Catalonia protesters
Cuộc khủng hoảng chính trị xoay quanh vấn đề độc lập của vùng Catalonia vẫn rất bế tắc và căng thẳng, mà nguyên nhân của nó được cho là do hệ luỵ của "tiền lệ pháp mang tên Kosovo" được phương Tây tạo ra trái nguyên lý từ bom đạn của NATO.

Với những gì đang diễn ra trong đời sống chính trị và đời sống xã hội tại Tây Ban Nha, dư luận đặt câu hỏi: Từ sai lầm ở Kosovo đến thảm hoạ ở Catalan, giá trị của nền dân chủ phương Tây còn gì?

Một nền dân chủ được phương Tây tạo dựng bằng bom đạn, máu và nước mắt ở Kosovo có gì?

Ngược dòng thời gian, ngày 22/7/2010, sau khi Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) phán rằng tuyên bố độc lập của Kosovo không vi phạm các nguyên tắc chung, không vi phạm luật pháp quốc tế, nền Đệ nhị Cộng hoà đã được xác lập tại Kosovo.

Từ đó nhà nước Kosovo nhanh chóng được công nhận về mặt ngoại giao và hệ thống chính trị do phương Tây tạo dựng bằng bom đạn, máu và nước mắt tại Kosovo chính thức vận hành theo nguyên tắc tự do - dân chủ.

Tưởng chừng nển dân chủ non trẻ được phương Tây nhào nặn ấy sẽ sớm hoà vào dòng chảy của lịch sử chính trị thế giới và sẽ trở hình mẫu cho việc phổ quát nguyên tắc tự do - dân chủ trong thế kỷ 21.

Song mọi việc lại không phải như vậy.

Ngày 26/2/2016, dư luận giật mình khi các Nghị sĩ đối lập tại Kosovo ném bom khói và hơi cay vào phòng họp Quốc hội nước này, nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống. Sự kiện "độc nhất vô nhị" khiến cả thế giới rất ngạc nhiên.

Song hầu hết nhìn nhận đều cho rằng đó chỉ là hành động cực đoan ngăn chặn cựu Thủ tướng Hashim Thaci - người chủ trương trao thêm quyền tự trị cho cộng đồng thiểu số Serbia tại Kosovo- được bầu làm nguyên thủ quốc gia.

Tuy nhiên, theo báo cáo năm 2017 của LHQ về tình hình chính trị, tình hình nội trị tại Kosovo thì người ta mới ngã ngửa, bởi đó chính là thực trạng của nền dân chủ mà phương Tây đã tạo dựng cho thực thể chính trị đặc biệt này.

Xin phép được trích dẫn một số thành quả đáng chú ý của phương Tây khi tạo ra "tiền lệ pháp mang tên Kosovo" trong báo cáo mới nhất của LHQ về Balkan, Serbia và Kosovo.

1. Sau cuộc chiến Kosovo, Quân đội Kosovo đã tấn công các dân tộc thiểu số, đối thủ chính trị, gây ra những tội ác nghiêm trọng.

Tháng 1/2016, Kosovo và Hà Lan đã ký thoả thuận tổ chức phiên tòa đặc biệt xét xử những can phạm phạm tội ác này.

2. Hiến pháp Kosovo có quy định bảo vệ chống phân biệt đối xử dựa trên định hướng giới tính, bảo vệ cả xu hướng tình dục lẫn bản sắc giới tính, tuy nhiên trong thực tế lại không thể hiện được giá trị của đạo luật cơ bản.

3. Báo cáo về Nhân quyền của Mỹ tháng 6/2016 về Kosovo quan ngại vấn đề bạo lực, phân biệt đối xử với người thiểu số, người khuyết tật, ngược đãi người bị giam giữ, đe dọa truyền thông và bạo lực với những người di tản trở về sau chiến tranh.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong chuyến công du Balkan vào tháng 7/2016, đã kêu gọi chính quyền Kosovo tăng cường luật pháp, kiểm soát hệ thống tư pháp, chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.

4. Báo cáo của Uỷ ban Châu Âu tháng 11/2016 về Kosovo cho biết, luật pháp chịu ảnh hưởng quá nhiều từ chính trị, mối đe dọa và tấn công các nhà báo vẫn xảy ra, kêu gọi cơ quan có thẩm quyền điều tra và truy tố các vụ án một cách có hiệu quả.

5. Báo cáo của LHQ cho biết bạo lực gia đình phổ biến ở Kosovo. Theo một cuộc điều tra vào tháng 11/2015 bởi Mạng lưới Phụ nữ của Kosovo, có 68 % phụ nữ Kosovo đã từng bị bạo lực gia đình trong đời.

Như vậy, nền dân chủ tại Kosovo vẫn có máu và nước mắt của người Kosovo, còn nền chính trị tại Kosovo thì vận hành theo những nguyên tắc phản dân chủ và màu bạo lực thấm đẫm mọi cấu trúc xã hội.

Phải chăng phương Tây dùng bạo lực mang dân chủ cho Kosovo nên nền dân chủ tại Kosovo phải có màu của bạo lực?

Nguyên tắc dân chủ truyền thống phương Tây trong cơn khủng hoảng tại Catalan còn gì?

Ngày 23/10, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Soraya Saenz de Santamaria khẳng định Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont sẽ mất quyền lực vào ngày 27/10 khi Thượng viện nước này thông qua việc áp dụng Điều 155 Hiến pháp cho phép chính phủ quản lý trực tiếp Catalonia.

Ngày 24/10, trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh, Bộ trưởng Bộ trưởng Tư pháp Tây Ban Nha Rafael Catala cho rằng mọi thứ tại Catalonia không thể được giải quyết chỉ bằng tổ chức bầu cử.

Cùng ngày, người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha Inigo Mendez de Vigo cảnh báo trong trường hợp cần thiết, chính quyền trung ương sẽ sử dụng vũ lực chống các cuộc biểu tình đe dọa trật tự công cộng ở vùng Catalonia.

"Không chính phủ nào muốn dùng bạo lực, song chính phủ phải đảm bảo luật pháp được tuân thủ, nếu có người dân không muốn tuân thủ luật pháp thì thông qua lực lượng cảnh sát tại Catalonia, chúng tôi phải khôi phục luật pháp", ông Vigo cho biết.

Trước việc áp dụng các biện pháp chưa từng có nhằm chấm dứt nỗ lực giành độc lập của giới lãnh đạo Catalonia, Thủ tướng Mariano Rajoy cho biết Madrid không có lựa chọn nào khác bởi chính quyền Catalonia đã "đi ngược lại luật pháp và tìm kiếm sự đối đầu".

Như vậy, kết quả cuộc trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalonia - có được thông qua một hoạt động chính trị dựa trên nguyên tắc dân chủ - đã bị cảnh báo bác bỏ bằng những biện pháp phản dân chủ và chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường.

Trong lịch sử chính trị thế giới, việc gạt bỏ kết quả của những hoạt động chính trị theo nguyên tắc dân chủ thông qua cơ chế uỷ nhiệm quyền lực nhân dân - trưng cầu dân ý hay bầu cử tự do - thường diễn ra dưới hình thức tiếm quyền và cướp quyền.

Hình thức tiếm quyền thường được thực hiện qua gian lận bầu cử, từ sử dụng sức mạnh nhà nước làm sai lệch kết quả kiểm phiếu đến tạo cơ chế bầu cử nhằm hạn chế việc tham gia ứng cử và làm giảm khả năng thắng cử của người bất đồng chính kiến hay đối thủ chính trị.

Hình thức cướp quyền thường được thực hiện qua đảo chính quân sự hay bạo loạn lật đổ và trong trường hợp này bạo lực được sử dụng để buộc lực lượng chính trị được uỷ thác quyền lực nhân dân phải trao quyền lại cho lực lượng làm đảo chính hay gây bạo loạn.

Tại Tây Ban Nha, quyền tự quyết của người dân xứ Catalan, quyền lực của giới lãnh đạo Catalonia có thể bị tước bỏ không phải bẳng gian lận bầu cử hay bằng đảo chính quân sự, song nó lại nguy hại gấp nhiều lần hai hình tước bỏ quyền lực ấy.

Bởi lẽ, khi người dân xứ Catalan tham gia cuộc trưng cầu độc lập là họ nuôi hy vọng quyền tự quyết dân tộc của họ sẽ được tôn trọng và họ sẽ có thể thiết lập thực thể chính trị đại diện để thực hiện uỷ thác quyền lực của mình.

Rồi khi quyền tuyên bố độc lập của họ chưa được thực hiện thì đương nhiên họ có niềm tin vào chính quyền Tây Ban Nha sẽ xử lý vấn để dựa trên nguyên tắc dân chủ, vì cuộc trưng cầu độc lập diễn ra theo nguyên tắc dân chủ và Tây Ban Nha là nước dân chủ.

Tuy nhiên, chính quyền Madrid lại không thực hiện như vậy. Điều đó cho thấy niềm tin của người dân xứ Catalan đã bị đánh cắp và niềm hy vọng của họ đã bị dập tắt, trong khi đây là hai yếu tố tinh thần cao nhất tạo nên nền tảng cho nguyên tắc tự do - dân chủ phương Tây.

Vậy khi giá trị nền tảng không còn nữa thì nguyên tắc tự do - dân chủ truyền thống phương Tây còn gì? Mất niềm tin, không niềm hy vọng thì tự do - dân chủ còn không và ý nghĩa của nó là gì?

Rõ ràng, những nhà lý luận phương Tây không dễ tìm ra lời giải đáp, còn những nhà hoạch định chiến lược phương Tây thì không biết khi nào mới hoá giải được nguy hại của "tiền lệ pháp mang tên Kosovo" mà chính họ đã tạo ra.