Iran Turkey flags
Quan hệ Thổ - Iran một năm sau đảo chính

Ngày 15 tháng 7 năm nay là kỷ niệm một năm kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn được âm mưu đảo chính lật đổ Tổng thống Erdogan của một nhóm tướng lĩnh quân sự.

Trước ngày lịch sử này, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran Reza Hakan Tekin đã họp báo và ghi nhận rằng "Thổ Nhĩ Kỳ vô cùng biết ơn sự ủng hộ của Iran trong đêm xảy ra âm mưu đảo chính. Đây là tình bạn chân chính và chúng tôi cũng ủng hộ Iran".

Mối quan hệ giữa Ankara và Tehran trước ngày 15 tháng 7 năm 2016 đã trải qua sự căng thẳng nghiêm trọng.

Ngoài các nước Ả rập đối lập về hệ tư tưởng Hồi giáo (dòng Shia và dòng Sunni) như Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE),.., Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nước chống Iran quyết liệt nhất. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi theo nghĩa đen chỉ qua một đêm.

Trong cuộc trò chuyện với Sputnik, chuyên gia độc lập của Iran về vấn đề Trung Đông là ông Farzad Ramazani Bonesh cho rằng, nếu không được Nga và cả Iran ủng hộ, cuộc khủng hoảng nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây nguy hiểm cho toàn bộ khu vực.

Về mặt an ninh, Iran đã lường đến những rủi ro và hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với khu vực, nếu cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái thực sự đã thành công. Khi đó, không chỉ đối với Iran mà cả cơ cấu an ninh khu vực Trung Đông có thể sẽ phải cấu trúc lại với một chính quyền mới ở Ankara.

Nếu cuộc đảo chính thành công, chính quyền mới thân phương Tây chắc chắn vẫn sẽ không nới lỏng tay với Tehran. Do đó, bất chấp một số khác biệt nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran là một trong những quốc gia đầu tiên đã bày tỏ sự ủng hộ với Tổng thống Erdogan.

Sau âm mưu đảo chính thất bại, quan hệ giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện đáng kể, mà nguyên nhân chính là do chính quyền Tehran đã đi những bước đầu tiên đúng hướng.

Theo chuyên gia Farzad Ramazani Bonesh, sự hỗ trợ của Iran cho những người ủng hộ Erdogan đã buộc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phải sửa đổi một số quan điểm của mình về Iran.

Erdogan nhận ra rằng, nhiều nước (đặc biệt là Ả Rập) sẽ ủng hộ cuộc đảo chính và lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vì lợi ích của họ. Trong khi đó, những nước mà nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trước nay vẫn đối đầu kịch liệt là Iran và Nga, lại lên án âm mưu đảo chính và ủng hộ ông ta.

Nỗ lực của Nga và Iran đã dẫn đến thực tế rằng trong vấn đề Iraq và khủng hoảng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhượng bộ và sửa đổi chính sách đối ngoại hiếu chiến của mình.

Quan hệ Thổ - Iran đang dần ấm lên

Trong thời gian gần đây, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang có những dấu hiệu nồng ấm, biểu hiện cụ thể trong vấn đề Syria và cuộc khủng hoảng Qatar trong thời gian vừa qua.

Hồi đầu tháng 5 vừa qua, trong khuôn khổ vòng đàm phán hòa bình ở thủ đô Astana của Kazakhstan; Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã đứng ra bảo lãnh giúp chính quyền Damascus và phe đối lập Syria đạt được thỏa thuận về các khu an toàn (safe-zones).

Theo đó, đã có 4 khu vực an toàn được thiết lập ở tỉnh Idlib; khu vực phía bắc thành phố Homs; ở Đông Ghouta gần Damascus và khu vực phía Nam Syria, giáp với biên giới Israel và Jordan, bắt đầu có hiệu lực vào lúc 21h00 giờ GMT ngày 6/5/2017.

Theo kế hoạch, các lực lượng chính phủ và các nhóm chiến binh trong các khu vực này sẽ tham gia vào cuộc ngừng bắn, tất cả các vụ đụng độ trong các khu vực an ninh sẽ bị ngăn chặn. Có ít nhất 42.000 chiến binh hiện diện trong các vùng an toàn này.

Cho đến nay, ngoại trừ khu vực phía Nam Syria có những biến động rất lớn để cần đến thỏa thuận ngừng bắn mới do Nga-Mỹ khởi xướng, còn 3 khu vực khác cơ bản là rất ổn định. Điều này cho thấy Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã làm việc với nhau rất tốt, bên cạnh Nga.

Việc Syria lập 4 vùng thu hẹp xung đột và ngừng bắn với các nhóm phiến quân đối lập được cho là mưu kế giúp các lực lượng chính phủ Syria đồn trú ở Deir Ezzor thêm vững tâm, đồng thời SAA cũng yên tâm mở chiến dịch lớn để giải vây cho thành phố này từ tay IS.

Sự kiện thứ 2 cho thấy sự xích lại gần nhau của Thổ Nhĩ Kỳ và Iran là qua sự kiện Qatar bị gần 10 nước Hồi giáo và Ả rập bao vây, cô lập. Điều đáng ngạc nhiên là Ankara và Tehran chính là 2 chỗ dựa quan trọng nhất cho chính quyền Doha trong thời gian qua.

Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vừa lên tiếng cam kết bảo vệ Qatar, vừa điều quân đến trợ giúp; đồng thời 2 nước này còn cung cấp viện trợ; mở không phận cho máy bay Qatar bay qua; điều tàu chiến bảo vệ hành lang vận chuyến đến các hải cảng của nước này.

Chính những sự trợ giúp quý báu này đã khiến Qatar vẫn vững vàng trong vòng vây của liên minh Ả rập do Saudi Arabia đứng đầu, khiến chính liên minh này đã phải xuống nước, từ bỏ yêu cầu khắt khe ban đầu về việc phải đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera.

Mặc dù còn quá sớm để nói về một quan hệ đồng minh khăng khít giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhưng đây là những dấu hiệu rất đáng mừng. Hy vọng là với sự trung gian điều hòa của Nga, 2 nước này sẽ từ bỏ con đường đối địch, góp phần tích cực mang lại hòa bình, ổn định ở khu vực Trung Đông.