Cambodia
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông báo sẽ cắt viện trợ phát triển dành cho Campuchia về mức bằng không từ năm 2018. Thông báo này được nhật báo Phnom Penh Post dẫn lại.

Giới phân tích cho rằng việc cắt viện trợ phát triển dành cho Campuchia cho thấy Mỹ đã giảm sự chú ý đối với quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời là dấu hiệu cho phép Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Campuchia.

Sok Chomroen, Giám đốc điều hành tổ chức KHANNA phụ trách về phòng chống lây nhiễm AIDS, cho biết hồi đầu tháng 2 vừa qua, tổ chức này đã được USAID thông báo sẽ cắt mọi viện trợ về tài chính kể từ năm 2018. Trong khi đó, năm 2016, viện trợ của Mỹ dành cho Campuchia là 34,4 triệu USD.

Cùng thời điểm, Bộ Ngoại giao Campuchia thông báo với Mỹ về việc nước này sẽ ngừng tiếp nhận các tội phạm Mỹ gốc Campuchia và mong muốn sửa đổi hiệp định song phương về trục xuất tội phạm đã áp dụng suốt 15 năm qua. Thông tin này đã được phía Campuchia chuyển tới ông W. Patrick Murphy, Phó Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương khi có chuyến thăm và làm việc tại Campuchia.

Ngày 27/4, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đã kêu gọi Mỹ đàm phán lại thỏa thuận trên, trong đó có điều khoản quy định công dân Campuchia định cư lâu dài tại Mỹ sẽ bị Washington trục xuất nếu mang trọng tội. Thủ tướng Campuchia khẳng định Phnom Penh không muốn bãi bỏ thỏa thuận này mà chỉ muốn đề xuất sửa đổi vì "những lý do nhân đạo và nhân quyền".

Kể từ khi thỏa thuận trên có hiệu lực hồi năm 2002, khoảng 550 tội phạm Campuchia đã bị trục xuất khỏi Mỹ, song nhiều người trong số đó thậm chí không thể nói tiếng Campuchia. Thỏa thuận này thời gian qua cũng đã vấp phải sự chỉ trích của cả người dân Campuchia và cộng đồng người Campuchia tại Mỹ.

Trong khi đó trang Diễn đàn Đông Á cho biết Chính phủ Campuchia mới đây cũng một lần nữa kêu gọi Mỹ xóa 500 triệu USD tiền nợ. Trong những năm 1970 của thế kỷ trước, Chính phủ Campuchia đã vay khoảng 270 triệu USD để mua thực phẩm. Khoản nợ này cho đến nay chưa được thanh toán và bây giờ nó đã tăng lên đến 500 triệu USD.

Con số này tương đương với 15% ngân sách quốc gia năm 2016 của Campuchia và chiếm khoảng 50% tổng số viện trợ mà nước này nhận được từ Mỹ kể từ khi thiết lập hòa bình năm 1991.

Phía Campuchia lập luận rằng đây là khoản nợ "bẩn" và cho rằng Chính phủ Lon Nol, lên nắm quyền tháng 3/1970 thông qua một cuộc đảo chính do Mỹ hậu thuẫn, đã vay tiền để mua vũ khí chống lại Khmer Đỏ trong cuộc nội chiến những năm 1970 của thế kỷ trước.

Campuchia cho rằng họ xứng đáng được xóa nợ vì trong khoảng thời gian từ tháng 3/1969 đến tháng 8/1973, Mỹ đã tiến hành ném bom bất hợp pháp tại đất nước này. Trong thời gian đó, máy bay chiến đấu của Mỹ đã thả hơn 500.000 tấn thuốc nổ vào các làng mạc của Campuchia khiến hơn 500.000 người thiệt mạng.

Hơn nữa, các chiến dịch ném bom bí mật và cuộc đảo chính do Mỹ hỗ trợ đã tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ giết chết gần 2 triệu người Campuchia từ năm 1975 đến năm 1979.

Trong khi Mỹ vẫn chần chừ trong vấn đề xử lý nợ cho Campuchia thì quốc gia Đông Nam Á này ngày càng gần gũi hơn với Trung Quốc. Campuchia ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế.

Năm 2015, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đạt 857 triệu USD, chiếm khoảng 61,1% tổng vốn FDI của Campuchia. Viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia lên tới 320 triệu USD vào năm 2015, chiếm khoảng 30% tổng số viện trợ nước này nhận được.

Trung Quốc cũng được hưởng những lợi ích chiến lược từ các mối liên kết chặt chẽ hơn với Campuchia. Năm 1997, Campuchia đã đóng cửa văn phòng đại diện của Đài Loan (Trung Quốc) tại Phnom Penh.

Năm 2010, Campuchia trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ và công dân Trung Quốc về nước.

Tháng 7/2016, Campuchia đã ngăn chặn tài liệu tham khảo trong một tuyên bố ASEAN về phán quyết của Tòa trọng tài Liên hợp quốc chống lại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng Biển Đông.

Dữ liệu từ Hội đồng Phát triển Campuchia cho thấy Mỹ đã cấp 1,13 tỷ USD cho Campuchia kể từ năm 1992. Tuy nhiên, dù Mỹ có hào phóng bao nhiêu đi chăng nữa thì Mỹ vẫn sẽ phải xóa nợ cho nước này nếu muốn lấy lại ảnh hưởng.

Trong trường hợp bị Mỹ cắt viện trợ, Campuchia vẫn có thể tiếp cận vốn nước ngoài, chủ yếu là từ Trung Quốc. Ngoài ra, Campuchia cũng vay mượn từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nếu không nhượng bộ, Mỹ sẽ đẩy Campuchia sâu hơn vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.

Sự kiện mới đây nhất là một đơn vị Hải quân Mỹ chuyên trách các công tác nhân đạo đã bị buộc phải rời khỏi Campuchia, bỏ lại dở dang một loạt dự án phục vụ cộng đồng trị giá gần 1 triệu USD, trong đó có cả một công trình xây dựng kho thiết bị y tế hàng trăm nghìn USD.

Theo phó phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ, ông David Josar, một buổi lễ chia tay đơn vị Hải quân Seabees đã được tổ chức tại Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh ngày 3/4.

Các lực lượng quân sự Mỹ liên tục bị buộc phải rời khỏi Campuchia trong nhiều tháng qua, kể cả việc hủy bỏ các cuộc tập trận chung giữa hai bên. Cuộc tập trận hàng năm "Người gác đền Angkor" đã bị hủy hồi tháng 1/2017 cho đến ít nhất là năm 2019, trong khi đó cuộc luyện tập quân sự với Hải quân Mỹ cũng bị hủy bỏ.

Phía Campuchia giải thích sự thay đổi đó là cần thiết nhằm bảo đảm an ninh cho các cuộc bầu cử xã-phường vào đầu tháng 6/2017 và Quốc hội vào năm 2018.

Giới phân tích cho rằng Campuchia tạo khoảng cách về hợp tác quân sự ngày càng lớn với các nước phương Tây là nhằm hướng tới sự trợ giúp quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ồ ạt trợ giúp viện trợ và trang thiết bị quân sự cho Campuchia mà không kèm theo các điều kiện như các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ.