US firing Tomahawk missiles
Cảnh Mỹ phóng tên lửa Tomahawk để trừng phạt chính phủ Syria về vụ tấn công hóa học mà khủng bố do họ điều khiển gây ra
Theo Sputnik, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cuối cùng đã thừa nhận rằng, Mặt trận Al Nusra khét tiếng, đang hoạt động tại tỉnh Idlib không những sở hữu vũ khí hóa học mà còn dùng vũ khí hóa học để tấn công dân thường Syria.

"Tổ chức khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS), liên kết với Jabhat al-Nusra, đã sử dụng vũ khí hạng nhẹ, vũ khí hạng nặng, cùng nhiều thiết bị nổ, và vũ khí hoá học trong thời gian hoạt động tại tỉnh Idlib."

Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thừa nhận sự thật này. Tôi nhấn mạnh một lần nữa, việc sử dụng vũ khí hoá học của các phần tử khủng bố Jabhat al-Nusra ở Syria để tiến hành những cuộc tấn công khủng bố là điều mà chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần", Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Konashenkov nói.

Ông Igor Konashenkov cũng nhắc lại rằng, trong tỉnh Idlib, chỉ có một trường hợp sử dụng vũ khí hoá học được biết đến - đó là ở Khan-Sheikhun. Tuy nhiên, phía Mỹ đã buộc tội quân đội chính phủ tiến hành cuộc tấn công hóa học này.

Tướng Konashenkov cho biết, những kẻ thực sự tiến hành cuộc tấn công đó đã trở thành thành viên của Jabhat al-Nusra, tổ chức được biết đến với cái tên "đối lập ôn hòa".

"Hiện tại, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa mọi thứ trở về đúng với bản chất của nó. Nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra, liên kết với Al-Qaeda hoạt động trong Idlib, không chỉ sở hữu mà còn sử dụng vũ khí hóa học để chống lại thường dân", ông nhấn mạnh.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chính vì sự nhầm lẫn nói trên mà Mỹ đã lấy đó làm lý do để thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào căn cứ không quân Syria.

"Hiện tại vẫn chưa rõ lý do tại sao Washington lại sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk đắt tiền để tấn công vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. Họ có thể sử dụng số tiền đó một cách hiệu quả hơn bằng cách tấn công vào nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra", ông Konashenkov nhấn mạnh.

Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định rằng, các cáo buộc của Mỹ về việc không quân Nga ném bom Idlib là không đúng sự thật. Bởi lẽ, không quân Nga không bao giờ nhắm vào các địa điểm đông dân cư.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng, máy bay Nga và Syria đang tiến hành các cuộc không kích ở tỉnh Idlib, vốn đã gây ra rất nhiều thương vong cho dân thường và các nhân viên y tế.

"Đối với vụ đánh bom Idlib mà Mỹ cáo buộc được thực hiện bởi máy bay Nga, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã bị nhầm lẫn. Nói cách khác, công dân Mỹ không có gì phải sợ hãi vì điều đó", ông nói một cách châm biếm và nhấn mạnh rằng:

"Các máy bay chiến đấu của Nga hoạt động ở Syria không bao giờ nhắm mục tiêu và các khu vực đông dân cư. Không giống như cách mà liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo thực hiện để giành thắng lợi ở Raqqa là quét sạch tất cả những chướng ngại trên mặt đất".

Ngày 17/10, quân đội Hoa Kỳ tuyên bố, khoảng 90% thành phố Raqqa của Syria đã được giải phóng. Đồng thời, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric nói rằng, do các hoạt động quân sự, hầu hết các cơ sở hạ tầng của Raqqa đã bị hư hỏng hoặc bị phá hủy. Nhân viên của LHQ không thể tiến vào thành phố để đánh giá tình hình và cung cấp viện trợ nhân đạo.

Cuộc chiến ở Syria bắt đầu vào năm 2011. Bốn năm sau đó, vào tháng 9/2015, Nga đã khởi động một chiến dịch quân sự nhằm trợ giúp chính phủ Syria trong cuộc chiến chống lại IS và các nhóm khủng bố khác.

Trong khi đó, liên minh do Mỹ dẫn đầu cũng tiến hành các cuộc không kích nhằm tiêu diệt IS ở Syria, mặc dù hoạt động này chưa được chính phủ của Tổng thống Bashar Assad hoặc Hội đồng Bảo an LHQ phê chuẩn.