Antifa
© Alex EllinghausenMột cuộc tuần hành của Antifa với biểu ngữ: "Tên phát xít duy nhất tốt là tên phát xít đã chết!"
Phân biệt chủng tộc, đề cao người da trắng là một hiện tượng không mới tại Mỹ, tuy nhiên ít người biết có một đạo quân đông đảo đang âm thầm trỗi dậy chuyên đi săn lùng các nhóm tân phát xít.


Nhận xét: Từ "săn lùng" ở đây phải được hiểu theo nghĩa đen. Nhóm Antifa thực sự săn lùng, tấn công một cách bạo lực những nhóm mà họ cho là tân phát xít.


Vụ bạo động và cái chết của một người biểu tình ở thành phố Charlottesville, tiểu bang Virginia (Mỹ) cuối tuần qua bị phần lớn dư luận đổ cho các nhóm cực hữu có tư tưởng phát xít.

Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích dữ dội vì không nêu đích danh các nhóm này trong phát ngôn lên án, thay vào đó ông chỉ nói bạo lực xảy ra "do lỗi của nhiều bên".

Hôm qua (14-8), ông Trump phải chịu thua trước áp lực và lên tiếng phê phán KKK (Ku Klux Klan) - phong trào cực hữu bao gồm các thành viên có tư tưởng thượng tôn da trắng.

Tuy nhiên, nhiều người thuộc phe bảo thủ cho rằng lỗi cũng nằm ở Antifa - một nhóm cực tả chuyên đi chống phát xít.

Antifa là gì?

Antifa là viết tắt của cụm từ "Anti-Fascist Action" (hành động chống phát xít). Nguyên nhân xã hội của phong trào này rõ ràng mang tính thiên tả.

Các nhà phê bình cho rằng truyền thông dễ dàng bỏ qua hành động bạo lực của Antifa vì các nhóm này đấu tranh chống lại những kẻ thượng tôn da trắng và hệ tư tưởng phát xít.


Nhận xét: Khi Antifa kích động bạo loạn, tấn công bạo lực những kẻ mà họ cho là tân phát xít, họ có khác gì chính những kẻ cuồng tín tân phát xít đó?


Hầu hết thành viên Antifa phản đối tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, giới tính và lên án mạnh mẽ những chính sách mang hơi hướng chủ nghĩa dân tộc, chống nhập cư, chống Hồi giáo của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, đúng với tên gọi, Antifa tập trung nhiều hơn vào cuộc đấu tranh với hệ tư tưởng cực hữu và không quan tâm lắm chuyện làm sao thúc đẩy các chính sách cực tả.

Khác với phong trào cực tả chính thống, Antifa không tìm kiếm quyền lực thông qua các kênh truyền thống - ví dụ như tranh cử, vận động cho các dự luật... Antifa chỉ thuần chống chính phủ và chống tư bản.

Antifa không ngại dùng các phương pháp biểu tình bạo lực, trong đó bao gồm phá hủy tài sản và đôi khi là hành hung. Họ đã có mặt trong các cuộc biểu tình bạo lực phản đối ông Trump, và tất nhiên là cả Charlottesville.

Xuất hiện cùng thời với hệ tư tưởng phát xít, các nhóm Antifa hoạt động tích cực nhất hiện nay nằm ở Anh, Mỹ (dưới tên gọi Anti-Fascist Action) và ở Đức (Antifaschistische Aktion).

Gắn mác khủng bố?

Theo đài BBC của Anh, Antifa đã trở thành một chủ đề nóng trên các trang web thiên hữu và trong giới chuyên gia bảo thủ.

Nhà bình luận Erick Erickson của đài Fox News (Mỹ), một đại diện của phe bảo thủ, nhận xét: "Antifa và phong trào thượng tôn da trắng là hai mặt của một đồng xu. Người biểu tình ở Charlottesville thiệt mạng vì nhóm tân phát xít, trong khi hàng chục người khác đổ máu nằm bên lề đường gây ra bởi Antifa".

Giữa lúc này, một kiến nghị yêu cầu Tổng thống Donald Trump gắn mác "khủng bố nội địa" cho Antifa đã thu hút gần 100.000 người trên trang web change.org.

Antifa trước nay ít thu hút sự chú ý của truyền thông chính thống, nhưng mọi thứ có thể sẽ sớm thay đổi.

Ông James Anderson, một người nằm trong nhóm điều hành trang web Antifa "Its Going Down", cho biết sự quan tâm đối với phong trào đã tăng mạnh kể từ ngày ông Trump đắc cử.

Trang web của ông hồi năm 2015 chỉ có 300 lượt ghé thăm mỗi ngày, nhưng bây giờ là 10 - 20 ngàn. Theo nhà hoạt động này, các sự kiện ở Charlottesville cuối tuần qua mang lại những thay đổi lớn trong cách nhận thức về Antifa.

"Đây là bước ngoặt lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi đang hợp tác với phong trào Black Lives Matter, giới chức nhà thờ... Antifa không muốn mình chỉ là một nhóm dân quân đơn độc" - ông Anderson nói.

"Mấu chốt nằm ở sức mạnh quần chúng. Đôi khi Antifa có thể gây tranh cãi, nhưng đây là một phong trào rộng lớn và chúng tôi tìm kiếm tương tác với nhiều thành phần xã hội" - ông Anderson chốt lại.