Zerstörung Donbass
© Sputnik/ Dan LevyCảnh hoang tàn dễ bắt gặp ở miền đông Ukraine
Pháo kích hàng ngày

Ba năm sau kể từ khi cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine bùng phát, Tổng thống Petro Poroshenko vẫn đang loay hoay trong chính sách khi do dự giữa việc thiết lập một sự phong tỏa cứng rắn và việc tái lập các mối liên hệ kinh tế được kiểm soát. Về phía Donbass, người dân tự tổ chức cuộc sống trong khi dự liệu về khả năng có can thiệp quân sự.

Các cuộc giao tranh thường xuyên cùng các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine đang khiến người dân Donbass càng ngày càng coi Kiev như "kẻ thù".

Phóng viên của tờ Le Monde diplomatique đi thực tế cho biết như mọi khu vực vành đai của thành phố Donetsk, khu phố Kievsky đầy những dấu vết của cuộc xung đột chống lại Chính quyền Kiev của lực lượng đòi độc lập Donbass. Các tòa nhà bị thổi bay và các mặt tiền lỗ chỗ vết đạn cho thấy mức độ căng thẳng của một cuộc chiến đã khiến gần 10.000 người thiệt mạng kể từ tháng 4/2014.

Tờ báo Pháp dẫn lời một người dân Donetsk tên là Sacha đang mở một lối đi qua những miệng hố trên con đường của khu phố, than thở: "Đến gần đây, tôi cũng không nghĩ rằng quân đội của chúng tôi lại có thể bắn phá ngay trên đầu chúng tôi!".

Trong khi cả hai phe thống kê số người thiệt mạng, thì triển vọng của việc tái hòa nhập "Các nước cộng hòa nhân dân" tự xưng Donetsk (DNR) và Lugansk (LNR) về lại dưới quyền quản lý của Kiev tỏ ra xa vời. Tại các vùng lãnh thổ đòi độc lập ở Donbass, cuộc sống vẫn tiếp tục và xa lạ với thủ đô Kiev.

DNR không được các nước thành viên của Liên hợp quốc, kể cả Nga, công nhận sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 11/5/2014. Tuy nhiên, DNR đã thể hiện sự bền bỉ.

Một ngôi trường mang số hiệu 61 trong khu phố Kievski hiện vẫn hoạt động với 665 học sinh so với 800 học sinh trước chiến tranh. Tại sảnh chính ngay lối vào trường là những bức ảnh của các cựu chiến binh và những người đã hy sinh trong suốt chiến chống phát xít Đức (1941-1945). Đáng chú ý, bên cạnh còn có một số hình ảnh gương mặt trẻ của lực lượng tự vệ bị thiệt mạng trong cuộc xung đột gần đây.

Theo phóng viên của Le Monde diplomatique, trong trung tâm thành phố Donetsk, những đôi tình nhân tay trong tay đi tản bộ, những đứa trẻ đạp xe ba bánh chơi trong công viên.

Trên một số bức tường, những chỉ dẫn về "nơi trú ẩn" theo sau một mũi tên không cho thấy một bầu không khí hòa bình thực sự. Những tiếng súng, tiếng nỗ vẫn thường xuyên được nghe thấy rất gần. Từ đầu năm nay, người ta ghi nhận sự gia tăng các vụ đối đầu liên quan đến việc phong tỏa thương mại giữa Kiev và các khu vực ly khai.

Mùa Đông vừa qua, căng thẳng đã tập trung xung quanh nhà máy xử lý nước Iassinovataia, ở ngoại ô Donetsk, bị quân đội Ukraine chiếm lại từ ngày 27/2.

Ban đêm, đường phố vắng tanh. Lệnh giới nghiêm cấm dân thường đi lại từ 23 giờ tối đến 6 giờ sáng, để lại những tiếng nổ chỉ của lực lượng làm chủ thành phố. Buổi sáng, hoạt động của ô tô và xe buýt khuấy động các con phố, khiến không ai nghĩ có những vụ đụng độ hôm qua.

Đến giờ ăn trưa, các quán cà phê đông kín các sinh viên, cả nam và nữ. Mắt dán vào màn hình điện thoại, họ tranh thủ giờ nghỉ trước khi trở lại lớp học.

Có ngân hàng riêng và ruble của Nga

Theo Bộ trưởng chính sách xã hội Ukraine, 1,6 triệu người dân Crimea hay Donbass đã trốn khỏi cuộc chiến. Khó đánh giá số dân còn lại trong các nền cộng hòa tự xưng. Những nước cộng hòa này nằm trong những khu vực dân cư đô thị hóa đông đúc nhất của một vùng, nơi sinh sống của 6,5 triệu người dân trước chiến tranh và theo Liên hợp quốc, hiện có khoảng 2,3 triệu người có nhu cầu viện trợ nhân đạo.

Để đối mặt với những khó khăn, nhiều người đã học cách sinh sống qua lằn ranh trận chiến. Từ tháng 11/2014, Ukraine đã cắt lương hưu đối với người dân sống ở Crimea và các vùng lãnh thổ không còn thuộc quyền kiểm soát của Kiev.

Ngay từ tháng 5/2014, đối mặt với sự bất ổn của tình hình, các ngân hàng Ukraine đặt ở Donetsk đã bắt đầu đóng chi nhánh của họ, trước khi ngừng hoạt động hoàn toàn trong các khu vực ly khai.

Những người dân không có giấy thông hành để vào lãnh thổ Ukraine sẽ phải tới "những ngân hàng ngầm" thu 10% phí trên các giao dịch. Nhưng tư thương sẽ giao tiền mặt sau khi đã thu tiền hoa hồng và rút tiền trên lãnh thổ Ukraine.

Để giải quyết vấn đề, DNR đã thành lập Ngân hàng trung ương cộng hòa (BCR) ngày 7/10/2014, nhằm thực hiện thanh toán đặc biệt cho các chi phí về nhà ở, lương hưu, bằng đồng ruble. Mùa Xuân 2015, gần 90% các giao dịch kinh tế được thực hiện bằng đồng tiền của Nga.

Tháng 5/2015, BCR, cũng như ngân hàng ở Lugansk, đã mở một tài khoản quốc tế trong một ngân hàng ở Nam Osetia (nước cộng hòa ly khai của Gruzia được Nga công nhận từ năm 2008, vốn có thể nhận sự trợ giúp tài chính thông qua kênh này).

Ông Puertas ở Donetsk, giảng viên tại Đại học quốc gia kỹ thuật Donetsk, nói: "Trước đây, người ta trả lương cho tôi bằng tiền mặt. Hiện tôi có thể trực tiếp rút tiền ruble hay trả tiền một cốc bia ở quán bar bằng thẻ ngân hàng".

Hướng về phía Đông

Về mặt chính thức, Moscow không có bất cứ sự công nhận nào đối với hai nhà nước cộng hòa ly khai, nhưng Tổng thống Nga Putin ngày 18/2/2017 đã ký một sắc lệnh hợp pháp hóa việc công nhận "tạm thời" các hộ chiếu, biển số xe, giấy khai sinh hay giấy đăng ký kết hôn và các giấy tờ khác được chính quyền cấp, chừng nào thỏa thuận Minsk còn chưa được áp dụng.

Từ tiền tệ đến múi giờ, giờ đây được điều chỉnh theo Moscow. Những yếu tố Nga đang ăn sâu vào đời sống hàng ngày, kể cả ở trường học, nơi tiếng Nga chiếm vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, Kiev cũng phải tự trách mình. Ông Andrei Oudovienko, hiệu trưởng trường 61 tại Donetsk cho biết: "Ngay từ đầu năm học vào tháng 9/2014, Chính phủ Kiev đã từ chối gửi cho chúng tôi các bộ sách giáo khoa mới. Vì vậy, chúng tôi đã giảng dạy với sách giáo khoa của Nga. Chúng tôi đã tăng số giờ học tiếng Nga, và giờ đây việc kiểm tra kết thúc bậc học cấp hai có cả môn tiếng Nga bắt buộc, và không phải là môn tiếng Ukraine nữa. Chúng tôi đã tăng phần các tác giả người Nga trong các môn văn học, tuy nhiên không bỏ phần các tác giả Ukraine. Về mặt địa lý, chúng tôi đã bổ sung các bản đồ Donbass".

DNR công nhận hai ngôn ngữ, tiếng Nga và tiếng Ukraine, dù quy chế chính thức của tiếng Ukraine đã bị xóa bỏ vào năm 2015. Ông Udovienko nói: "Ngay từ tháng 10/2014, số khóa học bằng tiếng Ukraine đã sụt giảm 4%, so với 15% như trước đây. Vào đầu năm học 2016, cứ 80 học sinh 7 tuổi, thì chỉ có 1 học sinh muốn học tiếng Ukraine. Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị cháu đến học ở một trường khác, không xa, nơi có một lớp thích hợp với sự lựa chọn của cháu được mở".

Khi được hỏi về sự tái hội nhập vào Ukraine có khả năng xảy ra hay không, ông Udovienko trả lời: "Không phải với chính phủ hiện nay đang điều hành ở Kiev".

Tờ báo Pháp cho rằng chính những "sáng kiến" của Kiev đã làm gia tăng hố ngăn cách và đẩy Donbass xích lại gần Moscow.

Bà Iana Khomenko, Giáo sư Khoa kinh tế quốc tế tại Đại học quốc gia kỹ thuật Donetsk lập luận: "Vì bị phong tỏa, chúng tôi cần hướng sản xuất về phía Nga. Chính Ukraine đã buộc chúng tôi phải đáp lại việc phong tỏa".

Ngày 14/3/2017, Chính quyền DNR đã thông báo đưa những đoàn xe chở than đầu tiên hướng sang Nga, trong khi cùng thời điểm Chính phủ Ukraine thông báo về việc nhập khẩu than của Nam Phi.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Nga nhập khẩu than từ DNR trong khi bản thân là nhà xuất khẩu than đứng thứ sáu thế giới. Câu trả lời được một doanh nhân vùng Donbass có tên là Munoz nói thẳng: "Đó là một quyết định thuần túy chính trị. Mục tiêu là tránh mọi sự sụp đổ ở vùng đất này và có thể khiến Nga gánh chịu tình trạng hỗn loạn ở khu vực biên giới với họ".