạng Trend Micro có trụ sở tại Nhật Bản hôm 25/4 tuyên bố có bằng chứng cho thấy chiến dịch chính trị của ông Macron đã bị nhóm tin tặc Pawn Storm nghi có quan hệ với các cơ quan an ninh Nga, tấn công hồi tháng trước.

Theo Trend Micro, Pawn Storm đã gửi các thư điện tử giả như một công ty hợp pháp nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân của ứng cử viên Macron và các thành viên trong chiến dịch "Tiến bước" của ông.

Đây là diễn biến mới nhất trong loạt cáo buộc mang tính "phối hợp" nhằm cáo buộc Nga đang can thiệp vào cuộc bầu cử Pháp, cũng tương tự như cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Thông tin này cùng lúc trúng 2 mục tiêu, vừa hạ thấp uy tín, gây sức ép với Nga trên trường quốc tế, vừa ảnh hưởng trực tiếp tới ứng cử viên Le Pen. Ông Macron vốn được giới chức châu Âu coi như một "người bạn" đang tung hết các "chiêu" để trợ giúp ông này.

Ngay trước đó, Nghị viện châu Âu (EP) cho biết đã bắt đầu xem xét tước quyền miễn trừ truy tố của ứng cử viên Le Pen, đối thủ của ông Macron trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp. EP cáo buộc bà Le Pen sử dụng sai mục đích các khoản quỹ của EU.

Quyết định trên được đưa ra sau khi các thẩm phán Pháp đã yêu cầu EP tước quyền miễn trừ của bà Le Pen nhằm cho phép họ điều tra kỹ hơn về các cáo buộc bà này lạm dụng công quỹ của EU để chi trả cho các phụ tá của bà. Bà Le Pen có thể sẽ bị triệu tập tới EP sớm nhất vào tuần tới để giải thích về vụ việc này.

Đáng ngạc nhiên là những thông tin bất lợi kiểu này cũng như dự kiến thời gian triệu tập bà Le Pen nhằm đúng vào thời điểm diễn ra cuộc chạy đua quyết định giữa bà và ông Macron. Bản thân bà Le Pen luôn tố cáo các hoạt động tố tụng chống lại bà là âm mưu chính trị.

Dư luận cũng có quyền nghi ngờ về những lời tố cáo "đúng lúc" có vẻ không hề vô tư và trong sáng của giới chức Pháp, đội ngũ vận động của ông Macron và giới chức châu Âu.

Còn nhớ, ngay sau khi kết quả sơ bộ vòng một được công bố cho thấy ông Macron dẫn đầu còn bà Le Pen về thứ hai, "những người bạn" châu Âu của ông Macron như Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ ông này.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel thậm chí còn trổ tài tiên đoán rằng ông Macron sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Pháp.

Đương kim Tổng thống Francois Hollande trong một thông điệp trên truyền hình ngay sau vòng một cuộc bầu cử đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron. Theo ông Hollande, nước Pháp sẽ rơi vào nguy cơ "trở nên cô lập và bị phá vỡ khỏi EU" nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trở thành Tổng thống.

Những phát biểu và những tuyên bố trên không phạm luật nhưng là sự "can thiệp" rõ ràng nhằm thay đổi quyết định của cử tri Pháp. Trong khi cáo buộc Nga can thiệp thì chính người Pháp và người châu Âu đang làm điều này một cách "trơ trẽn".

Phương Tây tự thú

Trong khi đó, báo chí Pháp cũng tiếp tục loạt bài về sự can thiệp của Nga. Theo tờ L'Obs cho rằng vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp là kịch bản tồi tệ nhất đối với Tổng thống Nga Putin. Trong số 4 ứng cử viên tiềm năng nhất thì có tới 3 người được coi là những "nhân vật ưa thích nhất" của Nga vì có quan điểm ủng hộ và thân Moscow. Thế nhưng lọt vào vòng 2 chỉ còn bà Le Pen.

Chiến thắng của ông Macron, người vốn có quan điểm tăng cường EU và phản đối ý thức hệ dân túy, sẽ là thất bại nặng nề đối với Putin cả trên bình diện quốc tế lẫn trong nước.

Tờ báo Pháp cho rằng Nga đang có các động thái tích cực để công khai ủng hộ Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen mà ngay trước cuộc bầu cử vòng một đã có cuộc gặp gỡ với ông chủ điện Kremlin. Tờ báo này đặt nghi vấn Nga sẽ tiếp tục tiến hành chiến thuật giống như những gì đã làm đối với Donald Trump, bằng cách sử dụng các cơ quan tuyên truyền đối ngoại, hoặc công khai hoặc bí mật, tìm cách can thiệp để bà Le Pen giành thắng lợi hoặc chí ít gieo rắc một sự hoài nghi đối với ứng cử viên Macron.

Các bằng chứng được đưa ra là các cơ quan tuyên truyền của Nga đã theo dõi và đưa tin sát sao cuộc bầu cử vòng một như hãng tin Sputnik hay kênh truyền hình RT bằng tiếng Pháp. Vào tối 23/4, ngày diễn ra bầu cử vòng một, các cơ quan tuyên truyền của Nga chỉ đổ dồn sự chú ý vào bà Le Pen và đảng FN, và đã đưa tin về chiến thắng của bà Le Pen ngay sau 20 giờ (giờ địa phương).

Sau đó, Sputnik chỉ tiến hành phỏng vấn 3 chính trị gia Pháp Philippe Vardon, David Rachline và Gaëtan Dussausaye, những nhân vật thân tín của bà Le Pen. Còn RT chỉ phát một cuộc phỏng vấn duy nhất, đó là cuộc phỏng vấn ông Steeve Briois, Phó Chủ tịch FN.

Tờ L'Obs cũng không quên cảnh báo khả năng sẽ có một "cơn mưa tin thất thiệt" từ các "ổ tung tin thất thiệt" của Nga, thậm chí có một "đòn đánh mạnh" vào ông Macron ngay trước vòng hai.

Tố cáo những chiến thuật của truyền thông Nga, tờ báo Pháp đang tự bóc mẽ chính mình. Truyền thông phương Tây phải chăng luôn đăng tải những thông tin khách quan, không thiên vị, không có chủ ý nhằm vào Nga?