BUK misssile system
Hệ thống tên lửa phòng không Buk
Syria mua gấp vũ khí


Thông tin về việc Syria phải đàm phán gấp với Nga về việc mua hệ thống phòng không tối tân được đích thân Tổng thống Bashar al-Assad cho biết trong cuộc phỏng vấn với kênh Telesur của Venezuela hôm 27/4. "Lẽ đương nhiên là chúng tôi nên có những hệ thống phòng thủ như vậy", ông Bashar al-Assad tuyên bố.

"Chúng tôi đang đàm phán với phía Nga để tăng cường sức mạnh của hệ thống phòng thủ, nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Không quân Israel hay tên lửa Mỹ. Điều này đã trở thành một khả năng thực sự sau cuộc tấn công gần đây của Mỹ nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở Syria", Tổng thống Assad.

Tuyên bố trên của Tổng thống Assad được đưa ra cùng ngày Syria cáo buộc Israel phóng tên lửa vào căn cứ quân sự ở gần sân bay quốc tế của Syria vào sáng 27/4.

Trước khi ông Assad công khai thông tin này, ông Viktor Ozerov, Chủ tịch Ủy ban về Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga cho biết. "Chúng ta có thể cung cấp các hệ thống phòng không cho Syria dựa trên cơ sở ưu tiên, do vậy, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ không phải nhận thêm gánh nặng nào.

Cũng không có gì đặc biệt đối với sự hỗ trợ như vậy cả, vì Syria đang ở trong cuộc chiến với những kẻ khủng bố, và Nga giúp họ chống lại khủng bố.

Làm như vậy không vi phạm các chuẩn mực của pháp lý quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các hệ thống phòng không không phải là vũ khí tấn công mà là trang bị phòng thủ", ông Viktor Ozerov nhấn mạnh.

Dù tuyên bố về khả năng cấp vũ khí phòng không cho Syria nhưng ông Viktor Ozerov không cho biết đó là hệ thống nào, tuy nhiên theo nhận định của trang Southfront, rất có thể vũ khí dang được Nga tính đến là phiên bản hiện đại nhất Buk-M3.

Không cần vũ khí tầm cao

Theo Southfront, việc tính đến phương án Buk-M3 do đặc tính chuyên trị chiến đấu cơ và tên lửa hành trình của hệ thống phòng không này. Một số thông tin rò rỉ cho biết, cấu trúc của mỗi tổ hợp tên lửa Buk-M3 cũng giống như các biến thể Buk trước đó, bao gồm xe chỉ huy, xe radar, xe vận chuyển-phóng tự hành và xe phóng chấp hành kiêm tiếp đạn.

Tuy nhiên, Buk-M3 vượt trội hơn những phiên bản trước không chỉ nhờ tầm bắn xa hơn của tên lửa mà còn ở khả năng mang được nhiều tên lửa hơn trên bệ phóng cùng với khả năng phát hiện và theo dõi đồng thời 36 mục tiêu bay.

Về đạn tên lửa, Buk-M3 sử dụng loại đạn tên lửa 9M317M, biến thể hiện đại hóa của tên lửa 9M317, được Viện nghiên cứu khoa học NIIP phát triển cho cả lục quân và hải quân Nga.

Tên lửa 9M317M được bắt đầu được phát triển từ những năm 2000 và lần đầu tiên được giới thiệu tại cuộc triển lãm quốc tế Defendory International 2006 ở Hy Lạp, có tầm phóng được nâng lên tới 70km, độ cao 35km, với vận tốc siêu thanh gần Mach 10.

Đạn 9M317M sử dụng nhiên liệu rắn, có chiều dài 5,08 m, đường kính 0,36 m và sải cánh 0,82 m. Tên lửa có khả năng tiêu diệt mục tiêu bay với tốc độ tối đa 3.000m/s (10.800km/h, tương đương gần Mach 10), ở cự ly xa đến 2,5-70km và độ cao từ 15m tới 35km.

9M317M được lắp đầu tự dẫn đa chế độ gồm chế độ quán tính có hiệu chỉnh vô tuyến pha giữa và radar di động doppler chủ động ở pha cuối. Nó có đầu đạn nặng 62kg, áp dụng phương thức nổ cận đích, tạo chùm mảnh định hướng để tăng xác xuất tiêu diệt mục tiêu trong môi trường bị nhiễu mạnh.

Trong trường hợp được Nga chấp thuận bán Buk-M3, Syria tin rằng những trận không kích của Israel hay những quả tên lửa hành trình Mỹ sẽ không thể xâm nhập vào không phận của Damascus.

Tuy nhiên, ngoài Buk-M3, truyền thông Nga cho rằng, hệ thống Pantsir-S1 cũng đang được Moscow cân nhắc để cung cấp cho Syria.