Vietnam high school exam 2017
Đưa ra đánh giá qua Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã cơ bản đạt được những mục tiêu đổi mới thi, tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.

Chiều 24-6, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo thông báo kết thúc công tác coi thi Kỳ thi THPT quốc gia 2017 với sự chủ trì của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trưởng Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2017.

Kỳ thi năm nay có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi; huy động gần 90.000 cán bộ tham gia; trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ là gần 40.000 người.

Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội chiếm hơn 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi; có 514.084 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, chiếm hơn 59%, năm 2016 trở về trước, tỷ lệ này là chưa đến 15%.

Trong các buổi thi, tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt hơn 99%. Số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong đợt thi có 72 thí sinh bị đình chỉ, năm 2016 con số này là 328 thí sinh. Cả đợt thi có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, Kỳ thi đã được tổ chức thành công, thể hiện trong công tác đổi mới cách thức tổ chức thi và phương thức thi, công tác phối hợp giữa các sở GD-ĐT và trường ĐH, CĐ.

"Công tác tổ chức thi theo cách thức mới đã đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, công bằng" - Thứ trưởng Bùi Văn Ga tổng kết tại buổi họp báo.

Thứ trưởng cho biết, việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh/thành phố do sở GD-ĐT địa phương chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp là một đổi mới căn bản về cách thức tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực trong bối cảnh xã hội chưa thật sự tin tưởng sự khách quan, công bằng của các kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức tại địa phương trước đây.

Các điểm thi trường/liên trường phổ thông đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, nên tạo được tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài đạt kết quả cao nhất; thời gian thi được rút ngắn giúp thí sinh đỡ vất vả và công tác tổ chức thi nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, Kỳ thi hầu như không gây áp lực nào lên cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại ở các thành phố lớn. Do thí sinh không phải lên thành phố lớn nơi có các trường ĐH để dự thi như trước đây nên không tạo ra sự quá tải về đi lại, lưu trú. Trong những ngày thi mọi hoạt động ở các thành phố lớn diễn ra như bình thường, khác với cảnh giao thông ùn tắc, đi lại hối hả như trước đây...

Việc đổi mới cách thức tổ chức và phương thức thi cùng với sự phối hợp hiệu quả giữa các sở GD-ĐT và trường ĐH, CĐ đã bảo đảm tính khách quan, trung thực của kỳ thi, tạo được niềm tin của xã hội về tính công bằng của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh.

Việc số lượng thí sinh chọn bài thi Khoa học Xã hội cao hơn bài thi Khoa học tự nhiên cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm đã tác động đối với quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình; làm cho các môn khoa học xã hội trở nên gần gũi hơn đối với thí sinh.

"Đổi mới phương thức thi và nội dung câu hỏi thi đã giúp thí sinh tăng cường tự học, tự hệ thống kiến thức, phát huy năng lực sở trường, phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW. Cũng nhờ đó việc dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan đã từng gây bức xúc không nhỏ trong dư luận xã hội hầu như đã chấm dứt hoàn toàn" - Thứ trưởng đưa ra nhận định.

Từ những kết quả trong đổi mới thi, tuyển sinh đạt được, Bộ GD-ĐT khẳng định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được giữ ổn định về cơ bản cho những năm sắp tới.