Carles Puigdemont
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont
Mới đây, sau khi các nghị sĩ Catalonia bỏ phiếu phê chuẩn tuyên bố một "nền cộng hòa" Catalan độc lập, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã giải tán chính quyền cũng như nghị viện của xứ này và tuyên bố ngày 21/12 tới đây sẽ tiến hành bầu cử lại để chọn ra đội ngũ thay thế.

Theo đó, ông Rajoy tuyên bố bãi nhiệm thủ hiến Carles Puigdemont, cảnh sát trưởng khu vực cũng như các phái viên ngoại giao của Catalonia ở Madrid và Brussels. Cùng với đó, các bộ thuộc chính phủ trung ương sẽ tiếp quản Catalonia.

"Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn. Chúng tôi tin rằng việc lắng nghe người dân xứ Catalan, lắng nghe tất cả mọi người, là điều cấp thiết, để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể thay họ hành động trái pháp luật", ông Rajoy khẳng định.

Hàng ngàn người ủng hộ độc lập đã có mặt tại quảng trường Sant Jaume phía trước trụ sở cơ quan chính quyền địa phương tại Barcelona trong khi ông Mariano Rajoy phát biểu. Rõ ràng tâm trạng hân hoan với tuyên bố độc lập trước đó của họ đã bị ông Rajoy dập tắt.

Trước đó, chiều 27/10 (giờ địa phương), nghị viện Catalonia đã có động thái thách thức Madrid khi đơn phương bỏ phiếu tuyên bố độc lập.

Ngay lập tức, người phát ngôn Văn phòng Công tố Tây Ban Nha tuyên bố: "Các công tố viên sẽ lập hồ sơ khởi tố ông Carles Puigdemont với tội danh nổi loạn vào tuần sau".

Một tòa án Tây Ban Nha khi đó sẽ xem xét cáo buộc nổi loạn nhằm vào ông Puigdemont. Theo luật Tây Ban Nha, tội danh này tương ứng với án tù lên tới 30 năm. Các thành viên khác của nghị viện và chính quyền Catalonia có thể bị khởi tố với tội danh tương tự.

Sau khi nghị viện Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập, Mỹ và một số nước châu Âu, trong đó có Pháp, Đức... đã bác bỏ tuyên bố độc lập của Catalonia và bày tỏ sự ủng hộ với ông Rajoy trong việc bảo vệ sự thống nhất.

Ngày 28/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nói Catalonia là một phần không tách rời của Tây Ban Nha và Mỹ ủng hộ các biện pháp dựa trên hiến định của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm duy trì một đất nước vững mạnh, thống nhất.

Cùng ngày, một loạt nước khác cũng đã lên tiếng phản đối Catalonia tuyên bố độc lập. Pháp, Anh, Italy và Đức cũng đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalonia vừa thông qua.

Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét. Chính phủ Đức thì cho hay ủng hộ lập trường của Thủ tướng Tây Ban Nha trong quyết tâm bảo vệ hiến pháp nước này.

Người phát ngôn Chính phủ Anh nêu rõ tuyên bố của Catalonia được đưa ra dựa trên một cuộc bỏ phiếu mà Tòa án Tây Ban Nha đã tuyên bố là bất hợp pháp và rằng sự thống nhất của Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng.

Ngoài ra, một loạt các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha.

Rõ ràng, các nước phương Tây đang thể hiện tiêu chuẩn kép trong vấn đề Catalonia. Washington phản đối Catalonia ly khai, trong khi trước đó chính Mỹ và các nước đồng minh đã tạo dựng và cho ra đời một nhà nước tại Kosovo như một sự khích lệ đối với vấn đề ly khai và quyền tự quyết dân tộc.

Còn đối với các nước EU, rõ ràng họ đang lo sợ hiệu ứng Catalonia lan rộng khắp châu Âu. EU vẫn chưa hoàn hồn sau Brexit giờ đây nếu như hiệu ứng Catalonia, châu Âu sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử.

Theo hãng phân tích rủi ro Teneo Intelligence, cuộc khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha đã leo thang lên một cấp độ mới tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhất là khi những người ủng hộ độc lập kêu gọi một chiến dịch đấu tranh không khoan nhượng với chính phủ trung ương.

"Căng thẳng chắc chắn sẽ gia tăng nghiêm trọng trong những ngày tới đây. Những người biểu tình có thể sẽ cố tình ngăn cản cảnh sát trong việc trục xuất các bộ trưởng Catalonia khỏi nhiệm sở của họ... Điều này sẽ làm tăng nguy cơ các cuộc đụng độ bạo lực", Teneo Intelligence nhận định.