The Crimeans
© UnknownNgười dân Crimea
Trong loạt phóng sự thực hiện bộ phim về Tổng thống Nga Vladimir Putin, đạo diễn người Mỹ Oliver Stone đã đặt câu hỏi về ảnh hưởng của Nga trong việc sáp nhập bán đảo Crimea.

Câu trả lời của Tổng thống Putin hẳn khiến nhà đạo diễn của quốc gia dân chủ hài lòng.

"Đó không phải là chúng tôi quyết định trở lại Crimea mà những người sống ở Crimea quyết định thống nhất với nước Nga. Quốc hội ở đó được bầu theo pháp luật Ukraine, Quốc hội hợp pháp của Crimea đã công bố về cuộc trưng cầu dân ý. Và Quốc hội Crimea bỏ phiếu về việc gia nhập với Nga theo thế áp đảo" - ông Putin nhắc lại.

Về điều kiện để người dân được đi bỏ phiếu, ông Putin khẳng định, Nga không tìm cách nào để can thiệp.

"Chúng tôi không có bất kỳ hoạt động chiến sự nào ở đó, không ai nổ súng, không ai bị giết" - Tổng thống Putin khẳng định.

Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, sau khi Crimea trở thành một phần chính thức của Nga, mối quan hệ của Nga với khu vực này hoàn toàn thay đổi và "nếu chúng tôi thấy mối đe dọa nào đó đối với lãnh thổ của mình thì chúng tôi sẽ bảo vệ nó bằng tất cả các phương tiện mà chúng tôi có" - ông Putin nhấn mạnh.

Trước đây, Tổng thống Putin cũng xuất hiện trong một bộ phim để nhắc về việc Nga đã tác động tới bán đảo Crimea như thế nào để sự kiện trưng cầu dân ý năm 2014 diễn ra thuận lợi mà không dùng tới một viên đạn hay một giọt máu nào.

Kênh truyền hình Nga "Rossia-1" đã cho công chiếu bộ phim tài liệu "Crimea, Con đường trở về tổ quốc" của đạo diễn A.Kondrashov dẫn các cuộc phỏng vấn của Tổng thống Putin tường thuật lại diễn biến cuộc sáp nhập lịch sử này.

Tổng thống Putin kể lại, ở thời điểm đó, các sự kiện liên quan đến đảo chính ở Ukraine bắt đầu diễn ra, nhà lãnh đạo Nga mới nghĩ ngay đến những người Nga sống ở Crimea có thể bị nguy hiểm.

Ông khẳng định, những việc Nga làm ở Crimea chỉ là hỗ trợ và tạo cơ hội "cho người dân được thể hiện quan điểm của mình về việc họ sẽ sống tiếp theo như thế nào" chứ không hề nghĩ tới việc tách bán đảo này khỏi Ukraine theo một kế hoạch nào.

Tổng thống Nga kể tiếp: "Việc đầu tiên tôi làm là giao cho Văn phòng Tổng thống bí mật tiến hành một cuộc thăm dò dư luận về quan điểm của người dân Crimea, thái độ của họ đối với khả năng sát nhập vào Nga. Kết quả là, số người muốn sát nhập vào Nga chiếm tới 75% dân chúng".

Từ đó, ông quyết định tiến hành chiến dịch nhằm sáp nhập Crimea mà không được phép đổ máu.

Lúc đó tại Crimea đang có hơn 20.000 quân nhân Ukraine, được vũ trang rất tốt. Để có thể phong tỏa và tước vũ khí 20.000 quân nhân này, cần phải có một sự lựa chọn lực lượng nhất định, những chuyên gia biết làm việc này.

Do vậy, ông đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng mượn cớ tăng cường bảo vệ các căn cứ quân sự Nga ở Crimea để điều đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo quân sự (GRU), lực lượng lính thủy đánh bộ và lính đổ bộ đường không tới Crime.

Ban đầu, Nga đã làm mọi cách để họ các đơn vị Quân đội Ukraine không thể sử dụng được các phương tiện liên lạc chuyên dụng riêng mà buộc phải sử dụng các loại phương tiện liên lạc công khai. Khi đó, Nga hoàn toàn nắm được toàn bộ các cuộc nói chuyện trong lực lượng Ukraine và tinh thần hoảng loạn của các binh sĩ, chỉ huy của họ.

Các cựu chiến binh Ukraine cũng đã góp công sức vào quá trình thuyết phục một vị tư lệnh Ukraine chạy sang phía chính quyền ở Crimea.

"Phải nói rằng những người Ukraine xử sự rất đàng hoàng - họ là những quân nhân. Họ đã cố trung thành với lời tuyên thệ. Nhưng không hiểu là họ tuyên thệ với ai? Quốc gia thì gần như không còn nữa.

Tổng thống bị lật đổ. Còn ông ấy (Tổng thống Ianukovich), nói gì thì nói, vẫn là Tổng tư lệnh tối cao hợp pháp của Các lực lượng vũ trang. Thế thì ai sẽ ra lệnh? Đó là những người mới cướp chính quyền chăng? Hoàn toàn không phải là những người chính thống có phải không?" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Tình huống ấy khiến việc ổn định tinh thần và đảm bảo chuyển giao lực lượng ở bán đảo Crimea diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh đó, ông Putin cũng nhắc tới người Tatar ở Crimea. Đối với họ, một tình huống sát nhập Crimea là không thật sự thoải mái. Song Tổng thống Nga cho rằng, hóa giải những mâu thuẫn giữa dân tộc Tatar với những người Ukraine ở bán đảo này là trách nhiệm của Nga khi đã hoàn tất việc sáp nhập.

"Tất cả họ hiện nay đều là công dân Liên Bang Nga" - ông nói.

"Mọi việc đã diễn ra trôi chảy. Ai đó có cảm giác là tôi không muốn nhận trách nhiệm của mình về vụ sáp nhập vì sau khi ra các mệnh lệnh cần thiết thì trong khoảng 20h đồng hồ, tôi không liên lạc với Bộ Quốc phòng. Nhưng đó là tôi phải xử lý các vấn đề khác của một Tổng thống.

Đấy là một chiến dịch khó khăn. Nhưng đã không hề có một trục trặc nào trong suốt chiến dịch" - Tổng thống Putin kết luận.