nord stream
© Sergey Guneev / Sputnik
Hôm 2/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc luật mở rộng một số biện pháp trừng phạt chống nền kinh tế Nga.

Các hạn chế mới này có liên quan đến tất cả những dự án mới mà các công ty Nga bị trừng phạt có sở hữu từ 33% vốn đầu tư trở lên. Luật cũng chỉ ra rằng, Mỹ sẽ tiếp tục phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho châu Âu mang tên "Dòng chảy phương Bắc - 2".

Một loạt chuyên gia nêu quan điểm rằng, Mỹ đang tìm cách đẩy Nga khỏi thị trường năng lượng châu Âu. Đặc biệt, người đứng đầu Liên đoàn các doanh nhân Nga Aleksandr Shokhin tuyên bố rằng, Washington đang lợi dụng chế độ trừng phạt như một yếu tố cạnh tranh không lành mạnh để gạt các công ty Nga khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Tuy nhiên, một chuyên gia hàng đầu về năng lượng của Ngân hàng Thương mại Đức mới đây đã cho biết trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Deutsche Wirtschafts Nachrichten rằng, khí hóa lỏng của Hoa Kỳ không có khả năng chiếm lĩnh thị trường châu Âu.

Ông này nói rằng, thực tế các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Nga sẽ có thể tác động tích cực đến giá bán trong ngành dầu khí. Theo ông, các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải và cơ sở hạ tầng khai thác năng lượng, nhưng nhu cầu tiêu thụ của châu Âu vẫn sẽ tăng.

Bất chấp ý kiến phổ biến trên truyền thông và trong các giới chính trị rằng Hoa Kỳ muốn cạnh tranh cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng với Nga và có thể xem biện pháp trừng phạt như một cuộc chiến thương mại, vị đại diện Ngân hàng Thương mại Đức kêu gọi không thổi phồng những hiệu quả có thể.

Vị chuyên gia Đức nhấn mạnh rằng, Hoa Kỳ sẽ bán khí hóa lỏng cho châu Âu cả khi đường ống "Dòng chảy phương Bắc - 2" đã bắt đầu làm việc, nhưng không thể có khối lượng lớn, do Nga vẫn tiếp tục duy trì khối lượng khí đốt lớn bán cho thị trường châu Âu.

"Dĩ nhiên, khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ đang cạnh tranh với khí đốt Nga, nhưng với qui mô không đáng để so sánh" - vị chuyên gia cho biết và nhấn mạnh rằng, khí ga cung cấp qua truyến đường ống của Nga là rẻ nhất, không có bất cứ nguồn cung nào có thể rẻ hơn được.

Một chuyên gia khác là ông Alexis Rodzianko, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ ở Nga (AmCham) cũng đồng tình với quan điểm này khi cho rằng, cũng giống như đối với Liên Xô trước đây, Mỹ không thể hất cẳng Nga khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Ông Rodzianko nhấn mạnh rằng, đây không phải là ý tưởng mới, nó từng có vào thời kỳ chiến tranh lạnh những thập niên 70 của thế kỷ trước. Nỗ lực xua đuổi Liên Xô khỏi thị trường năng lượng châu Âu từng thất bại vào những năm 1970 và lần này chắc chắn cũng sẽ không thành công.

Bên cạnh các chuyên gia kinh tế phương Tây, Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu (AEB) - Tổ chức tập hợp hơn 500 công ty EU và Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu, là người đại diện chính cho lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài tại Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã bày tỏ sự không đồng tình với biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào Nga.

Người đại diện của Hiệp hội khẳng định rằng, kinh doanh là một mắt xích quan trọng giữa các quốc gia và dân tộc. Kinh tế phải được tách khỏi chính trị, do các nguyên tắc tự do thương mại là tất yếu khách quan, không thể chịu đựng những hạn chế so con người áp đặt.

Hiệp hội kêu gọi những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước EU, Mỹ và Nga phát triển một chiến lược mới, "cho phép tách thương mại với chính trị và đàm phán để tìm ra giải pháp mà các bên cùng có thể chấp nhận trong tinh thần hòa bình và hòa hợp".