Donald Trump  Kim Jong-un
© Reuters
Tổng thống liên tiếp đưa ra phát ngôn gay gắt

Căng thẳng vẫn tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng nói rằng ông Trump đang "đẩy tình hình trên bán đảo đến bờ vực chiến tranh hạt nhân" với những phát ngôn gay gắt của mình.

Ngày 11/8, Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter rằng ông đã có hàng loạt phương án quân sự để đối phó với Triều Tiên trong trường hợp nước này hành động "thiếu khôn ngoan". Ông Trump cũng viết rằng "Hy vọng Kim Jong Un sẽ tìm một con đường đi khác".

Ông Trump cũng không tỏ ra áy náy về phát ngôn ngày 9/8 vừa qua rằng Triều Tiên sẽ phải chịu đựng "hỏa lực và sự giận dữ ở mức độ thế giới chưa từng chứng kiến". Thay vào đó, vào tối ngày 10/8, Tổng thống Trump tiếp tục tuyên bố với báo chí rằng "Có thể nó [hỏa lực và sự giận dữ] chưa đủ mạnh".

Trong một cuộc trao đổi dài với các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng và sân golf Bedminster của mình, ông Trump cũng nói rằng các chính quyền trước đây của Mỹ đã không đủ cứng rắn với Triều Tiên và bây giờ chính là lúc một Tổng thống cần giải quyết vấn đề cho đất nước.

Đáp trả những phát ngôn của Triều Tiên về việc tấn công đảo Guam, ông Trump đã thề rằng nếu ông Kim Jong Un làm gì với Guam, Mỹ sẽ đáp trả bằng cách chưa ai từng thấy.

Các Bộ trưởng Mỹ phải liên tục "dập lửa"

Chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát ngôn lần thứ hai lời đe dọa "hỏa lực và thịnh nộ" đối với Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố chiến tranh sẽ là một "thảm họa".

Ông Mattis mới đây khẳng định rằng các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề Triều Tiên đang được xúc tiến và đó vẫn là giải pháp được ưa thích để giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Đây là lần thứ hai trong tuần, một thành viên cốt cán của chính phủ Mỹ đã phải cố gắng để "hạ hỏa" Tổng thống sau những phát ngôn gay gắt của ông.

Ngoại trưởng Rex Tillerson tuần này cũng đã thể hiện rõ nỗ lực thúc đẩy đối thoại và ngoại giao hơn là hành động quân sự với Triều Tiên.

Phát biểu tại California vào ngày 10/8, Bộ trưởng Mattis đã ca ngợi các nỗ lực của Ngoại trưởng Tillerson và Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cũng như sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an trong việc thông qua lệnh trừng phạt mới nhất đối với Triều Tiên.

"Công việc của tôi, nhiệm vụ của tôi, trách nhiệm của tôi là phải lên các phương án tấn công quân sự nếu cần thiết. Tuy nhiên, ngay lúc này, mọi người có thể thấy Ngoại trưởng Tillerson và đại sứ Haley đang dẫn dắt một nỗ lực ngoại giao có sức nặng của Mỹ, và nỗ lực đó đang mang lại những kết quả", ông Mattis nói.

Dư luận quốc tế chia rẽ

Các nhà ngoại giao cũng đang chia rẽ trước các phát ngôn của Tổng thống Trump.

Tại Liên hợp quốc, trong khi đại sứ của Anh Matthew Rycroft tỏ ý ủng hộ những phát ngôn gay gắt về "hỏa lực và thịnh nộ" của Tổng thống Mỹ thì Tổng Thư ký LHQ António Guterres lại phát biểu ẩn ý rằng những phát ngôn đó có thể làm triệt tiêu tiến trình ngoại giao.

Những phát ngôn đầy "thịnh nộ" của Tổng thống Trump cũng đã mang tới phản ứng từ Trung Quốc.

Theo CNN, Thời báo Hoàn Cầu, một tờ báo quản lý bởi Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc - trong số ra ngày 11/8 đã có bài bình luận với tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ "trung lập" nếu Triều Tiên tấn công Mỹ trước.

Tuyên bố đó của Hoàn Cầu có hàm ý cảnh báo Bình Nhưỡng rằng Bắc Kinh sẽ không ủng hộ nếu Bình Nhưỡng "động thủ" trước.

Thời báo Hoàn Cầu cũng viết rõ rằng trong trường hợp Mỹ chủ động dùng "hỏa lực và thịnh nộ" như ông Trump phát biểu, nhằm lật đổ chính quyền Triều Tiên và thay đổi bức tranh chính trị tại bán đảo này, thì Trung Quốc chắc chắn sẽ hành động để ngăn chặn Mỹ.

Trước cuộc khẩu chiến của ông Trump với Triều Tiên, bài viết của Hoàn Cầu còn cho rằng Nga và Trung Quốc nên tăng cường hợp tác để các bên khác hiểu rằng Nga, Trung sẽ không đứng ngoài cuộc khi căng thẳng leo thang và an ninh của mình bị ảnh hưởng.

Thiếu hụt nhân sự ngoại giao phụ trách Triều Tiên

Dù Bộ trưởng Quốc phòng Mattis khẳng định về con đường giải quyết xung đột bằng ngoại giao của Mỹ, việc chính xác ai đang làm gì vẫn là điều bí ẩn, ngoại trừ những cuộc gặp cấp cao của ông Tillerson và đại sứ Haley.

Thực tế, chính quyền Trump vẫn còn trống nhiều vị trí quan trọng trong bộ Ngoại giao để phụ trách vấn đề Triều Tiên. Những vị trí này hiện nay đang được thực hiện bởi những nhân sự "tạm thời", có quyền hạn "tạm thời", trong đó đáng chú ý là các vị trí như Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc hay Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo The Hill, một số học giả Mỹ phân tích rằng cách phát ngôn không thống nhất của Tổng thống Trump và những cấp dưới của mình trong vấn đề Triều Tiên đã tạo ra một "bầu không khí bất ổn và rối ren".

Tuy nhiên, các nhà phân tích đồng thuận rằng vì những phát ngôn của Tổng thống là khá "phù hợp" với kịch bản mà Triều Tiên muốn - đó là vẽ nên một hình ảnh nước Mỹ "hung hăng", nên những phát ngôn như của ông Mattis hay Tillerson đã có tác dụng khẳng định rằng nước Mỹ vẫn tuân thủ thông lệ quốc tế và sẽ không khởi động một cuộc tấn công phủ đầu

Vấn đề Triều Tiên đã mang tính ưu tiên trong đối ngoại của chính quyền ông Trump ngay từ ngày đầu ông nhậm chức, và hiện nay nó đã trở thành vấn đề trung tâm vì Bình Nhưỡng đã đi quá nhanh trong việc chế tạo thành công tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ.