GMO apples, GMO promotions schools
Tin chúng tôi đi. GMO là tốt đấy...
Tháng 5 năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo rất được chờ đợi về các loại cây trồng biến đổi gen. Bản báo cáo tổng kết khoa học này, được công bố công khai trên toàn thế giới - kể cả trên tờ Le Monde - đã kết luận rằng không có nguy cơ về sức khỏe và môi trường từ các loại cây biến đổi gen được thương mại hóa, nhưng lại nhấn mạnh đến sự thiếu vắng các lợi ích về lợi nhuận.

Liệu văn bản đó có được viết ra một cách hoàn toàn độc lập không? Câu hỏi được tập san PLoS One đặt ra, trong ấn bản mới nhất của họ, khi công bố một nghiên cứu cho thấy sự tồn tại của những xung đột lợi ích trong chính ủy ban các chuyên gia đã từng phối hợp viết bản báo cáo [của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ]. Theo Sheldon Krimsky (thuộc Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts) và Tim Schwab (thuộc tổ chức phi lợi nhuận Food & Water Watch), thì có gần một phần ba trong số 20 tác giả chính của bản báo cáo có quan hệ tài chính với các công ty về công nghệ sinh học. Các mối quan hệ này đã không được nhận diện hoặc công bố công khai.

Việc tính trung thực của một văn bản có xuất xứ từ một định chế có uy tín bị một tập san học thuật đặt thành vấn đề là điều rất hiếm thấy. "Chúng tôi đã chọn xem xét bản báo cáo này bởi vì đó là một trong những bản báo cáo toàn diện nhất chưa từng được công bố về công nghệ sinh học trong nông nghiệp, một chủ đề thu hút những cuộc tranh luận dữ dội trong công chúng, và bởi vì Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ lâu nay đã có một chính sách quản lý xung đột lợi ích," Tim Schwab và Sheldon Krimsky đã viết như trên.

"Độ chênh tài trợ"

Rất nhiều công trình được công bố trong những thập niên gần đây trong các tài liệu khoa học, đã làm rõ điều mà các nhà nghiên cứu gọi là "độ chênh tài trợ". "Những công trình này chỉ ra rằng một nghiên cứu được một công ty tư nhân tài trợ có xu hướng tạo ra những kết luận có tính thuận lợi hơn cho lợi ích của nhà tài trợ so với những nghiên cứu được tiến hành dựa trên kinh phí công, theo lời tóm lược của các tác giả. Hiện tượng này liên quan đến việc thu thập dữ liệu cũng như việc việc diễn giải kết quả.

"Tim Schwab và Sheldon Krimsky vì vậy đã sàng lọc các nguồn mở - bản kê khai lợi ích phụ đính vào các bài báo khoa học, bản sơ yếu lý lịch, cơ sở dữ liệu của các bằng sáng chế, v.v.. Theo nghiên cứu của họ, 6 thành viên trong một hội đồng 20 nhà khoa học được Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ triệu tập đã được các công ty có liên quan đến ngành công nghệ sinh học thực vật tài trợ cho các công trình nghiên cứu của họ, trong vòng ba năm trước khi bản báo cáo được công bố. Có nghĩa là gần một phần ba tổng số các thành viên của hội đồng.

Trong số các nhà khoa học nói trên, có 5 người có bằng sáng chế về sinh vật biến đổi gen (GMO [Genetically Modified Organisms]) phục vụ nông nghiệp, hoặc về các phương pháp tạo ra các sinh vật [biến đổi gen] như vậy. Trong số các quan hệ lợi ích được hai tác giả làm sáng tỏ, không có nhà khoa học nào liên quan đến những công ty không ủng hộ sự phát triển của các công nghệ sinh học thực vật (các công ty liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, ví dụ).

Ngoài ra, bản thân định chế cũng nằm trong hoàn cảnh xung đột tài chính. Vào năm 2014, năm đầu của các công trình giám định, các nhà nghiên cứu lưu ý là có "ba công ty chính về công nghệ sinh học thực vật (Monsanto, Dow và DuPont), mỗi công ty đã trao 5 triệu USD [4,7 triệu euro] cho Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ." "Một số các khoản hiến tặng đó đã được dành cho các dự án của Viện Hàn lâm và liên quan đến ngành công nghệ sinh học, Tim Schwab và Sheldon Krimsky cho biết thêm. Điều này bao gồm một cuộc hội thảo vào năm 2015, do Viện Hàn lâm tổ chức về các hoạt động truyền thông khoa học công nghệ sinh học thực vật cho công chúng." Vả lại, cuộc hội thảo nói trên cũng được đồng tổ chức bởi Chủ tịch của nhóm các chuyên gia được Viện hàn lâm triệu tập để viết bản báo cáo nổi tiếng như đã nói.

Sự bối rối

Chưa hết: Tim Schwab và Sheldon Krimsky đã tàn nhẫn nói thêm rằng việc tài trợ cho cuộc hội thảo nói trên đã không được công bố trong suốt thời gian diễn ra sự kiện, nhưng chỉ được Viện Hàn lâm công bố trong một báo cáo sau đó vài tháng. Viện Hàn lâm đã không trả lời các câu hỏi của Le Monde. Ranh mãnh, hai ông Krimsky và Schwab nói thêm rằng tập san khoa học có uy tín được định chế đáng kính xuất bản, Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS [Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia]), đã khẳng định trong chính sách quản lý xung đột lợi ích rằng những nhà khoa học nào công bố các công trình của mình mà "một cách cố tình hoặc bất cẩn, quên bộc bạch những xung đột lợi ích của mình," có thể bị cấm phát hành [công trình] trên tập san trong một thời gian nhất định.

Vụ việc càng làm cho Viện Hàn lâm Khoa học lúng túng hơn khi một dự án giám định khác, về những kỹ thuật công nghệ DNA mới (chẳng hạn như Crispr-Cas9, ví dụ), cũng là tâm điểm của một cuộc tranh cãi - cũng vì những nguyên nhân xung đột lợi ích không được khai báo. Vụ việc đã được tờ New York Times tiết lộ vào cuối tháng 12 năm 2016, cho thấy là 7 trong số 13 nhà nghiên cứu được Viện Hàn lâm tuyển chọn để thẩm định đề tài có xung đột lợi ích tiềm tàng.

"Hơn nữa, một nhân viên của Viện Hàn lâm, người đã đóng góp vào việc tuyển chọn các nhà khoa học tham gia vào nhóm các chuyên gia, đang phải tìm một việc làm mới khi đưa ra những khuyến nghị của mình, tờ nhật báo Mỹ viết. Ba trong số 13 người được khuyến nghị - cuối cùng tất cả đều được tuyển chọn - là thành viên hội đồng quản trị của đơn vị mới tuyển dụng anh ấy, một quỹ mới nghiên cứu về công nghệ sinh học."

Về những công nghệ đó, hai ông Schwab và Krimsky nhắc lại, vấn đề về tính khách quan của sự giám định càng lớn khi nó dựa vào những nghiên cứu mà bản thân chúng đôi khi được tài trợ bởi các lợi ích tư nhân. Trong một bài viết điểm qua có phê phán các tài liệu chuyên ngành xuất bản vào tháng 12, Denis Bourguet, Eric Lombaert và Thomas Guillemaud, ba nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (INRA), đã chỉ ra rằng tuyển tập các nghiên cứu được công bố trong các tài liệu học thuật về tính hiệu quả và/hoặc tính bền vững của các loại cây trồng biến đổi gen thuộc loại Bt (mang tính đề kháng với sâu bệnh) có một độ chênh tài trợ đáng kể.

"Chúng tôi làm rõ rằng sự liên kết giữa các nhà nghiên cứu với ngành công nghệ sinh học thực vật là một việc thông dụng, với 40% các nghiên cứu [được xem xét] có xung đột lợi ích, ba nhà nghiên cứu người Pháp đã viết như trên. Đặc biệt, chúng tôi làm rõ một thực tế là, so với những nghiên cứu không có xung đột lợi ích, thì các nghiên cứu có những liên kết như vậy đều đưa ra những kết luận thuận lợi cho lợi ích của các công ty công nghệ sinh học với một tần số cao hơn 50%."

Dịch bởi Huỳnh Thiện Quốc Việt / Phân Tích Kinh Tế