Lombardy and Veneto regions of Italia
Chính quyền hai vùng Lombardy và Veneto phía bắc Italy hôm nay tiến hành trưng cầu dân ý về mức độ tự trị của khu vực.

Dù không phải là nỗ lực đòi độc lập giống như vùng Catalonia ở Tây Ban Nha, cuộc trưng cầu ý dân của hai khu vực giàu có nhất Italy này sẽ khởi động tiến trình có thể dẫn tới việc Lombardy và Veneto xác lập quyền tự trị nhiều hơn với chính quyền trung ương, AFP ngày 22/10 đưa tin.

Vùng Lombardy nổi tiếng với kinh đô thời trang Milan, còn thành phố của các kênh đào Venice là thủ phủ của vùng Veneto. Hai vùng miền bắc này chiếm tới 1/4 dân số Italy và đóng góp tới 30% tổng sản phẩm quốc nội.

Trong hai cuộc trưng cầu dân ý được toà án hiến pháp Italy phê chuẩn này, người dân được hỏi họ có muốn mức độ tự trị cao hơn với chính quyền trung ương Rome trong các lĩnh vực thuế, quản trị, nhập cư và cơ sở hạ tầng hay không.

Hơn 12 triệu cử tri sẽ lựa chọn phương án "có", "không" hoặc "phiếu trắng". Tuy nhiên kết quả trưng cầu dân ý không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, ngay cả khi cử tri hai vùng nhất trí với quyền tự trị lớn hơn. Kết quả này chỉ tạo thêm đòn bẩy cho lãnh đạo hai vùng trong các cuộc đàm phán với Rome.

Giới quan sát cho rằng hai khu vực giàu có của Italy này tiến hành trưng cầu ý dân là do ảnh hưởng của sự kiện Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Tây Ban Nha khi vùng tự trị Catalonia đòi độc lập.

Số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai đàm phán giữa chính quyền vùng Lombardy và Veneto với Rome. Tại Veneto, phải có hơn 50% số cử tri đi bỏ phiếu thì kết quả mới được coi là hợp lệ. Trong khi đó, Lombardy không quy định số lượng người đi bỏ phiếu nhưng nếu tỷ lệ cử tri đi bầu thấp sẽ đẩy lãnh đạo địa phương vào thế yếu khi thương lượng với chính quyền trung ương.

Lãnh đạo vùng Veneto, ông Luca Zaia, phê phán Rome lãng phí tới 35 tỷ USD mỗi năm trong khi địa phương này hàng năm đóng góp 15,5 tỷ USD vào ngân sách nhà nước, còn mức đóng góp của Lombardy là gần 60 tỷ USD.

Với lợi thế kinh tế mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và phúc lợi xã hội cao hơn so với mức trung bình cả nước, hai vùng này muốn Rome trao cho họ quyền tự quyết lớn hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và môi trường. Lãnh đạo Lombardy và Veneto đồng thời muốn đẩy quyền tự trị của vùng đi xa hơn trong các lĩnh vực như an ninh và di dân, nghĩa là đòi hỏi sửa đổi hiến pháp.