Sergey Lavrov
© Vladimir Pesnya / Sputnik
Theo TASS ngày 22/7, trong một cuộc phỏng vấn với NBC, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết, ông nghĩ rằng Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm đối lập ở Syria.

Ông Lavrov nói rằng, quyết định ngừng chương trình bí mật của CIA về hỗ trợ vũ khí và đào tạo cho các nhóm nổi dậy chống lại chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad của Hoa Kỳ chỉ mang tính chất đối phó.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga không đồng tình với ý kiến của một quan chức Mỹ nói rằng, quyết định chấm dứt hỗ trợ các nhóm đối lập của Syria có thể được xem như một sự nhượng bộ với Nga.

"Quyết định này được đưa ra vài tuần trước khi diễn ra cuộc họp của G20, trước khi lãnh đạo hai nước (Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin) có cuộc gặp đầu tiên'', ông nói.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đã từ chối bình luận về tuyên bố khác của Washington về việc chấm dứt hỗ trợ cho một số nhóm phiến quân ở Syria. Theo ông điều quan trọng nhất là hai bên cần có cách tiếp cận chung để giải quyết tình trạng khủng hoảng đang diễn ra tại Syria.

"Chúng tôi chắc chắn rằng, các khu vực leo thang được thiết lập để ngăn chặn cuộc chiến giữa chính phủ và phe đối lập. Để họ không tấn công lẫn nhau, và hy vọng họ tập trung vào cuộc chiến chống IS", ông Lavrov nhấn mạnh.

Việc Mỹ chấm dứt chương trình hỗ trợ phiến quân Syria không có nghĩa là Mỹ ngừng hỗ trợ cho các đối thủ của ông Assad. Động thái này chỉ càng cho thấy Mỹ có những đối tượng ủng hộ khác trong khu vực.

Một điểm đáng lưu ý trong tuyên bố của Washington là ''kế hoạch huấn luyện lực lượng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục hoạt động''.

Do đó, Mỹ sẽ vẫn hỗ trợ cho lực lượng người Kurd và nhóm phiến quân của FSA và bất cứ nhóm nào được Mỹ gán cho cái mác ''lực lượng chống khủng bố''.

Rất có thể trong tương lai Mỹ sẽ định hướng cho các nhóm phiến quân đối lập từ bỏ sự đối đầu với chính quyền Syria, khoác cho các nhóm ''đối lập ôn hòa'' cái áo ''lực lượng chống khủng bố'', danh chính ngôn thuận bảo vệ chúng trước sự truy quét của quân đội Syria giống như những gì Washington đã làm với người Kurd tại bắc Syria.

Khi được hỏi về lập trường của Nga về việc Mỹ triển khai nhiều căn cứ quân sự tại bắc Syria, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh, sự hiện diện của thế lực bên ngoài phải được sự đồng ý của Chính phủ và người dân Syria.

''Chính phủ Syria đã không yêu cầu sự giúp đỡ của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, do đó sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở nước này là bất hợp pháp'' ông Lavrov nói và nhấn mạnh, lý do duy nhất biện minh cho sự hiện diện của Mỹ tại Syria là cuộc chiến chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những kẻ khủng bố khác.

Giám đốc CIA Mike Pompeo lo ngại về việc Nga triển khai hai căn cứ quân sự tại Syria, trong khi Hoa Kỳ được cho là đã triển khai khoảng hơn 10 căn cứ tại bắc Syria, Lavrov nói.

Theo ông Lavrov, Moscow không có kế hoạch triển khai căn cứ quân sự mới tại Syria.