Putin Juncker
© SputnikChủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean- Claude Juncker và Tổng thống Nga Putin
Ngày 26/7, các nhà lãnh đạo của 28 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ để bàn giải pháp đối phó với những gì mà Mỹ đang nỗ lực giành ảnh hưởng trên thế giới.

Cuộc thảo luận của các nước châu Âu được cho là sẽ liên quan tới các lệnh trừng phạt mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua nhằm vào Nga, Iran, Triều Tiên. Điều đặc biệt là trong các lệnh trừng phạt vào Nga, Mỹ tập trung vào lĩnh vực năng lượng chiến lược của Nga mà có thể ảnh hưởng tới cả châu Âu.

Hiện dự luật này được cho là không khó để Thượng viện thông qua trước khi trình lên Tổng thống. Trong khi, phía Nhà Trắng cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump có thể đặt bút ký.

"Chính quyền ủng hộ việc mạnh tay với Nga, đặc biệt là trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt này" - Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói. "Bản gốc của dự luật được soạn thảo ẩu, nhưng chúng tôi đã làm việc với Hạ viện và Thượng viện, và chính quyền hài lòng với việc đưa vào những thay đổi cần thiết, và thời điểm này thì chúng tôi ủng hộ dự luật".

Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Điều này đã khiến nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, giận dữ bởi nó mang tính hành động đơn phương của Mỹ và có thể gây thiệt hại kinh tế cho các nước châu Âu.

Đức cho rằng việc Mỹ sử dụng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga như một công cụ về chính sách công nghiệp là không thể chấp nhận, đồng thời kêu gọi châu Âu và Washington hợp tác chặt chẽ trong việc đưa ra các đề xuất về trừng phạt.

Theo các quan điểm của châu Âu, một dự luật trừng phạt được tuyên bố nhằm vào Nga nhưng lại đả động đến lợi ích thực sự trong quyền quyết định lựa chọn nguồn cung năng lượng của châu Âu. Dự luật này chắc hẳn không chỉ sẽ hối thúc châu Âu tăng trừng phạt Nga - điều mà lâu nay EU luôn khẳng định nhưng vẫn đi ngầm bằng các dự án với Moscow.

Trước khi cuộc họp ngày 26/7 diễn ra để bàn về cách châu Âu sẽ ứng phó thế nào với Mỹ và với lệnh trừng phạt Nga nếu được Tổng thống Trump thông qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã bắn tiếng dọa sẽ trả đũa Washington.

"Sự thống nhất của khối G7 (nhóm các nước phát triển) về các biện pháp trừng phạt mang tầm quan trọng tối thượng bởi nó đi song hành với việc tôn trọng thực thi Thỏa thuận Minsk" - Margaritis Schinas, phát ngôn viên của EC khẳng định.

EC cho biết cơ quan hành pháp này đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan và sẽ sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để bày tỏ lo lắng về những tác động tiêu cực đến khối, nhất là về vấn đề an ninh năng lượng.

Báo Financial Times trong khi đó khẳng định đã có trong tay bản ghi chép được chuẩn bị cho phiên họp ngày 26/7.

Theo đó, Chủ tịch EC Jean- Claude Juncker nhấn mạnh rằng EU cần phải sẵn sàng "hành động trong vài ngày", nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga mà "không tính đến những quan ngại của EU".

Theo bản ghi chép trên, các biện pháp mà EC có thể sẽ đưa ra bao gồm yêu cầu tổng thống Donald Trump đảm bảo rằng những lệnh trừng phạt mới, nếu được áp đặt, sẽ không làm ảnh hưởng tới các lợi ích của EU. Điều này từng được diễn ra năm 2014 khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố công khai rằng, được quyền 'tuỳ nghi châm chước', không chống lại các công ty châu Âu.

Thứ hai, EC có thể dựa vào "quy chế ngăn chặn", được thông qua vào năm 1996 bởi Hội đồng châu Âu, với mục đích bảo vệ EU khỏi những ảnh hưởng bên ngoài lãnh thổ do những luật được thông qua bởi một nước thứ ba.

Phương án thứ ba là "chuẩn bị các biện pháp trả đũa tương thích với quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)".

Lợi ích bị động chạm lớn nhất của phía EU sẽ là dự án đường ống dẫn khí đốt "Nord Stream 2" (Dòng chảy phương Bắc 2), từ Nga tới Đức qua biển Baltic, vốn đã gây tranh cãi trong nội bộ EU do một số nước lo ngại ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Được hưởng lợi trực tiếp từ "Dòng chảy phương Bắc 2", Đức và Áo phản đối kịch liệt các đòn trừng phạt mới, cáo buộc Mỹ chính trị hoá các lợi ích kinh tế khi trừng phạt Nga hòng bán khí đốt hoá lỏng vận chuyển bằng tàu từ Mỹ tới châu Âu.

Các lợi ích khác bị ảnh hưởng còn bao gồm nhiều dự án khí đốt và dầu mỏ ở biển Caspian, dự án trung chuyển khí đốt qua Ukraine và mỏ khí đốt Zohr ngoài khơi Ai Cập, do có sự tham gia của các công ty Nga.

Hôm 24/7, Điện Kremlin đã đưa ra phản ứng rằng chính sách trừng phạt Washington là không có tính xây dựng, gây thiệt hại đến các lợi ích của nước này cũng như nhiều nước châu Âu.