US F-35 fighter jet
© ReutersNhững "hố đen tài chính" như dự án "chú lợn bay" F-35 là lý do tại sao chi gấp 14 lần nhưng Mỹ vẫn không vượt được Nga về quân sự
Mức chi kỷ lục

Thượng viện Mỹ ngày 18/9 đã thông qua ngân sách quốc phòng 700 tỷ USD cho năm tài khóa tiếp theo. Trong đó, 8,5 tỷ USD dành riêng để củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa trước mối đe dọa từ Triều Tiên.

Với 89 phiếu thuận, 8 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua ngân sách quốc phòng 700 tỷ USD cho năm tài khóa 2018 bắt đầu từ ngày 1/10 tới.

Khoản ngân sách này cao hơn so với đề xuất của Tổng thống Donald Trump, và cao hơn bất cứ khoản ngân sách nào trong suốt thời gian quân đội Mỹ tham chiến ở Iraq và Afghanistan, cao hơn ngân sách 619 tỷ USD năm 2017.

Dự thảo ngân sách được công bố ngày 23/5, Tổng thống Donald Trump đề xuất tăng 10% (tương đương tăng 50 tỷ USD) ngân sách cho Lầu Năm Góc. Tuy nhiên các nhân vật "diều hâu" ngay trong đảng Cộng hòa vẫn cho rằng mức tăng mà Tổng thống đề xuất trên vẫn còn chưa đủ.

Trong số 700 tỷ USD được chi cho ngân sách quốc phòng, thì 640 tỷ USD sẽ được dành cho các hoạt động của Lầu Năm Góc như mua sắm vũ khí, chi trả lương, 60 tỷ USD còn lại dành cho các hoạt động của quân đội Mỹ ở nước ngoài.

Đặc biệt, dự luật còn đề xuất dành riêng 8,5 tỷ USD cho việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa trong bối cảnh mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng tăng.

Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật này từ tháng 7. Như vậy, ủy ban lưỡng viện sẽ họp lần cuối trước khi trình dự luật lên Tổng thống Trump phê duyệt.

"Điều này giúp duy trì niềm tin cho các binh sĩ của chúng ta", AFP trích lời phát biểu của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ.

Ông McCain cũng chỉ ra số tai nạn gia tăng trong huấn luyện quân đội và việc các lực lượng quốc phòng kém tinh nhuệ do ngân sách bị thắt chặt để thuyết phục các thượng nghị sĩ thông qua dự luật mới.

Ngân sách 700 tỷ USD đã vượt quá 91 tỷ USD so với mức chi được nêu trong Đạo luật Kiểm soát Ngân sách năm 2011, yêu cầu "bảo lưu" chi tiêu quân sự để kiềm chế chi tiêu liên bang.

Ông McCain cho rằng, giờ là lúc Quốc hội cần gấp rút nâng mức giới hạn chi tiêu để tài trợ đầy đủ cho các hoạt động quân sự.

Nghịch lý

Dù chưa làm hài lòng giới "diều hâu" Mỹ, nhưng mức chi cho ngân sách quốc phòng của Mỹ đã cao gấp hơn 14 lần so với Nga.

Hồi tháng 3, tạp chí quân sự Jane's dẫn số liệu từ cơ quan ngân khố liên bang Nga cho biết, ngân sách quốc phòng của nước này được cắt giảm đi 25,5%, từ 65,4 tỷ USD xuống còn 48,4 tỷ USD trong năm 2017. Đây là mức cắt giảm lớn nhất từ đầu những năm 1990.

Sự cắt giảm ngân sách quốc phòng đến mức kỉ lục đã đưa Nga rời khỏi vị trí nước có chi tiêu quân sự lớn thứ 4 thế giới mà rơi xuống vị trí thứ 8, sau Ấn Độ và Pháp.

Sau khi cắt giảm, tổng ngân sách quốc phòng Nga thậm chí còn ít hơn số tiền mà Thượng viện Mỹ vừa đồng ý bổ sung cho quân đội nước này.

Từng đưa ra bình luận về vấn đề này hồi tháng 5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu cho biết, ngân sách quốc phòng của Mỹ cao hơn 11 lần so với chi tiêu quân sự của Nga; còn Bắc Kinh cũng chi cho phát triển lực lượng quân sự nhiều hơn ba lần so với Moscow.

Cùng với đó, chi phí chu cấp cho một người lính tại Hoa Kỳ lên tới khoảng 510 ngàn USD, Quân đội Hoàng gia Anh là 377 ngàn, Trung Quốc là 170 ngàn, nhưng ở Nga chỉ có vẻn vẹn 54 ngàn USD, ông Shoigu phát biểu trong khuôn khổ cuộc họp "Giờ chính phủ" tại Hội đồng Liên bang.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga lưu ý rằng, trong những năm qua, với sự khác biệt "một trời một vực" trong việc cấp kinh phí tài chính cho các lực lượng vũ trang, Nga đã đạt được sự đồng đẳng chính trị và đảm bảo cân bằng cán quân lực lượng quân sự với các nước trong khối NATO.

Nhà bình luận quân sự, đại tá về hưu Viktor Baranets trong cuộc phỏng vấn với Sputnik cũng khẳng định rằng, Nga đã đạt được thế cân bằng chiến lược với các nước NATO với chi phí quốc phòng thấp hơn nhiều so với Hoa Kỳ.