Cai Lậy traffic toll station
Trả tiền lẻ để phản đối tại trạm Cai Lậy
Liên quan đến kiến nghị di dời trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trong văn bản trả lời Hiệp hội về các vấn đề liên quan đến trạm thu phí này, Bộ GTVT cho rằng, nếu di dời trạm thì Nhà nước phải mua lại dự án của nhà đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay ngân sách Nhà nước hạn hẹp, không có tiền làm việc này.

Trao đổi với Đất Việt ngày 24/9, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, ông chưa nhận được văn bản của Bộ GTVT. Tuy nhiên, ông tỏ ra thiếu tin tưởng vào lý do không có tiền mà Bộ GTVT đưa ra.

"Chuyện BOT Cai Lậy giờ đã rõ như ban ngày. Xử lý thế nào là chuyện của Bộ, còn người dân phản ứng thì cứ phản ứng bởi người dân và doanh nghiệp đã quá thiệt thòi.

Mua lại được dự án để an dân thì rất tốt, còn chuyện Bộ và Nhà nước làm thế nào thì đó là chuyện của Bộ với Nhà nước. Nhưng tôi không tin là không có tiền, mà e rằng nếu mua lại thì lộ ra những chuyện thiếu minh bạch", ông Quản bày tỏ quan điểm.

Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nhận xét, khó có thể di dời được trạm BOT Cai Lậy cũng như một số trạm khác có tình trạng tương tự.

"Bộ GTVT và nhà đầu tư đã ký hợp đồng kinh tế với nhau. Theo Luật Dân sự, khi một trong hai bên có quan điểm khác thì phải thỏa thuận ký lại hợp đồng.

Nhưng việc di dời trạm BOT rõ ràng là không thể thỏa thuận được. Trạm thu phí ở Nội Bài là một ví dụ, mấy chục năm nay vẫn không di dời được. Nhà đầu tư BOT lấy lý do thu không đủ, muốn trả lại dự án để Nhà nước mua lại. Nhưng Bộ GTVT chỉ "tay không bắt giặc", Nhà nước cũng không có tiền, do đó, không thể di dời trạm được", ông Bùi Danh Liên nói.

Cũng theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, trong chuyện di dời trạm BOT đặt không đúng vị trí này, đang có sự nhập nhèm giữa việc phải tuân thủ theo luật với việc đổ tại thiếu tiền, "biến chuyện này ra chuyện kia".

"Về nguyên tắc, đối với dự án BOT, làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Đó là luật.

Còn trong trường hợp trạm BOT Cai Lậy, nếu đặt đúng chỗ thì đoạn đường tránh có 12km, xe không vào làm sao họ thu tiền được. Bởi không minh bạch, rõ ràng nên mới xảy ra những chuyện như thế.

Bây giờ, chỉ có thể di dời khi Nhà nước đồng ý bỏ tiền, nhưng cái này rất khó. Do đó, tôi cho rằng việc cần làm ngay là giảm phí BOT Cai Lậy, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân và doanh nghiệp, còn lại các bên phải thỏa thuận tìm cách xử lý sau", ông Liên đề xuất.

Theo LS Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM), đến thời điểm này, hợp đồng giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư BOT Cai Lậy vẫn được coi là bí mật nên chưa thể bàn tiếp được.

"Giả sử theo thỏa thuận trước đây giữa các bên, trong trường hợp nhà đầu tư làm dự án đường tránh của Cai Lậy thì trạm thu phí sẽ được đặt ở địa điểm A, nếu không đặt đúngs thì sẽ bị xử lý... Nhưng những cái đó đến nay vẫn được coi là bí mật.

Pháp luật không có quy định nào là không được phép di dời trạm BOT. Trạm đặt sai chỗ thì phải đặt lại đúng chỗ của nó. Vấn đề cần thiết nhất bây giờ là phải minh bạch thỏa thuận của Bộ GTVT với doanh nghiệp trước đây", LS Nguyễn Đức Chánh nhấn mạnh.