Putin
RT ngày 16/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Triều Tiên. Sắc lệnh này bao gồm các biện pháp hạn chế bổ sung đối với các lĩnh vực thương mại, kinh tế, tài chính, khoa học và hợp tác kỹ thuật với Triều Tiên.

Đây được cho là nỗ lực của Nga đối với việc tuân thủ nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ về trừng phạt Triều Tiên. Đặc biệt là việc ông Putin đã ký sắc lệnh trên vào giữa lúc phái đoàn Triều Tiên vừa đến St. Petersburg để tham gia khóa họp của Liên minh Nghị viện (IPU).

Thông tấn TASS cho biết, sắc lệnh và các phần phụ lục dài gần 40 trang, làm rõ một số biện pháp đã được đưa ra vào năm 2007.

Các vật liệu, công nghệ và sản phẩm bị cấm xuất khẩu tới Triều Tiên. Các mặt hàng sang trọng như thảm thêu (trị giá hơn 500 USD) hay đồ sứ (hơn 100 USD) bị chú ý kỹ.

Cùng với đó là danh sách bao gồm 11 công dân và 10 công ty Triều Tiên bị hạn chế vì liên quan tới chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Sắc lệnh còn ảnh hưởng đến sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học - công nghệ trong khi hợp tác về công nghệ hạt nhân, máy móc hàng không không gian... vẫn được cho phép đối với những trường hợp không dính líu tới chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Tổng thống Putin ra lệnh thêm rằng các tàu biển có liên hệ với chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ bị tước đăng ký tại Nga và cấm vào các cảng Nga (trừ trường hợp khẩn cấp). Bình Nhưỡng cũng không được sử dụng bất cứ tài sản nào ở Nga, trừ các cơ sở ngoại giao và lãnh sự.

Theo Sputnik, sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14/10.

Hôm 16/10, Nga cũng lên tiếng chỉ trích các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Moscow kêu gọi Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế tuân thủ tất cả các nghị quyết của LQH - Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko tuyên bố.

Hàng loạt các phản ứng mới nhất của Nga liên quan tới kiềm chế năng lực Triều Tiên được cho là cách Moscow lựa chọn phương án giải quyết mạnh tay.

Song giới quan sát nhận thấy, các lĩnh vực nằm trong sắc lệnh 40 trang mà Tổng thống Nga đã ký, đồng ý siết chặt với Triều Tiên, lại ít là các sản phẩm mà Nga- Triều Tiên đã từng hợp tác.

Đơn cử như việc Nga đã tránh áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào việc bán khí đốt hóa lỏng, hạn chế bán dầu thô và các sản phẩm xăng tinh lọc cho Triều Tiên như cách châu Âu lựa chọn.

Nga lâu nay vẫn khẳng định, việc triệt tiêu nguồn năng lượng tới bán đảo này vi phạm các yếu tố về nhân đạo và cứu trợ của nhân dân Triều Tiên. Tổng thống Putin từng cho biết Nga chỉ xuất khẩu một lượng dầu thô ít ỏi tới Triều Tiên, khoảng 40.000 tấn mỗi năm.

Tổng thống Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa ra một giải pháp chính trị, thay vì áp đặt thêm các lệnh trừng phạt.

Bên cạnh đó, Nga cũng mở lại chuyến phà biển nối cảng Vladivostok với cảng Rajin của Triều Tiên vào ngày 15/10. Chuyến phà duy nhất giữa 2 nước này được mở hồi tháng 5 song tới tháng 8 thì ngưng hoạt động do công ty chủ phà không trả tiền cho cảng Vladivostok.

Tháng 1/2017, các quan chức ngành đường sắt Nga đã tới thăm Triều Tiên để thảo luận việc nâng cấp tuyến đường sắt Rajin-Hasan nối Nga với bán đảo Triều Tiên.

Bên cạnh đó, Nga và Triều Tiên còn đạt được thoả thuận nhập cư lao động bổ sung cho lực lượng 40.000 lao động Triều Tiên đang được thuê để làm việc trong ngành công nghiệp gỗ và xây dựng của Nga. Đây là một nguồn thu ngoại tệ chính cho Triều Tiên, theo báo Nihon Keizai của Nhật Bản.

Moscow đã chọn cách làm mạnh mẽ, thể hiện sự kiên quyết trong giải quyết khủng hoảng Triều Tiên chứ không chọn cách mạnh tay trừng phạt nhằm dồn ép nước nào tới bước đường cùng.

Một yếu tố quan trọng nữa là việc Nga cũng có lợi từ việc phát triển quan hệ song phương với Triều Tiên. Áp các đòn trừng phạt lên Triều Tiên, Nga đóng nhiều cánh cửa tới Bình Nhưỡng cũng đồng thời mở ra các cánh cửa khác, đưa Triều Tiên tập trung vào các chiến lược của mình.

Điều mà Nga cần có sự giúp đỡ của Triều Tiên và bất chấp Trung Quốc quay lưng với đồng minh của mình là việc Moscow muốn có sự an toàn của vùng Viễn Đông trước nguy cơ ảnh hưởng của Trung Quốc.

Vùng Viễn Đông của Nga cũng sẽ bị đặt trong tầm ngắm của Washington một khi Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được Mỹ thúc đẩy lắp đặt thành công tại Hàn Quốc.