Trump Putin G20
Cuộc gặp bí ẩn

Mới đây, ông Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group tiết lộ rằng, hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã có cuộc trao đổi lần hai trong thời gian diễn ra tiệc tối dành cho các lãnh đạo G20.

Cuộc gặp này diễn ra sau cuộc hội đàm kín chính thức kéo dài hơn 2 giờ hôm 7/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Hamburg của Đức.

Nhà Trắng sau đó cũng lên tiếng xác nhận thông tin trên, CNN dẫn lời Michael Anton, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia hôm 18/7 nói về cuộc gặp chưa từng được công bố trước đó rằng:

"Đã có một bữa tiệc tối xã giao tại G20. Cuối buổi tiệc, Tổng thống nói chuyện với ông Putin. Không có nhân viên hay thành viên nội các nào trong bữa tối, đối với bất cứ nước nào, ngoại trừ các phiên dịch viên''.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ không tiết lộ nội dung trao đổi giữa hai vị Tổng thống trong cuộc gặp bí mật này.

Tại bữa tiệc tối, Tổng thống Trump và Putin ngồi đối diện nhau tại một chiếc bàn ăn dài. Ông Putin ngồi cạnh bà Melania Trump, cùng một người phiên dịch ở giữa.

Sau khi bữa tiệc diễn ra được một nửa thời gian, ông Trump rời ghế của mình để ngồi ghế cạnh ông Putin. Washington Post dẫn thông tin từ một quan chức chính quyền cấp cao cho biết. Ông Trump chỉ có một mình và ông Putin chỉ có người phiên dịch chính thức.

Bình luận về cuộc gặp bí mật này, ông Ian Bremmer, Chủ tịch công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng, cuộc thảo luận diễn ra trước mắt mọi người có mặt nhưng ở khoảng cách đủ xa để không nghe rõ.

Theo ông, việc vắng mặt của phiên dịch viên phía Mỹ trong cuộc trao đổi này làm dấy lên nhiều đồn đoán đặc biệt trong bối cảnh quốc hội Mỹ đang điều tra về nghi vấn mối liên hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga.

Thượng nghị sĩ Chris Coons thuộc đảng Dân chủ thì nhấn mạnh, việc ông Trump không mang phiên dịch viên của mình mà phải dựa vào trợ lý của ông Putin để phiên dịch là "sự thất bại cơ bản, xét về nghi thức ngoại giao, an ninh quốc gia".

Trong khi đó, một quan chức cấp cao châu Âu có mặt tại cuộc gặp nhận định, việc các lãnh đạo luân chuyển hoặc "rút về một góc" trong các cuộc gặp cá nhân này không phải là điều bất thường. "Tôi không coi đó là điều gây xôn xao", ông nói về cuộc trò chuyện, dù "có thể ông Trump và Putin có thể hơi khác" những người tham dự khác.

Mục đích chính

Ngay sau khi truyền thông xôn xao với thông tin hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ đã bí mật gặp nhau lần hai bên lề hội nghị G20 hôm 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giận dữ và lên tiếng bác bỏ.

Trong bình luận trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump viết: ''Câu chuyện của hãng tin giả mạo về cuộc gặp bí mật với Putin nghe phát sợ. Tất cả lãnh đạo G20 cùng các phu nhân và phu quân đều được Thủ tướng Đức mời. Báo chí cũng biết điều đó''.


Ông Trump viết tiếp một bình luận thứ hai không lâu sau đó rằng: ''Tin tức giả mạo đang ngày càng trở nên dối trá. Ngay cả một bữa tối sắp xếp cho 20 lãnh đạo cấp cao tại Đức cũng bị biến thành điềm gở''.


Một quan chức giấu tên của Nhà Trắng giải thích với Reuters rằng, sở dĩ người phiên dịch của Tổng thống Trump không có mặt trong cuộc nói chuyện này là vì phiên dịch viên người Mỹ không biết nói tiếng Nga.

Trước đó, truyền thông Mỹ đã đặt nghi vấn về cuộc gặp kéo dài bất thường giữa Tổng thống Putin và ông Trump. Lần này, họ tiếp tục công kích ông Trump về cuộc gặp bí mật tại bữa ăn tối.

Rõ ràng, giới tinh hoa Mỹ đang muốn dồn ông Trump và thế bị động, khiến ông phải liên tục đối phó với những cáo buộc ''đi đêm'' cùng Nga. Khi áp lực lên đến đỉnh điểm Tổng thống Mỹ sẽ phải có một hành động để phủ nhận những cáo buộc này, và đó chính là điều mà giới diều hâu Mỹ đang mong đợi.

Sau cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ, thỏa thuận ngừng bắn lịch sử tại Nam Syria đã được ký kết.

Lệnh ngừng bắn tại nam Syria đã làm giảm khả năng đối đầu nguy hiểm giữa Hoa Kỳ và Nga, cũng như giữa Syria và Israel, giúp các hoạt động quân sự tại khu vực leo thang không bị vượt khỏi tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, lệnh ngừng bắn có lợi hơn đối với phe Nga-Syria. Thỏa thuận giữa Putin và Trump trước tiên sẽ mang lại lợi ích cho thường dân Syria cũng như mở rộng cơ hội để SAA giải phóng nhiều thị trấn và làng mạc khỏi sự kiểm soát của khủng bố.

Giới diều hâu Mỹ dường như sẽ không chấp nhận điều này. Trước những biến động trên chính trường Mỹ sau cuộc gặp Nga-Mỹ, gần đây nhất là việc giới truyền thông Mỹ công kích vào cuộc gặp bí mật của hai nhà lãnh đạo Trump-Putin, nhiều khả năng lệnh ngừng bắn tại Syria sẽ bị đổ vỡ.