Catalonia flags
© Enrique Calvo / Reuters
Tòa án Tối cao Tây Ban Nha hôm 16/10 đã ra lệnh bắt giữ 1 nhà lập pháp và 1 nhà hoạt động dân chủ của Catalonia, theo Bloomberg.

Jordi Sanchez - người đứng đầu Ủy ban lập pháp tại Nghị viện Catalan và ông Jordi Cuixart - lãnh đạo tổ chức Omnium Cultural (chuyên quảng bá văn hóa, giáo dục và bảo vệ tư tưởng vùng Catalan) là người được đề cập tới trong lệnh bắt giữ, không cho phép bảo lãnh và không đưa ra lời buộc tội chính thức.

Theo các công tố viên, ông Jordi Sanchez và ông Jordi Cuixart là hai người tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ độc lập vào ngày 20/9 vừa qua. Những người biểu tình đã "gây rối trật tự công cộng" khi pháp một trụ sở của Cảnh sát tỉnh Barcelona và tấn công phương tiện cảnh sát.

Hai người này đã bị thẩm vấn vào hôm thứ Hai và bị bắt giữ sau đó.

Thống đốc Catalan Carles Puigdemont khi viết về thông tin này trên trang Twitter cá nhân đã dùng những lời lẽ chỉ trích, ám chỉ tới quá khứ đàn áp độc tài quân sự ở Tây Ban Nha.

"Tây Ban Nha đã bắt giữ những nhà hoạt động vì dân sự ở Catalonia vì họ tổ chức cho những người đòi độc lập được biểu tình trong hòa bình. Đáng buồn thay, chúng ta lại có những tù nhân chính trị" - ông Puigdemont viết.

Tòa án Tối cao cũng đã ra các yêu cầu đối với Cảnh sát trưởng Catalan - ông Josep Luis Trapero, cấm rời khỏi Tây Ban Nha và tịch thu hộ chiếu của ông dù không bắt giữ. Ông Trapero hiện vẫn đang trong quá trình điều tra về "thất bại trong việc ra lệnh cho lực lượng cảnh sát trấn áp tình hình đòi độc lập ở Catalan".

Thẩm phán Tòa án Tây Ban Nha Carmen Lamela đã phán quyết rằng không có đủ bằng chứng để bắt giữ Cảnh sát trưởng Trapero nhưng không loại trừ khả năng làm như vậy nếu có thêm các bằng chứng chống lại ông. Cảnh sát trưởng Trapero có thể được trả lại hộ chiếu nếu xuất hiện tại tòa mỗi 2 tuần.

Cuộc bắt giữ hai nhà lập pháp và hoạt động dân chủ cũng như lệnh thu lại hộ chiếu của Cảnh sát trưởng Trapero đã khiến tình hình ở Catalan thêm căng thẳng.

Các cuộc biểu tình tràn ngập trên đường phố, người dân rủ nhau nghỉ việc, ra đường để biểu tình chống lại các lệnh của Tòa án. Cuộc biểu tình còn được lên kế hoạch vào tối thứ 3 tại tòa nhà trung tâm hành chính ở Catalonia.

Diễn biến mới nhất từ phía chính quyền trung ương Tây Ban Nha đưa ra sau khi Thống đốc Catalonia ngó lơ tối hậu thư của Thủ tướng Mariano Rajoy hôm thứ Hai về quyết định có tuyên bố Nhà nước độc lập hay không.

Đồng thời, ông Puigdemont kêu gọi một cuộc đối thoại "chân thành và trung thực" với Thủ tướng Mariano Rajoy trong vòng 2 tháng tới.

Thủ tướng Mariano Rajoy sau đó đã tuyên bố thời hạn chót ngày 19/10 (Thứ Năm) sẽ kích hoạt Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha nếu Catalan không đưa ra câu trả lời cuối cùng. Điều đó có nghĩa, Madrid sẽ thu hồi quyền tự trị của Catalan, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền địa phương ở đây.

Phó Thủ tướng Soraya Sáenz de Santamaría nói tại một cuộc họp báo hôm Thứ Hai: "Chính phủ tiếc rằng Thống đốc Catalan đã không đáp lại yêu cầu này. Không khó để nói là Có hay Không dù ông ấy đã tuyên bố về một Nhà nước độc lập từ trước đó. Đó chỉ là một câu hỏi và không cần quá phức tạp về nó".

Chiến dịch của vùng Catalan muốn độc lập thoát khỏi Tây Ban Nha đã khiến đất nước này rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất sau nỗ lực đảo chính từ năm 1981.

Hôm thứ 2, Bộ Kinh tế Tây Ban Nha đã cắt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 tới vì tình hình bất ổn. Rõ ràng, Tây Ban Nha đã dự liệu các kịch bản xấu nhất.

Thống đốc Catalonia trả lời một kênh truyền hình địa phương cho rằng có thể ông cũng sẽ "ngó lơ" ngày thứ Năm tới bất chấp Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha có được Thủ tướng Mariano Rajoy thực thi hay không.

Cả phe đòi độc lập và chính quyền Trung ương vẫn không có dấu hiệu cho thấy sự nhượng bộ. Bất chấp những lời kêu gọi đối thoại từ Catalan, châu Âu và nhiều vùng lãnh thổ, Chính quyền Tây Ban Nha đã nói không.

Cho đến nay, cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha không có bạo lực ngoại trừ ngày 1/10 diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, theo truyền thông Tây Ban Nha. Diễn biến mới nhất ở Catalan là một biểu hiện cho thấy sự sẵn sàng của chính quyền trung ương đối với tinh thần đòi độc lập tại xứ Catalan.

Các nhà quan sát cảnh báo, bất cứ động thái nào của Chính quyền trung ương Tây Ban Nha ngoài việc đối thoại đều mang lại một phản ứng tiêu cực với quốc gia này nói chung và Catalonia nói riêng.

Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào ngày 1/10 thu hút người dân Catalonia dù vẫn có phiếu trắng và chống cho quyền độc lập của Nhà nước mới. Song ngày càng nhiều người nản chí khi nghĩ về viễn cảnh kinh tế bị ảnh hưởng từ việc chính quyền trung ương phủ nhận cuộc trưng cầu, các nhà đầu tư lớn dần rời bỏ khỏi Catalonia.

Nếu người Catalonia từ bỏ nỗ lực độc lập, tôn trọng quyền thống nhất của Tây Ban Nha, nền kinh tế Catalonia - điều mà họ tự hào nhất, cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có nguy cơ thụt lùi sâu hơn trước nguy cơ bất ổn chính trị.

Còn nếu người dân Catalonia chấp nhận rời đi thành một Nhà nước mới thì bạo lực từ chính quyền Trung ương là phương án xấu nhất được tính đến, sẽ đè bẹp các mục tiêu dân chủ tối thượng ở châu Âu lại không được quy định ở Hiến pháp quốc gia.