Syrian opposition fighters
© AFP/YouTubeCác "khủng bố ôn hòa" tại Syria được trang bị nhiều vũ khí sản xuất bởi Liên Xô cũ
Báo Suddeutsche Zeitung của Đức ngày 13/9 đã thông tin về việc Mỹ sử dụng căn cứ không quân Ramstein của nước này như một trung tâm hậu cần nhằm vận chuyển vũ khí từ Balkan tới các nước Trung Đông và vào Syria.

Theo đó, tờ báo dẫn thông tin từ báo cáo của Mạng Báo cáo Điều tra Balkan (BIRN) và Dự án Báo cáo về Tội phạm và Tội phạm Tham nhũng (OCCRP) dẫn chứng các email bị rò rỉ từ ngày 23/12/2016 cho thấy các cơ quan của Đức đã "trở nên nhạy cảm" với các yêu cầu của Lầu Năm Góc khi muốn vận chuyển vũ khí đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở đây.

Theo đó, giấy phép mà Chính phủ Đức cấp cho các công ty vũ khí Mỹ (nhà thầu vũ khí) được bảo trợ bởi Lầu Năm Góc đã bị hết hạn bởi các thủ tục vận chuyển đã bị "kéo dài hơn bình thường do gặp nhiều yêu cầu và câu hỏi của chính quyền Đức".

Rõ ràng, giới chức ở Đức đã tỏ ra rất quan tâm nếu không muốn nói là nghi ngờ về số lượng vũ khí đã gia tăng đáng kể được Lầu Năm Góc chuyển tới Đức cho căn cứ không quân Ramstein.

Bộ Kinh tế Đức dưới sức ép truyền thông đã ghi nhận sự gia tăng của vũ khí đi qua hoặc xuất phát từ các căn cứ quân sự của Mỹ tới lãnh thổ Đức sang một quốc gia khác vào năm 2016.

Bộ này đã phê duyệt 11 giấy phép chuyển đổi tuyến bay trong năm 2016, nhiều hơn đáng kể so với hơn 1 thập kỷ trước. 3 lần phê duyệt khác đã được thực hiện trong 5 tháng đầu năm 2017.

Email bị rò rỉ từ Lầu Năm Góc cho thấy các nhà thầu vũ khí đã được thông báo rằng, Bộ Ngoại giao sẽ chịu trách nhiệm về việc giấy phép chuyển tuyến mới cho họ. Berlin đã từ chối bình luận về thông tin này bởi tính chất nhạy cảm của nó.

Nhưng tờ báo Đức cho rằng, có thể dễ dàng tìm thấy trong các văn bản luật của Đức quy định, các giấy phép chuyển tải vũ khí cần phải được chứng minh bằng một văn bản pháp lý có tên là chứng chỉ người dùng cuối cùng. Theo đó sẽ xác nhận ai sẽ là người nhận cuối cùng của lô hàng vũ khí đó.

Tuy nhiên, giấy phép từ Lầu Năm Góc sử dụng chỉ định các căn cứ quân sự của Mỹ tại các nước như Đức, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ là điểm giao hàng chứ không phải người nhận cuối cùng.

Vậy người đó là ai? Quân nổi dậy ở Syria?

Theo các nghiên cứu và báo cáo từ phía BIRN và OCCRP, đơn vị Sứ mệnh Hoạt động Đặc biệt Mỹ của Lầu Năm Góc (SOCOM) đã yêu cầu các nhà thầu vũ khí Mỹ ngừng vận chuyển các loại vũ khí Liên Xô từ Balkans qua Đức sau khi gặp vấn đề với hàng loạt quan chức Berlin.

SOCOM theo đó đã được giao nhiệm vụ mua vũ khí từ khắp Trung và Đông Âu cho phiến quân Syria chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Lực lượng SOCOM tại các nước Trung Đông cũng là nơi được các nhà thầu vũ khí Mỹ ghi trong giấy phép khai báo với chính quyền Đức là người nhận hàng cuối cùng.

Theo tờ báo Suddeutsche Zeitung, Đức từ lâu đã được cho là một trong những trung tâm hậu cần then chốt cho không chỉ quân đội Hoa Kỳ mà còn là nhà của một trong những căn cứ không quân quan trọng nhất châu Âu. Nhưng vai trò của Đức trong đường dây cung cấp vũ khí tới Syria chưa bao giờ được giới chức Mỹ hay Đức thừa nhận.

Hồi tháng 2 vừa qua, Nghị sỹ Hans-Christian Ströbele thuộc Đảng Xanh đã gửi cho Chính phủ Đức yêu cầu được cung cấp thông tin về việc vũ khí được vận chuyển từ Ramstein tới Syria. Đại diện Bộ Ngoại giao Đức khi đó đã có trả lời trước báo chí từ chối cung cấp thông tin này.

Trong khi đó, SOCOM cho biết, hiện tại họ "không lưu giữ hay quá cảnh" các thiết bị ràng buộc gì với Syria thông qua các căn cứ của Đức và đã "chỉ đạo cụ thể với các nhà thầu cung cấp có hợp đồng" để không thực hiện điều đó. Họ cũng nhiều lần từ chối để xác nhận liệu có chuyển vũ khí qua Đức đến Syria trước năm 2017 hay không.

Báo cáo của BIRN và OCCRP dẫn nguồn tin từ một nhà thầu Mỹ tham gia vào đường dây cung cấp vũ khí này cho biết với điều kiện giấu tên rằng, các căn cứ của Mỹ ở Đức và Romania đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động hậu cần của Lầu Năm Góc. Trong đó, vũ khí của khối Đông Âu trị giá hơn 700 triệu USD được chuyển sang Syria từ tháng 9/2015- 5 năm 2017.

Trong email của SOCOM bị rò rỉ, giấy tờ về các chuyến bay của Lầu Năm Góc về báo cáo xuất khẩu vũ khí của LHQ cũng như dữ liệu về giấy phép chuyển hàng qua Đức cũng cho thấy con số tương đương.

Báo cáo xuất khẩu vũ khí của Liên Hiệp Quốc vào năm 2015 và 2016 cũng ghi nhận 3 lần chuyển vũ khí từ Serbia đến người dùng cuối cùng là "căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở Đức", với nước nhập khẩu cuối cùng là "Đức".

Ngoài ra, BIRN và OCCRP cũng trích dẫn một báo cáo năm 2015 từ một tờ báo Serbia về vũ khí đang được quân đội Mỹ vận chuyển tới Ramstein bằng đường không với nơi đến cuối cùng của họ là Syria.

Họ cũng trích dẫn một báo cáo về xuất khẩu vũ khí của LHQ năm 2016 đã liệt kê 11.970 khẩu súng trường tấn công và 50 súng máy hạng nặng được gửi từ Serbia đến "căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức".

Một số lượng lớn các email và tài liệu liên quan đến hãng hàng không vận tải hàng không Silk Way của Azerbaijan, bị rò rỉ trực tuyến vào tháng 6, cũng cung cấp thêm bằng chứng về việc SOCOM sử dụng các căn cứ của Đức vào năm 2016 và nhu cầu thay đổi tuyến đường sau khi các mối quan ngại của Berlin nổi lên.

Trong tháng 1/2017, chỉ vài tuần sau khi cảnh báo bằng email về độ nhạy cảm của Đức đối với việc vận chuyển vũ khí Mỹ, 20.000 lựu đạn đã được gửi tới một kho chứa của SOCOM tại Căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan, thay vì điểm đến ban đầu - căn cứ Miesau ở Đức - một kho chứa đạn dược bên cạnh căn cứ không quân Ramstein.

Lý do được đưa ra là vì "thay đổi chương trình vào phút chót".

Căn cứ không quân Bagram đã được sử dụng tạm thời cho các hoạt động của SOCOM ở Syria và Iraq vào thời điểm đó. Tại thời điểm đó, nhà thầu vũ khí Mỹ giấu tên khẳng định rằng, các chuyến hàng thu thập vũ khí từ Đông Âu chuyển tới của SOSCOM đã không còn hoạt động.

Hồi tháng 3/2017, một báo cáo của Lầu Năm Góc cho rằng, cần thêm 23 triệu USD cho chương trình ở Syria để trang trải chi phí vận chuyển thêm trước cuối tháng 9/2017 vì "không thể nhập khẩu các vũ khí và thiết bị không phải của Mỹ vào châu Âu".

Sau đó, việc tái định tuyến của SOCOM ở Đức có khả năng hoạt động trở lại nhờ sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao.

Lầu Năm Góc đã từ chối giải thích về việc họ đột ngột dừng công tác thu thập vũ khí từ khối Đông Âu có liên quan tới mối quan tâm của Đức hay không và chỉ nói quyết định được đưa ra do lý do "ngoại giao" và "hậu cần".

Tờ báo Đức cho biết, các dữ liệu bị rò rỉ cho thấy, tuyến đường vận chuyển mới được Mỹ sử dụng cho việc cung cấp vũ khí ở Syria vẫn chưa rõ ràng. Hiện mới ghi nhận các chuyến bay vận chuyển từ Azerbaijan đến Rijeka (Croatia) hồi tháng 5 và 6. Các chuyến bay khác từ Kazakhstan đến Chicago và Franfurt.

Mỹ phủ nhận cấp vũ khí cho Syria qua Đức

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Michelle Baldanza cho biết, Mỹ không cất giữ hay vận chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập Syria thông qua căn cứ quân sự của Mỹ tại Đức.

Bình luận về thông tin báo chí Đức đưa ra, người phát ngôn phát biểu: "Bộ Quốc phòng không cất giữ cũng như vận chuyển vũ khí hay đạn dược tới Syria qua bất kỳ căn cứ nào của Mỹ tại Đức. Bộ Quốc phòng đã và sẽ tiếp tục tuân theo luật pháp Đức."

Bà Baldanza cũng cho biết, Lầu Năm Góc luôn phối hợp với Bộ Ngoại giao và các đối tác của Mỹ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), cũng như các quốc gia châu Âu khác trong một số vấn đề quốc phòng mà các bên có lợi ích và mối quan tâm chung, trong đó có việc bán vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự.

Bà Baldanza cũng chỉ rõ rằng việc vận chuyển vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria đã được thực hiện theo đúng nguyên tắc của Bộ Quốc phòng và những hợp đồng có sẵn.