SpaceX rocket
© Bill Ingalls / Reuters
Theo Washington Post, động cơ tên lửa của SpaceX vừa bất ngờ phát nổ khi tiến hành thử nghiệm khiến nỗ lực thoát Nga của Mỹ càng thêm khó. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, vụ nổ xảy tại cơ sở của Công ty SpaceX ở Texas từ hôm 5/11 nhưng đến nay mới được công khai.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các nhà điều tra đã xác định được nguyên nhân do lỗi ở phần động cơ. Các nhà chức trách tuyên bố: "Chúng tôi đang tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và minh bạch về nguyên nhân cụ thể khiến động cơ tên lửa của SpaceX lại phát nổ".

Vụ nổ xảy ra khi các kỹ sư đang thực hiện thao tác kiểm tra cuối cùng bằng cách đưa oxy lỏng vào động cơ để xem nếu có sự rò rỉ nào xảy ra. Ngay sau vụ nổ, toàn bộ thử nghiệm với động cơ 5 Merlin đã bị đình chỉ cho đến khi công ty có thể xác định được vấn đề.

Khối 5 Merlin sẽ được sử dụng trên các tên lửa Falcon 9 của SpaceX, hiện đang sử dụng Khối 4. Vụ nổ là một sự thất bại với SpaceX và khiến nỗ lực tự chủ động cơ tên lửa đẩy của Mỹ trước Nga càng thêm khó. Và khó khăn này cũng đã được chính Lầu Năm Góc khẳng định.

Tạp chí The Wall Street Journal (WSJ) cho biết, với những sự cố của động cơ tên lửa đẩy Mỹ dùng để thay thế RD-180 của Nga đã buộc Lầu Năm Góc phải tuyên bố rằng, việc dừng mua động cơ Nga không sớm hơn năm 2025.

"Dù cả hai Viện của Quốc hội Mỹ đã đưa ra yêu cầu cần nhanh chóng ngừng việc sử dụng các động cơ tên lửa RD-180 do Nga phát triển vì nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thực tế lại phức tạp hơn nhiều so với kế hoạch Mỹ đặt ra", WSJ dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết.

Hiện tại, để thực hiện kế hoạch thay thế động cơ Nga, các đối tác cung cấp chính công nghệ tên lửa cho Lầu Năm Góc là một số tập đoàn, công ty khác nhau. Trong đó, có United Launch Alliance (ULA).

Theo thừa nhận của Lầu Năm Góc, hiện Mỹ không đủ khả năng để thay thế các động cơ tên lửa của Nga bằng các loại động cơ tương tự nhưng có giá thành đắt đỏ hơn của Mỹ. Ngân sách dành cho kế hoạch thay thế này không đủ lớn để thực hiện từ việc nghiên cứu cho đến tự sản xuất động cơ đủ mạnh để thay thế sản phẩm của Nga.

Và đỉnh điểm của việc Mỹ đang bất lực trong việc phát triển động cơ để tránh phụ thuộc vào Nga là việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - ông James Mattis dùng cụm từ "sự cần thiết khó chịu" khi đề cập đến vấn đề nước này tiếp tục phải chi hàng tỷ USD trong hàng chục năm tới để mua động cơ tên lửa và xí chỗ trong các tàu vũ trụ Nga để bay lên quỹ đạo.

Tuyên bố này được ông James Mattis phát biểu trong cuộc điều trần tại Thượng viện Hoa Kỳ rằng, Bộ Quốc phòng nước này bao giờ cũng muốn nước mình có được hai hoặc nhiều hơn các nhà cung cấp dịch vụ phóng hoàn toàn là của Mỹ, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì điều này là không khả thi.

Về kỹ thuật thì Mỹ có thể vẫn có phương án thay thế nhưng giá thành mỗi vụ phóng tên lửa này lại quá đắt. Do đó, Lầu Năm Góc đã chọn tên lửa đẩy Atlas V, chấp nhận thực tế khó chịu là cần mua thêm hàng chục động cơ RD-180 của Nga để trang bị cho tên lửa đẩy Atlas V.

Hiện ULA - liên doanh giữa Lockheed Martin và Boeing đang sử dụng động cơ RD-180 trong giai đoạn đầu tiên của tên lửa Atlas V, để cạnh tranh với SpaceX - công ty tư nhân cũng đang chế tạo dòng tên lửa tái sử dụng. Thiếu RD-180, liên danh này sẽ thất thế trước SpaceX.

Tuy nhiên, với phong độ không ổn định trong việc thử nghiệm của mình, chính SpaceX cũng chưa thể khẳng định đến bao giờ sản phẩm của họ đủ sức mạnh và tin cậy để thay thế được hoàn toàn động cơ do Nga sản xuất.