Salih Muslim Muhammad pyd Kurdistan Syria
© AFP 2017/ Bertrand LangloisSalih Muslim Muhammad, cựu đồng Chủ tịch đảng Dân chủ Kurdistan ở Syria (PYD)
Tại sao người Kurd không liên minh chính trị với Mỹ?

Sputnik ngày 28/10 đưa tin, ông Salih Muslim Muhammad, cựu đồng Chủ tịch đảng Dân chủ Kurdistan ở Syria (PYD), đã nói cho biết quan điểm về cấu trúc chính trị tương lai ở Syria và mối quan hệ giữa người Kurd với Mỹ.

Trước nhận định rằng sau những thành công gần đây của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn ở Raqqa và việc kiểm soát mỏ dầu Al-Omar, Mỹ đang tạo hình cho một khu vực người Kurd ở Syria, ông Salih đã phủ nhận điều đó.

Cựu lãnh đạo PYD cho biết, khi bước vào vùng lãnh thổ Rojava - lãnh thổ của người Kurd ở Syria - người Mỹ tuyên bố rằng hành động của họ chỉ nhằm mục đích chống khủng bố IS.

Do đó "chúng tôi đã và đang hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến này. Quan hệ của chúng tôi với Washington chỉ giới hạn trong các hoạt động chống IS, ngoài ra không có các hoạt động chung nào khác", ông Salih khẳng định.

Theo ông Salih Muslim, các cuộc tiếp xúc chính trị giữa người Kurd và Mỹ chỉ được bắt đầu khi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva, mà đại diện người Kurd lại không có mặt trong tiến trình chính trị này.

Chính vì vậy "các quan chức Mỹ đã viếng thăm Rojava để tổ chức các cuộc hội đàm. Tuy nhiên, mối quan hệ của họ với chúng tôi còn ở rất xa mong muốn của họ", nhà chính trị kỳ cựu của người Kurd ở Syria cho biết.

Quan chức người Kurd cũng nhấn mạnh việc Mỹ thiết lập các cơ sở quân sự trong khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) là vi phạm chủ quyền quốc gia của Syria.

Ông Salih lưu ý rằng Washington đã tiết lộ việc thiết lập các cơ sở quân sự đó là vì tin tưởng người Kurd.

"Chúng tôi không biết Mỹ sẽ ở lại Rojava bao lâu, nhưng chúng tôi không đồng ý về vấn đề này".

Với những gì mà cựu lãnh đạo PYD tiết lộ, rõ ràng giữa Mỹ và người Kurd có những khác biệt trong quan điểm chính trị, dù Mỹ bảo trợ người Kurd và nhờ Mỹ mà người Kurd mới có vị thế như hiện nay.

Có thể nhận diện 3 lý do tạo nên sự bất đồng giữa người Kurd và Mỹ.

Thứ nhất, Mỹ là khách không mời nên hành động của Mỹ là bất hợp pháp, do vậy người Kurd không muốn liên minh chính trị với Mỹ, bởi mọi kết quả sẽ luôn là bất hợp pháp.

Thứ hai, như ông Salih cho biết, quan hệ Mỹ - người Kurd chỉ vì người Kurd vắng mặt trong các cuộc hội đàm tại Geneva, song đến lúc này Washington vẫn không tìm cách để người Kurd có mặt trong cơ chế ấy, thậm chí Moscow phải lên tiếng thay.

Thứ ba, người Mỹ không thể hiện rõ ràng quan điểm của mình khiến người Kurd rơi vào 2 gọng kìm nguy hại bởi sức ép từ cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do vậy, không liên minh chính trị với Mỹ lúc này có thể an toàn hơn cho người Kurd.

Sự thay đổi lập trường của chính quyền Syria với người Kurd đã có tác dụng?

Quan hệ giữa Mỹ và người Kurd dù có những khác biệt, nhưng bản chất lại không phải là yếu tố nền tảng, do vậy việc người Kurd không liên minh chính trị với Mỹ được cho là sự thay đổi rất quan trọng trong lập trường của họ.

Theo giới phân tích, việc người Kurd thay đổi lập trường trong quan hệ với Mỹ có yếu tố tác động quan trọng từ việc chính quyền Syria thay quan điểm về người Kurd trong thời gian gần đây.

Hẳn dư luận còn nhớ, ngày 26/9 vừa qua, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem đã cho biết chính quyền nước này hoàn toàn để ngỏ khả năng đàm phán với cộng đồng người Kurd xoay quanh đòi hỏi của họ về cơ chế tự trị trong lãnh thổ Syria.

"Vấn đề này có thể được thảo luận sau khi chúng tôi tiêu diệt IS. Khi đó chúng tôi và đại diện người Kurd có thể ngồi xuống cùng nhau bàn bạc về tương lai cho đất nước", Russia Today tường thuật.

Đây được xem là một thay đổi rất bất ngờ, bởi từ trước tới nay chính quyền Syria luôn phản đối việc trao quy chế tự trị cho cộng đồng người Kurd vì cho rằng điều đó sẽ ảnh hưởng tới tính thống nhất của nhà nước Syria.

Việc chính quyền Syria gửi thông điệp hoà bình tới người Kurd trong bối cảnh tộc người này đang có những chuyển động chính trị quan trọng tại Trung Đông, được cho là quyết định rất kịp thời và sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực cho Damascus.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, quân đội Mỹ sẽ rời khỏi Syria sau khi IS bị tiêu diệt, khi đó các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn sẽ có thể rơi vào khoảng trống. Điều đó hoàn toàn có thể, mà việc CIA chấm dứt sứ mệnh tại Syria là một cảnh báo.

Mỹ là khách không mời nên người Mỹ sẽ không còn lý do chính đáng để ở lại Syria sau khi IS bị tiêu diệt.

Do vậy, nếu muốn ở lại lâu dài trên lãnh thổ Syria thì hoặc Mỹ phải "nuôi IS", hoặc Mỹ phải liên minh chính trị với các lực lượng Mỹ được bảo trợ.

Mọi điều đều không chắc chắn và có phần mạo hiểm với các lực lượng đối lập. Vì vậy, Damascus gửi thông điệp hoà bình cho người người Kurd là bắn một mũi tên trúng ba đích: gạt Mỹ, phân hoá phe đối lập và kéo người Kurd về phía chính phủ.

Nay cựu lãnh đạo đảng Dân chủ Kurdistan ở Syria công khai vấn đề "liên minh với Mỹ đánh IS, không liên minh chính trị với Mỹ", phải chăng sự thay đổi lập trường của Damascus đã phát huy tác dụng?

Cơ hội không thể bỏ lỡ đối với Damascus?

Theo giới phân tích, khi giới lãnh đạo người Kurd công khai quan điểm của minh trong việc không liên minh chính trị với người Kurd, đó là cơ hội cho chính quyền Syria tiến thêm một bước trong hòa hợp dân tộc và nâng cao vị thế cho mình.

Damascus rất có lợi khi kết nối với người Kurd trong thời điểm hiện nay. Điều này có thể ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ cắm rễ tại Syria. Cho đến lúc này Damascus và Moscow luôn gặp khó khăn trong hoá giải hành động tấn công người Kurd của Ankara.

Khi người Kurd được Damascus đảm bảo tương lai chính trị - dù là cơ chế tự trị - thì mối nguy từ người Kurd ở Syria làn truyền sang Thổ Nhĩ Kỳ có thể được ngăn chặn. Khi đó Erdogan không thể cho quân đội vượt biên giới vào cắm rễ tại Syria.

Bên cạnh đó, việc nâng cao địa cho người Kurd đã trở thành xu thế sau hơn 100 năm đấu tranh của tộc người này, kể từ khi "Mật ước Sykes-Picot" được Anh và Pháp ký kết vào ngày 19/5/1916, chia ly người Kurd ra 4 quốc gia Trung Đông.

Giúp cho người Kurd hoà vào dòng chảy lịch sử không chỉ thuận theo thời thế, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực cho việc gia cố vững chắc nền tảng sức mạnh quốc gia, nhất là nền tảng sức mạnh mềm của Syria.

Bởi khi Damascus chủ động kết nối và kết nối thành công với người Kurd thì đương nhiên một cộng đồng dân tộc sẽ được củng cố vững chắc, từ đó sẽ tạo hình cho một nền văn hoá dân tộc của Syria, thời hậu IS.

Làm được điều này thì nhà nước Syria có thể hoá giải tác hại từ chiến lược của người Mỹ muốn can thiệp sâu rộng và lâu dài vào tình hình chính trị và tình hình nội trị Syria. Khi đó ngày vui của đất nước Syria mới có thể trở thành động lực phát triển.

Có thể thấy rằng, chiến lược của Nga tại Syria giúp cho chính quyền Tổng thống Assad khẳng định được vị thế của lực lượng đại diện chính nghĩa quốc gia, qua đó xác định được những hành động phi nghĩa tại Syria, đã tỏ ra rất lợi hại.

Vấn đề còn lại là liên minh Nga - Syria khai thác lợi ích từ việc hiện thực hoá chiến lược đó như thế nào, mà cụ thể là thay đổi mới nhất của lực lượng người Kurd, hoá giải tác hiệu từ uy lực Mỹ với người Kurd ở Syria và tại cả khu vực Trung Đông.