Nouri al-Maliki
© ReutersPhó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki
"Tôi đã từng nói và nay xin nhắc lại rằng, nếu không nhờ có Nga, Trung Đông sẽ hoàn toàn bị phá hủy, bản đồ khu vực sẽ thay đổi và tình hình sẽ bất ổn. Nếu không có sự can thiệp của Nga vào Syria - vốn khác cách tiếp cận của Mỹ - thì Syria đã sụp đổ".

Đó là lời Phó Tổng thống Iraq Nouri al-Maliki được hãng tin Sputnik ngày 21/7 trích dẫn. Ông Maliki lý giải nếu không có sự can thiệp của Nga, lực lượng khủng bố sẽ chiến thắng tại Syria và sẽ hoành hành khắp Trung Đông. Tiếp đến là Iraq sẽ sụp đổ theo và bản đồ Trung Đông sẽ bị khủng bố vẽ lại.

Lời nhận định của Phó Tổng thống Iraq chẳng khác nào dội một gáo nước lạnh vào Washington, xem nhẹ vai trò của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, đặc biệt là khi chiến thắng của quân đội Iraq trước IS tại Mosul bị cho là được quyết định bởi "yếu tố Mỹ".

Ông Maliki thể hiện quan điểm của mình trước thểm chuyến viếng thăm Nga, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 26/7. Mục đích chuyến công du là để gặp gỡ Tổng thống Putin và thảo luận vể việc Moscow hỗ trợ vũ khí cho Baghdad.

Chính vì vậy đã có nhận định rằng những lời có cánh của ông Maliki chỉ là thể hiện sự "tâng bốc" Moscow nhằm gặt hái được nhiều thành quả cho chuyến đi của mình, chứ thực sự Baghdad không xem trọng Moscow tới mức như vậy.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, lời nhận định của nhà chính trị kỳ cựu của Iraq là phản ánh trung thực quan điểm của lực lượng cầm quyền Iraq, chứ không phải là thể hiện cảm xúc trước một sự kiện quan trọng trong ngoại giao quốc tế.

Cũng nên nhắc lại rằng, Phó Tổng thống Nouri al-Maliki là đồng minh quan trọng của Washington, ông từng làm Thủ tướng Iraq trong giai đoạn 2004 -2014. Chính ông Maliki là người ra lệnh hành quyết cố Tổng thống Saddam Hussein - hành động được cho là nhằm làm hài lòng Washington.

Cũng chính ông Maliki - khi còn làm Thủ tướng Iraq đã lên tiếng kêu gọi Washington hỗ trợ chặn đà IS tiến về Baghdad, mà có thể khiến sinh mệnh chính trị của ông bị tước bỏ, tính mạng của ông có thể bị tước đoạt. Như vậy, với ông Maliki, ơn của người Mỹ là không thể đo đếm.

Điều đó chứng việc nhà lãnh đạo Iraq xem nhẹ vai trò của Mỹ, đề cao vai trò của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như đảm bảo cho Trung Đông không bị hỗn loạn là có cơ sở, dù chiến thắng Mosul có ý nghĩa lớn lao thế nào đi chăng nữa.

Còn nhớ, ngày 13/11/2014, khi trả lời phỏng vấn báo The Guardian của Anh, Phó Tổng thống Maliki đã kêu gọi Iran, Iraq và Li-băng không nên để chính phủ Syria bị lật đổ, bởi khi chính phủ Damascus sụp đổ sẽ là sự khởi đầu của nhiều vấn đề nguy hiểm đối với toàn khu vực

"Người Mỹ bắt đầu hỗ trợ cuộc nổi loạn ở Syria, sau đó sẽ mở rộng tầm nhìn sang Iraq và dường như họ có ý định mở rộng vấn đề này sang các nước khác trong kế hoạch tương lai của họ", ông Maliki cảnh báo.

Cựu Thủ tướng Iraq cũng nhìn nhận việc Mỹ tham gia tấn công IS tại Iraq là cơ hội tốt nhất cho sự can thiệp của Washington vào Iraq thời kỳ tái thiết đất nước, qua đó thực hiện âm mưu chia rẽ người Hồi giào dòng Shiite với người Hồi giáo dòng Sunni tại khu vực Trung Đông.

Cũng nên biết rằng, ông Maliki là 1 trong 3 Phó Tổng thống Iraq hiện nay và trước khi ông Maliki lên tiếng, một Phó Tổng thống khác của Iraq cũng đã thể hiện sự thất vọng với Mỹ về chính sách tại Trung Đông. Đó là Phó Tổng thống Ayad Allawi.

Ngày 30/6/2017, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN của Mỹ, ông Ayad Allawi đã cho rằng nước Mỹ thiếu một chiến lược rõ ràng cho Trung Đông, đặc biệt là tại Iraq.

Bất chấp chiến thắng IS và khả năng Mosul được giải phóng, nhà lãnh đạo Iraq vẫn lên tiếng : "Đối với tôi, không có một chiến lược quốc tế - không có chiến lược nào cho liên minh đang chiến đấu bên cạnh chúng tôi và đã giúp đỡ chúng tôi trong cuộc chiến này".

Ông Allawi cho biết IS đang cố gắng liên minh với Al Qaeda, tạo sự thống nhất của các thế lực tà ác, song Mỹ lại không có chính sách rõ ràng về việc sẽ làm gì và đưa vấn đề đi vế đâu.

"Họ vẫn đang xây dựng một chiến lược và chưa có gì được hiện thực hoá cả", Phó Tổng thống Allawi thể hiện sự thất vọng.

Như vậy cả hai đương kim Phó Tổng thống Iraq, dù thể hiện quan điểm theo những cách khác nhau, song đều không đánh giá cao chiến lược cũng như kết quả hành động của Washington trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông.

Đặc biệt cả ông Maliki và ông Allawi đều hoài nghi mục đích phía sau chiến lược của người Mỹ, cả trong hành động tấn công kẻ thù lẫn hành động giúp đỡ đồng minh. Có lẽ người Iraq đã thật sự vỡ mộng về người đồng minh của mình.

Vì vậy, họ phải tìm kiếm cho mình một người bạn đường mới có thể đáng tin cậy hơn và trong trường hợp này họ hướng về Moscow là hoàn toàn phù hợp, bởi nhờ Nga mà cho đến giờ này Syria và Iraq không sụp đổ, Trung Đông không hỗn loạn như nhìn nhận của Phó Tổng thống Maliki.