Iraq tanks Kirkuk
Hành động nóng

Ngày 16/10, theo nguồn tin người Kurd Iraq, quân đội Iraq được hỗ trợ bởi Cảnh sát Liên bang Iraq đã phát động một chiến dịch tấn công vào thành phố Kirkuk và các khu vực khác xung quanh.

Các nguồn tin cho biết, quân đội Iraq và các lực lượng chính phủ đã chiếm lại một số khu vực bên trong thành phố Kirkuk và một số mỏ dầu xung quanh nó.

Ngoài ra, theo thông tin từ chiến trường, căn cứ không quân K1, Northern Oil Compa và khu trại quân sự Khaled cũng đã bị quân đội Iraq chiếm đóng. Tuy nhiên, những báo cáo này vẫn chưa được xác nhận bởi chính phủ Iraq.

Trong khi đó, một số nguồn tin địa phương cho biết, thống đốc của thành phố Kirkuk đang kêu gọi người dân địa phương sử dụng vũ khí nhằm ngăn chặn quân đội Iraq xâm nhập vào thành phố.


Theo một số báo cáo của giới truyền thông Iraq, các đơn vị dân quân Iraq (PMU) không tham gia vào hoạt động đang diễn ra tại thành phố Kirkuk.

Quyết định không cho PMU tham gia vào hoạt động nhạy cảm như vậy là một quyết định khôn ngoan của Chính phủ Liên bang Iraq.

Chiến dịch của quân đội Iraq sẽ tiếp tục cho đến khi Chính phủ Liên bang Iraq khôi phục lại quyền kiểm soát tất cả các khu vực của Nineveh đã bị Peshmerga (quân đội riêng của người Kurd, quản lý toàn bộ an ninh trong khu vực tự trị của người Kurd ở Iraq). chiếm đóng vào năm 2014.

Trong trường hợp Peshmerga chống lại hoạt động của quân đội Iraq, đất nước này sẽ phải chứng kiến ​​một cuộc nội chiến kéo dài. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chống IS tại Iraq.

Mỹ nhận trái đắng

Nếu việc quân đội Iraq tấn công thành phố Kirkuk được xác nhận thì đây thực sự là bước đi táo bạo của chính phủ Iraq, bất chấp phản ứng của Mỹ.

Trên thực tế, Mỹ đã tận dụng cuộc chiến chống IS tại Trung Đông để giúp nâng cao hơn nữa địa vị chính trị cho người Kurd, bằng việc kêu gọi lực lượng Peshmerga ở Iraq và YPG ở Syria tích cực tham gia chống khủng bố, tự đứng lên bảo vệ lãnh địa của mình.

Mỹ đã tuyên bố với cả thế giới rằng người Kurd ở Iraq, Syria là lực lượng tiên phong trên mặt trận chống khủng bố; giúp họ mở rộng phạm vi kiểm soát ở hai quốc gia này, xây dựng vị thế chính trị trước cộng đồng quốc tế, tạo tiền đề lớn cho khát vọng lập quốc của họ.

Vừa qua, cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của cộng đồng người Kurd Iraq đã được tổ chức với tỷ lệ lên tới hơn 90% số người tham gia ủng hộ quyết định thành lập một quốc gia độc lập của người Kurd.

Mặc dù giới lãnh đạo Khu tự trị người Kurd Iraq chưa tuyên bố ly khai khỏi Iraq để thành lập quốc gia mới nhưng rõ ràng là điều này hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Việc người Kurd Iraq (ước tính khoảng gần 5,5 triệu người, chiếm khoảng 15-20% dân số) lập quốc có thể sẽ kích động tâm lý ly khai của cộng đồng người Kurd ở các quốc gia láng giềng như Iran (khoảng 6-8 triệu người), Syria (2,5 triệu người) và Thổ Nhĩ Kỳ (15-20 triệu người).

Đối với Mỹ, khi nhà nước người Kurd được thành lập, Mỹ sẽ đường đường chính chính duy trì sự hiện diện của mình tại Iraq và Syria, thâu tóm khu vực giàu tài nguyên và thu về nguồn lợi khổng lồ. Đây sẽ là bước tiến quan trọng trong kế hoạch xây dựng một lực lượng chính trị mới tại Trung Đông của Washington.

Trên thực tế, mặc dù người Kurd chiếm một tỷ lệ không nhỏ tại một số nước Trung Đông, tuy nhiên họ vẫn chưa đủ lực lượng để tạo thành một thế lực thực sự, có khả năng thay đổi cục diện Trung Đông.

Bên cạnh đó, chính phủ các nước Trung Đông cũng sẽ không để yên cho lực lượng người Kurd thực hiện ý đồ của mình. Việc quân đội Iraq tấn công Kirkuk là một ví dụ điển hình.

Chính phủ Iraq có thể chấp nhận việc Mỹ hỗ trợ người Kurd trong cuộc chiến chống IS, nhưng đối với việc ly khai lập nhà nước mới của người Kurd thì không thể.

Quân đội Iraq đã có câu trả lời mạnh mẽ trước kế hoạch của Mỹ tại Trung Đông, và chắc chắn rằng chính phủ Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có những hành động tương tự nếu như người Kurd muốn thành lập nhà nước riêng.