United Nations peacekeepers
Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc
Nga gợi ý đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbass

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới (viết tắt là BRICS, gồm 5 quốc gia Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ủng hộ ý tưởng gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine.

Phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức ở Hạ Môn-Trung Quốc, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, lực lượng gìn giữ hòa bình này chắc chắn có thể đảm bảo an ninh cho sứ mệnh giám sát chiến sự của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (SMM OSCE) ở khu vực Donbass.

"Tôi không thấy có gì sai trái với điều này. Tôi đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ ý kiến ​​trang bị vũ khí cho sứ mệnh OSCE. Nhưng chính bản thân OSCE từ chối trang bị vũ khí cho nhân viên của họ, bởi vì không có nhân viên thích hợp, cũng không có kinh nghiệm làm việc như vậy" - ông Putin nói.

Theo ông, trong bối cảnh an ninh của các giám sát viên thuộc tổ chức này chưa được bảo đảm, sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, thậm chí không phải lính gìn giữ hòa bình mà là những người đảm bảo an toàn cho sứ mệnh OSCE hoàn toàn là điều phù hợp.

Ông chủ Điện Kremlin nhấn mạnh rằng, Nga không nhìn thấy bất cứ điều gì sai trái ở đây; trái lại, chính quyền Moscow nghĩ rằng, điều này sẽ rất hữu ích trong việc giải quyết các vấn đề ở phía đông nam Ukraine.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, cần phải có những quy định cụ thể và chặt chẽ về vấn đề này. Theo quan điểm của Nga, việc đưa lực lượng quân sự vào Donbass phải tuân thủ những điều kiện tiên quyết sau đây:

Thứ nhất là: Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc hoặc lực lượng bảo đảm an ninh cho sứ mệnh OSCE chỉ có chức năng nhiệm vụ "đảm bảo an toàn cho nhân viên OSCE".

Thứ hai là: Quân nhân và nhân viên trong lực lượng này phải đóng quân trên làn ranh phân giới giữa hai chiến tuyến, chứ không được đứng chân bên bất kỳ phía nào của chiến tuyến.

Thứ ba là: Giải pháp về vấn đề này cần phải được tiến hành sau khi chính quyền Kiev và lực lượng ly khai Donbass đồng loạt rút lực lượng và các loại thiết bị hạng nặng ra khỏi chiến tuyến, hình thành một đường ranh giới rõ ràng.

Ngay sau khi tuyên bố của ông Putin được giới truyền thông đăng tải rầm rộ, giới chức lãnh đạo Đức - một trong bốn thành viên của "Bộ tứ Normandy" đã lên tiếng ủng hộ nhà lãnh đạo Nga và coi đây là "sáng kiến có khả năng góp phần thay đổi tích cực mối quan hệ với Moscow".

Đức-Ukraine "đồng thuận cao" với Nga

Ngoại trưởng Zigmar Gabriel đã tuyên bố tại một cuộc họp của Quốc hội Đức rằng, đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại vùng phân định ở Donbass trùng hợp với những gì ông và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề nghị trước kia.

"Đây không phải là một cơ hội sao! Hãy sử dụng nó, chúng ta cần những chính sách tích cực" - nhà ngoại giao Đức hào hứng nói và nhấn mạnh rằng, việc triển khai sứ mệnh gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc ở Donbass sẽ đảm bảo chế độ ngừng bắn trong khu vực.

Chủ tịch luân phiên người Áo của OSCE Sebastian Kurz (tức Ngoại trưởng Áo) và Ban thư ký OSCE cũng ủng hộ sáng kiến và lưu ý rằng, điều cực kỳ quan trọng đối với họ là bảo đảm sự an toàn cho các quan sát viên của Sứ mệnh Giám sát đặc biệt ở Donbass.

Ukraine cũng thông báo sẵn sàng thảo luận về ý tưởng đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới Donbass, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là sau vụ xe tuần tra SMM OSCE trúng mìn tại Lugansk hôm 23/4/2017, khiến một người thiệt mạng và 2 người khác bị thương.

Theo xác nhận bởi Phó Chủ tịch SMM OSCE Ukraine Alexander Khug, một công dân Hoa Kỳ là nhân viên y tế hợp đồng của OSCE đã thiệt mạng; một nhân viên bị thương là công dân Cộng hòa Séc; nhân viên bị thương còn lại của OSCE là một nữ công dân Đức.

Ngay sau vụ việc này, tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson để bày tỏ lời chia buồn trước cái chết của công dân Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, hai ông đã thảo luận về kết quả cuộc điện đàm trong "định dạng Normandy", được tổ chức ngày 18/4 và cuộc đàm phán Mỹ-Nga ngày 12/4. Poroshenko cảm ơn sự ủng hộ của Tillerson dành cho Kiev trên nguyên tắc "không có vấn đề nào về Ukraine mà thiếu người Ukraine".

Đồng thời, đại diện SMM OSCE tại Donbass cho biết, khi đề cập đến tình hình miền Đông Ukraine, lãnh đạo Ukraine kêu gọi Mỹ tiếp tục duy trì biện pháp trừng phạt chống Nga, trên cơ sở "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc buộc Nga phải tuân thủ thỏa thuận Minsk".

Đặc biệt là trong cuộc điện đàm đó, Tổng thống Ukraine đã nêu ý tưởng với Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề bố trí quân nhân thuộc sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong khu vực Donbass.

Tuy nhiên, nội dung chi tiết về kế hoạch đưa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc vào miền Đông Ukraine của chính quyền Kiev không được tiết lộ; đồng thời, quan điểm của Mỹ về vấn đề này cũng chưa được xác nhận. Điều đó đã dẫn đến những bình luận đa chiều của giới phân tích. Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài viết sau.