Geneva Syria peacetalks
Hòa đàm về Syria tại Geneva
Reuters ngày 15/7 đưa tin, Đại sứ Nga tại Thuỵ Sĩ Alexei Borodavkin cho rằng cuộc đàm phán về Syria tại Geneva do Liên Hợp Quốc bảo trợ đã đạt được tiến bộ quan trọng, trong đó đáng kể nhất là phe đối lập đã rút điều kiện tiên quyết là buộc Tổng thống Assad phải ra đi.

Tuy nhiên, theo ông Borodavkin, để các cuộc đàm phán thành công thì phe đối lập phải có sự thống nhất và có tính đại diện rộng rãi hơn, trong đó đặc biệt là tạo điều kiện cho đại diện người Kurd tham gia hoà đàm, bởi "họ là công dân Syria, có vị thế chính trị và tiềm lực quân sự".

Đã có nhìn nhận rằng, dường như Moscow đang đánh cược với vấn đề Syria khi chủ động nâng cao vị thế cho ngưởi Kurd lúc này, song giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin đã đi một nước cờ hiểm nhưng đầy uy lực và đa tác hiệu.

Thứ nhất, gia tăng mâu thuẫn trong nội bộ phe đối lập tại Syria. Việc phe đối lập không để đại diện người Kurd không được tham gia hoà đàm về Syria một phần do không muốn làm ảnh hưởng đến nước cờ của Mỹ, một phần e ngại Thổ Nhĩ Kỳ.

Nay Moscow chính thức đề xuất trong thành phần phe đối lập cần phải có đại diện lực lượng người Kurd, điều đó đã đưa đối phương vào thế khó.

Yếu điểm nhất của phe đối lập tại Syria là chia rẽ nội bộ. Ngay cả khi tham gia các cuộc Hội nghị Geneva, phe đối lập cũng có tới 3 phái đoàn khiến cho họ đã yếu về lực lại còn tự mình làm yếu thế của chính mình.

Nếu chấp nhận đề xuất của Moscow đề người Kurd tham gia, nghĩa là phe đối lập lại có thêm một phái đoàn nữa, khiến cho mâu thuẫn trong nội bộ sẽ lớn hơn. Lúc đó chỉ lo thống nhất nội bộ cũng đã mệt mỏi và càng lộ thêm yếu điểm trước đối phương.

Nếu từ chối, nguy cơ bàn đàm phán sẽ có thể xuất hiện thêm một thành phần nữa là đại diện người Kurd, bởi họ là công dân Syria, có vị thế chính trị và tiềm lực quân sự. Để thực tế này diễn ra thì chỉ làm lợi cho Moscow. Đơn giản là người Kurd sẽ nghiêng về phía Nga nhiều hơn.

Rõ ràng, từ đề xuất tưởng chừng có lợi cho đối phương nhằm lại quả việc phe đối lập bỏ điều kiện tiên quyết là sự ra đi của Tổng thống Assad, nhưng Moscow đã đưa đối phương vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Thứ hai, tạo lợi thế cho phía chính phủ Syria. Với thực tế hiện nay, trên cả chính trường lẫn trên chiến trường tại Syria, vai trò và vị thế của lực lượng người Kurd là không thể phủ nhận.

Từ trước tới nay, nỗi lo của chính quyền Damascus về người Kurd chủ yếu là vấn đề độc lập của tộc người này, song nó đã có thể được giải toả sau đề xuất mới nhất của Moscow.

Bởi "cộng đồng người Kurd ở Syria cho biết kế hoạch của họ là đi tìm một cơ chế tự trị, chứ mục đích không phải một thể chế chính trị độc lập cho tộc người này", theo Reuters.

Người Kurd đã có những hành động đơn phương nhằm chuẩn bị vị thế cho mình khi quốc tế đang thúc đẩy một giải pháp chính trị toàn diện cho đất nước Syria, sau 6 năm nội chiến đẫm máu.

"Chúng tôi đã sẵn sàng để thương lượng trong bất kỳ hội nghị khu vực hoặc quốc tế nào, đề xuất các kế hoạch và tầm nhìn của chúng tôi cho một giải pháp ở Syria", bà Fawza Ahmad, thành viên Hội đồng lâm thời - thực thể chính trị chuẩn bị cơ chế tự trị của người Kurd, cho biết.

Theo bà Fawza Ahmad, đại diện người Kurd bị loại khỏi cuộc đàm phán do LHQ bảo trợ về Syria là không công bằng và đó cũng là lý do khiến cộng đồng người Kurd phải chủ động xây dựng định chế chính trị căn bản cho mình, chờ thời cơ.

Giới phân tích cho rằng, khi Moscow đưa ra đề xuất để đại diện người Kurd tham gia hoà đàm về Syria sẽ giúp cho Damascus dễ dàng nhận được quan điểm hoà hợp từ lực lượng chính trị đặc biệt này, dù người Kurd ở phe ta hay phe địch.

Khi đó vấn đề tự trị cho người Kurd có thể được nêu ra ngay trong các cuộc bàn thảo về tương lai chính trị cho Syria, đây được xem là cách ngăn chặn hữu hiệu nhất việc người Kurd thúc đẩy vấn đề độc lập, nếu họ có ý định.

Thứ ba, lật bài ngửa với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong cuộc chiến Syria, có thể nhận diện lực lượng khiến Nga khó xử nhất chính là Thổ Nhĩ Kỳ, khi quan hệ Moscow - Ankara trong ván cờ này vừa là đồng minh, vừa là đối thủ.

Điều đó khiến cho mọi nước cờ của Nga đều, hoặc không thể phát huy hết công lực, hoặc sẽ gây hậu quả cho phe Nga, khi lực lượng "nửa đồng minh, nửa đối thủ" đó bất bình và ra đòn hay phản đòn.

Người Kurd là đối thủ không đội trời chung với Ankara, do vậy mọi động thái được cho là mang lại lợi ích hay hiệu ứng tích cực cho tộc người này chắc chắn sẽ bị Ankara trả đũa.

Và Nga đã phải nhận lãnh hậu quả khi Thổ Nhĩ Kỳ không thống nhất việc thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Syria, trong Hoà đàm Astana lần thứ 5 diễn ra hồi đầu tháng này.

Bất luận thế nào, việc Ankara không đồng thuận với ý tưởng của Moscow đều được cho là xuất phát từ việc Nga dung dưỡng người Kurd.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 20/3/2017, quân đội Nga đạt được thoả thuận với lực lượng dân quân người Kurd tại Syria về phối hợp hành động giữa hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố.

"Nga sẽ cung cấp và hỗ trợ quân sự, đào tạo binh sĩ và thành lập điểm liên lạc trực tiếp với lực lượng của chúng tôi"", người phát ngôn của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân Người Kurd (YPG), Redur Xelil cho biết, theo Reuters.

Rõ ràng, động thái đó sẽ không thể được Ankara chấp nhận và khi "phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc thông qua bất kỳ văn bản nào liên quan đến thoả thuận thành lập các khu vực giảm căng thẳng", theo trưởng đoàn đàm phán chính phủ Syria Ja'afari, thì đó chính là lúc Ankara trả đũa Moscow.

Việc cò cưa với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến cho Nga không thể xây dựng một giải pháp có lợi nhất cho mình trong ván cờ Syria, vì vậy đến lúc Moscow cần phải lật bài ngửa với Ankara và Moscow thể hiện điều đó qua việc nâng cao hơn nữa địa vị chính trị cho người Kurd.

Khi người Kurd đứng giữa Nga - Mỹ thì những cú ra đòn của Erdogan với lực lượng này phải luôn có công lực tối đa, nhưng chỉ có tác hiệu tối thiểu.

Thứ tư, phá nước cờ chiến lược của Mỹ. Người Kurd được xem là quân cờ chủ lực của Washington trong việc vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông. Tuy nhiên, những hành động gần đây của Moscow cho thấy Washington không dễ thực hiện được nước đi chiến lược của mình.

Còn nhớ trong cuộc họp báo quốc tế ngày 23/12/2016, trả lời câu hỏi về thái độ của Nga đối với vấn đề độc lập của người Kurd khi Nga đang đóng vai trò ngày càng lớn trên thế giới, Tổng thống Putin cho biết Nga luôn có mối quan hệ tốt với người Kurd.

Nhà lãnh đạo tối cao của nước Nga cho rằng người Kurd có một số phận khó khăn, song họ đã chiến đấu rất hiệu quả chống lại chủ nghĩa khủng bố. Còn về chủ quyền cho tộc người này, theo ông Putin, phải được thực hiện theo quy định của luật pháp quốc tế.

Theo giới phân tích, đó là một cách thể hiện quan điểm rất khôn ngoan của người đứng đầu Điện Kremlin về quan điểm với lực lượng người Kurd và đó được xem là "một cú bỏ giỏ" cho những nước đi tiếp theo của Moscow.

Có thể thấy, trong cuộc chiến Syria, người Kurd phải hứng chịu nhiều làn đạn hơn bất cứ lực lượng nào khác. Điều đó cho thấy số phận của người Kurd là hết sức mong manh, vị thế của họ trong bàn cờ chính trị tại Syria là hết sức mờ nhạt.

Ngày 20/3 vừa qua, Moscow đã có nước đi đầu tiên trong việc khai thác hiệu quả từ cú bỏ giò ngoạn mục của Putin, khi quân đội Nga có thoả thuận với lực lượng dân quân người Kurd tại Syria trong cuộc chiến chống khủng bố ở quốc gia này.

Nay Moscow đề xuất các cơ chế quốc tế về việc tìm kiếm giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột tại Syria cần phải có chỗ cho người Kurd, điều mà Washington cố né tránh, để dành cho nước cờ chiến lược của mình.

Rõ ràng, cả về quân sự và chính trị, Moscow đã thể hiện sự hỗ trợ người Kurd thực tế hơn Washington, do vậy tộc người này chọn cơ chế tự trị sẽ an toàn hơn là chờ cơ chế độc lập theo nước cờ của Washington mà không biết thời gian và giá phải trả.

Tóm lại, việc đề xuất đại diện người Kurd phải được tạo điều kiện có mặt trong các cuộc đàm phán về Syria là một nước cờ hiểm của Putin, không những giúp đảm bảo an toàn cho Nga và đồng minh của Nga, mà còn có thể khiến các đối thủ mất nhiều lợi ích.